Theo các chuyên gia, khi hội nhập các ưu đãi của Chính phủ với ngành, lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu đều đối mặt nguy cơ bị kiện chống trợ cấp, nếu thua sẽ bị áp thuế rất cao. Những câu chuyện chua xót như cán bộ của các bộ “uống” sữa, bán dưa và hành tím cũng được đề cập tới.

Bị kiện 7, kiện lại 3

Sáng 28/5, tại Hội thảo Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế còn lại sau các hiệp định thương mại tự do (FTA), bà Nguyễn Hằng Nga, Ban Phòng vệ thương mại (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) cho biết: Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đối mặt 7 vụ điều tra chống trợ cấp, bán phá giá (trong đó Hoa Kỳ chiếm 5 vụ).

Theo bà Nga, các cuộc điều tra chống trợ cấp tập trung chủ yếu vào những nhóm chương trình Chính phủ như: Cho vay vốn, chương trình miễn giảm thuế, cung cấp dịch vụ của nhà nước... “Nước ngoài họ thường căn cứ theo những quy định như vậy để họ khởi xướng điều tra chống trợ cấp”, bà Nga nói.

{keywords}

Doanh nghiệp cần ý thức trước nguy cơ bị kiện vì được bảo hộ.

Đặc biệt, các chương trình Chính phủ cung cấp hàng hóa, dịch vụ thấp hơn mức thông thường rất dễ bị kiện, như miễn giảm tiền sử dụng đất, mặt nước với ngành thủy sản, hoặc bán nguyên liệu thấp hơn giá thị trường. Như ngày 14/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đinh thép nhập khẩu từ Việt Nam, với mức thuế 323,9%. Theo bà Nga, cơ sở Hoa Kỳ đưa ra là Chính phủ Việt Nam đã bán dây thép để sản xuất đinh với giá thấp hơn giá trị thông thường.

“Khi điều tra những chương trình này, chính phủ nước ngoài đều kết luận có quyền đối kháng. Do đó, những hàng hóa liên quan tới các chương trình này đều bị áp thuế rất cao”, bà Nga nói. Theo bà Nga, hầu hết chương trình hỗ trợ của Chính phủ hiện nay có nguy cơ bị điều tra chống trợ cấp, vì đều đáp ứng điều kiện của WTO để các nước có quyền đối kháng.

Do đó, bà Nga cho rằng, các doanh nghiệp thường yêu cầu Chính phủ có chính sách hỗ trợ, nhưng cần ý thức rằng, khi nhận trợ cấp từ Chính phủ trong tương lai có thể bị điều tra việc chống trợ cấp của nước ngoài. Ở phía ngược lại, hiện Việt Nam đã điều tra 3 vụ kiện thương mại, trong đó có 1 vụ chống bán phá giá, 2 vụ tự vệ.

Khuyến nông nhưng không khuyến thương

Bà Đinh Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hiện Chính phủ có các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, nhưng không có khuyến thương. Các chích sách Chính phủ đưa ra đều tác động vào sản xuất, nhưng không tính đến đầu ra, lưu thông, phân phối, thị trường, nên nông sản được mùa mất giá, làm ra không bán được.

“Hầu hết chương trình hỗ trợ của Chính phủ hiện nay có nguy cơ bị điều tra chống trợ cấp, vì đều đáp ứng điều kiện của WTO để các nước có quyền đối kháng”, bà Nguyễn Hằng Nga, Ban Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

Theo bà Loan, câu chuyện “bộ uống sữa”, bán dưa, mua hành tím sẽ còn và kéo dài nữa. Nếu tiếp tục sản xuất như hiện nay. “Tôi chia sẻ và cảm thấy xót xa cho nông dân khi nông sản bán với giá gần như cho. Trong khi biện pháp các bộ ngành đưa ra vừa qua là đi ngược lại kinh tế thị trường. Bởi gốc của sản xuất phải theo thị trường, chúng ta không được giải quyết”, bà Loan nói.

Ông Nguyễn Ánh Dương (tới từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho biết: Hiện nước ta thuộc các nước có mức thu nhập trung bình thấp, khi đàm phán các FTA được những ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên, thực tế ta chưa tận dụng được những ưu đãi đó trong đàm phán.

“Ta coi việc mở cửa nhanh, sớm hơn cam kết là thành tích, nhưng biện pháp hỗ trợ trong nước rất hạn chế. Thậm chí, bí mật thông tin với doanh nghiệp”, ông Dương nói. Theo ông Dương, hiện các nước đã chuyển từ bảo hộ truyền thống (hàng rào thuế quan), sang bảo hộ phi thuế quan (như tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm).

(Theo Tiền Phong)