- Dù đã kiếm được tiền triệu mỗi ngày, nhưng thợ sửa điều hòa vẫn tham lam, tìm đủ cách để “vặt tiền” của khách. Thậm chí, họ còn cố tình chọc, ngoáy cho bằng hỏng để bắt khách phải móc hầu bao ra trả.

Hỏng tụ 200.000, thợ sửa mất 3 triệu

Bật máy điều hòa lên, bật ở 20 độ C nhưn chị Nguyễn Thị Thanh Vân ở ngõ 329 Cầu Giấy (Hà Nội) chỉ thấy quạt gió ở cục nóng chạy nhẹ, kêu è è, phòng không mát chút nào. Chị đành phải gọi thợ đến bảo dưỡng.

Sau khi kiểm tra, cậu thợ bảo trước tiên phải vệ sinh máy sạch sẽ, nạp gas đầy đủ rồi chạy thử xem tình hình máy ra sao. Kiểm tra một hồi, thợ bảo máy bị hỏng lốc, nếu thay hết gần 3 triệu. Đó là cậu ấy đã ưu tiên chỉ lấy tiền vệ sinh máy, tiền nạp gas cộng với cái tiền cái lốc, không lấy tiền công sửa chữa và bảo phải đem máy về cửa hàng mới có đồ thay thế. Hôm sau, thợ đem điều hòa đến lắp lại cho ngay. Chủ quan không kiểm tra lại, đến tối về dùng chị Vân không thấy mát hơn là mấy. Chị gọi điện lại thì cậu ấy báo bận, hẹn vài ngày nữa quay lại.

Tuy nhiên, trời nóng, 1-2 ngày còn chịu được chứ vài ngày không có điều hòa thì chịu sao nổi. Thế là chị Vân gọi đến một trung tâm lớn ở đường Láng (Đống Đa, Hà Nội), thợ đến sửa bảo hỏng tụ thay mất 200.000 đồng, cộng với 100.000 đồng tiền công. Song, thợ bảo lốc điều hòa của nhà chị vẫn là lốc cũ của máy, không phải thay mới. Điều hòa nhà chị chỉ bị hỏng tụ thôi. Thợ này khẳng định chị đã bị trúng mánh lừa của người thợ sửa điều hòa trước.

{keywords}

Một ngày kiếm vài triệu đồng nhưng thợ sửa chữa điều hòa vẫn tìm đủ cách để “vặt tiền” của khách

“Chồng đi công tác, tôi lại chẳng biết gì về máy móc, hỏng có cái tụ có 200 nghìn mà thợ vặt của tôi mất toi 3 triệu, đã thế lại còn phải gọi thợ khác về sửa”, chị Vân than thở.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Đại ở phố Trần Bình (Cầu Giấy) cũng cho biết, anh suýt nữa bị thợ sửa chữa điều hòa “móc túi” mất mấy triệu đồng.

Anh Đại kể, gọi thợ đến bảo dưỡng, nạp thêm gas vào máy điều mà mà cậu ấy kiểm tra xong bảo điều hòa bị chết vi mạnh, hỏng Ic, chập nguồn. Nếu thay hết hơn 2 triệu đồng. Tiếc tiền, anh không sửa. Hôm sau, nhà anh lắp thêm một cái điều hòa mới ở phòng khách, tiện bảo thợ lên kiểm tra luôn cho cái máy điều hòa cũ.

“Ai ngờ, sau khi lên kiểm tra, thợ bảo máy không làm sao cả, chỉ bị nứt dây đồng nên chức năng làm mát không hiệu quả. Rồi cậu ấy thay luôn cho dây đồng mới hết 250.000 đồng”, anh Đại nói.

Theo anh Đại, giờ thợ điều hòa có nhiều mánh ăn gian, khách không biết thì kiểu gì cũng bị “móc túi”. Đa phần thợ đến kiểm tra thấy hỏng một thì báo hỏng 2-3 thứ, cần phải tỉnh táo không thì mất tiền triệu như chơi.

Chọc, ngoáy cho hỏng để “vặt tiền” khách

Trao đổi với PV, anh Vũ Văn Tiến, làm nghề lắp đặt, sửa chữa và bảo dưỡng điều hòa tại một cửa hàng điện máy ở Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) được 6 năm nay cho biết, mùa hè vẫn luôn được coi là mùa cao điểm làm ăn của thợ sửa chữa điều hòa làm ăn. Trung bình một ngày, thợ sửa chữa điều hòa có thể kiếm 2-3 triệu đồng tiền công.

