Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học và Nhà Doanh nghiệp cùng hợp tác nhắm nâng cao năng suất, chất lượng cây giống… đưa Mắcca có nguồn gốc từ Úc này trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân ở Tây Nguyên.

Đây là mục tiêu quan trọng trong “Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển dự án Mắcca” vừa kí kết giữa Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên(WASI) và Công ty CP Him Lam ngày 31/7/2015.

Dự án Mắc ca tại các tỉnh Tây Nguyên được Công ty CP Him Lam định hướng triển khai theo mô hình phát triển bền vững với sự liên kết giữa 04 “Nhà”: Nhà Nước, Nhà Nông, Nhà Khoa học và Nhà Doanh nghiệp.

{keywords}

Việc ký kết này là một bước đi chiến lược quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu chuyên sâu về cây Mắcca giữa WASI và Him Lam, bắt đầu từ công tác định danh giống, nghiên cứu sản xuất cây giống cho năng suất cao và hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, canh tác cũng như bảo quản sau thu hoạch, chế biến…Đây được coi là những yếu tố tiên quyết, quyết định sự thành công của Dự án phát triển cây Mắcca trên quy mô lớn tại Tây Nguyên của Công ty CP Him Lam.

Cây Mắcca có nguồn gốc, xuất xứ từ Úc và hiện nay đang bắt đầu phát triển vùng trồng trên quy mô lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy hạt Mắcca có giá trị dinh dưỡng vượt trội so với các loại hạt khác và được mệnh danh là nữ hoàng của các loại hạt…. Tuy nhiên, khối lượng sản xuất và tiêu thụ mắc ca trên thế giới hiện còn rất thấp, chỉ chiếm chưa đến 2% trên tổng số các loại hạt quả hạch.

Nhận thấy tiềm năng của loại hạt này, hiện nhiều hộ gia đình đã trồng cây Mắcca nhưng hầu hết mang tính tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đa phần được trồng từ cây giống thực sinh (trồng từ hạt), không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó cũng chưa có khuyến cáo hay các báo cáo nghiên cứu khoa học cụ thể nào chỉ ra những khu vực thích hợp hoặc không thích hợp để trồng cây Mắc ca.

Bắt đầu từ năm 2013, Công ty cổ phần Him Lam và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đã phối hợp thực hiện công tác khảo sát tại 05 tỉnh Tây Nguyên để quy hoạch vùng trồng phù hợp, nghiên cứu về cây giống, tham khảo quy trình kỹ thuật canh tác, chế biến hiện đại tại các nước phát triển hàng đầu về cây Mắc ca…

Với sự tham gia của “Nhà Doanh nghiệp” có tiềm lực như Him Lam - cùng những bước đi bài bản, với sự liên kết chặt chẽ giữa “04 Nhà”, trong đó, vai trò của “Nhà Khoa học” được phát huy và quan tâm đúng mức, Mắc ca hứa hẹn sẽ trở thành cây trồng mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân nói riêng và cho nền kinh tế xã hội Việt Nam nói chung trong thời gian tới.

T.N.S