Mặc dù vậy, anh Tiết cũng tiết lộ, họ vẫn dùng đủ mánh để “vặt” được thêm tiền của khách, nhất là đối với người không biết gì về máy móc.

Chẳng hạn như, máy điều hòa hầu hết chỉ thiếu gas, bám bụi bẩn cần vệ sinh nhưng khi đến bảo dưỡng, thợ nào cũng yêu cầu kiểm tra toàn bộ máy để kể ra đủ thứ bệnh từ thiếu gas đến hỏng vi mạch, hỏng tụ, cháy lốc,... sau đó báo giá và yêu cầu đem máy về cửa hàng sửa chữa.

Về cửa hàng nhiều khi chỉ cần vệ sinh máy cho sạch bụi, thợ chẳng thay gì cả. Còn khách nào khó tính, thắc mắc này nọ thì thợ điều hòa dở chiêu “chọc, ngoáy” cho bằng hỏng một bộ phận nào đó rồi đọc ra cả đống bệnh cần phải sửa.

Như hôm trước, ngồi uống bia cùng một cậu bạn thân cùng quê cũng là dân sửa điều hòa ở khu vực Thanh Xuân, cậu ấy kể rằng khách gọi điện báo quạt ở cục nóng chạy lờ đờ rất yếu. Thế mà khi đến kiểm tra, cậu ấy kêu phải thay toàn bộ với giá tiền 4,5 triệu đồng.

Khách hàng thấy tiền sửa gần bằng tiền mua máy mới nên không sửa nữa, cậu ấy thấy thế liền xin mua luôn với giá 1,2 triệu đồng. Về đến cửa hàng, cậu nói chỉ thay mỗi cái tụ, máy chạy ngon lành và bán lại được 4 triệu đồng, đút túi gần ba triệu mà không mất chút công sức nào, anh Tiến kể.

Tương tự, khi lắp đặt điều hòa, chiêu thường thấy nhất mà thợ lắp đặt điều hòa hay áp dụng là chiêu ăn gian về chiều cao để tính tăng thêm tiền dây, tiền ống đồng. Cụ thể, chiều cao chỉ 2m nhưng nói 3,5m thì có thể tính thêm được 1,5m ống đồng nữa. Mà giá của dây dẫn ống đồng ngoài thị trường dao động ở khoảng 160.000-180.000 đồng/m, loại xịn giá 250.000 đồng/m, anh Tiến dẫn chứng.

Anh Tiến cho hay, đã gọi thợ sửa chữa, lắp đặt điều hòa thì kiểu gì khách cũng bị thợ “vặt tiền”, điều đó dường như đã thành luật ngầm của dân sửa chữa, lắp đặt điều hòa. Chỉ có điều, thợ “vặt” ít hay “vặt” nhiều phụ thuộc vào độ “non” của khách. Đến kiểm tra máy mà khách tỏ ra sành sỏi thì thợ chỉ dám “vặt” 100.000-200.000 đồng. Song, nếu thấy khách không biết gì thì lúc đó thợ phải “vặt” tiền triệu chứ không ít.

Thợ điều hòa ở quê chê việc

Chị Đặng Thị Trâm ở Làng quốc tế Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội) than thở, cuối tuần vừa rồi chị đã phải đón thợ từ Hà Nội về quê để sửa điều hòa cho bố mẹ chồng chị.

Chị Trâm kể, bố mẹ chồng chị ở Gia Bình (Bắc Ninh) hôm trước có gọi điện thoại lên than thở điều hòa ở nhà bật lên vẫn chạy nhưng không mát. Muốn gọi thợ về sửa mà cả xã không có thợ nào, vào trung tâm huyện thì họ nói xa quá không đi. Họ bảo nguyên khách quanh cửa hàng gọi đã làm không hết việc rồi thì sao phải đi xa 20-30km để bảo dưỡng một cái điều hòa, vừa mất thời gian, mất việc mà công cũng không hơn là mấy.

Tìm mãi không được, chị Trâm đã phải vất vả dẫn thợ từ Hà Nội về. Chị phải mặc cả sẽ có xe đưa đi đón về tận nơi, tiền công chị trả tính bằng tiền một ngày công của thợ đi làm ở Hà Nội (1,5 triệu đồng), chưa kể tiền bảo dưỡng như dọn vệ sinh máy, nạp gas,... chị sẽ trả riêng.

Bảo Hân