Chỉ chào bán thịt lợn đen trên Facebook vào các buổi tối và hai ngày cuối tuần, chị Nguyễn Thanh Vân (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn có được 60-70 khách quen mỗi tuần.

Sau lần cả nhà bị ngộ độc do ăn thịt lợn mua ngoài hàng, chị Nguyễn Thanh Vân (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rất dè chừng mỗi khi mua thịt ngoài chợ. Khi kể câu chuyện nói trên với đồng nghiệp, bạn bè, chị mới biết nhiều người cũng chung nỗi ám ảnh như vậy.

Từ đó, chị Vân nảy ra ý định rủ các gia đình góp tiền mua chung lợn. "Khoảng 5-7 gia đình góp tiền lại sẽ vừa đủ mua một con lợn đen, bảo quản tốt, có thể ăn trong một tuần. Cách này vừa tiết kiệm lại đảm bảo thịt sạch, ngon", chị Vân nói.

Chỉ trong một tháng, số người ủng hộ đã lên đến gần 20. Có động lực, chị liên hệ với người thân ở Tuyên Quang nhờ tìm mua giúp lợn đen nuôi thả. Các phần thịt sẽ được gửi ra Hà Nội để chia cho mọi người.

Tuy nhiên, hình thức "đụng lợn" như vậy không kéo dài được lâu do việc phân chia và gom đơn hàng tương đối phức tạp. Thay đổi phương thức, chị Vân quyết định mở bán trên Facebook. Khách sẽ đặt hàng trước 1-2 ngày. Sau khi gom đủ đơn hàng, chị mổ lợn và chuyển cho người mua ngay trong ngày.

Giá thịt lợn đen được tính mức khá bình dân. Các loại vai, ba rọi rút sườn 140.000 đồng/kg. Nạc thăn, nạc vai, mông và bắp giò giá bán 170.000 đồng/kg (bán nguyên miếng 1 kg). Thịt thủ được cắt gọn gàng, chỉ có mũi, lưỡi và tai, không có xương, thịt má được bán với giá 110.000 đồng/kg. Một bộ tim cật giá 200.000 đồng/kg, dạ dày 150.000 đồng/kg. Khách đặt mua tiết hoặc lòng sẽ được tính giá như loại lợn bình thường.

Chị Vân cho biết, lợn được mổ bán sẽ phải đảm bảo các tiêu chí khoẻ mạnh, nuôi hoàn toàn dân dã, không cho ăn cám tăng trọng. Lợn được mua từ hầu hết các hộ nuôi nhỏ lẻ trong bản. Tuy nhiên, để giữ lòng tin với khách hàng, ngoài chất lượng sản phẩm, chị thường xuyên cập nhật hình ảnh lợn nuôi, quá trình giết mổ lên Facebook.

{keywords}

Dù chỉ bán hàng qua Facebook nhưng chị Vân vẫn có một lượng khách quen khá lớn. Ảnh: FBNV.

"Khi ăn quen thịt lợn đen, phần lớn khách hàng sẽ không ăn hàng mua ở chợ. Với mức giá cạnh tranh và để giữ được khách hàng quen, tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu", chị nhấn mạnh.

Chị Vân thường gom đủ đơn hàng mới mổ lợn, để đảm bảo độ tươi ngon. Cách làm chuyên nghiệp và có tâm này khiến cho cửa hàng, dù chỉ chào bán trên Facebook, vẫn thu được lượng khách cao. Số lượng khách quen lên đến 60-70 người mỗi tuần. So với những điểm kinh doanh khác, thậm chí là lâu năm, đây là con số đáng mơ ước.

Là khách quen tại cửa hàng, chị Nguyễn Thị Hằng (Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đã một vài lần chị mua thịt ở chợ hôi mùi cám, nấu lên không dám ăn. Nhưng từ nửa năm nay, chị biết đến cửa hàng online nói trên và mua hàng khá thường xuyên. Theo lời khách hàng này, mức giá 140.000-150.000 đồng/kg so với chất lượng là hợp lý. "Cũng vì thế, vào những dịp đặc biệt, thay vì mua thịt ở chợ, tôi thường đặt mua cả con lợn của cửa hàng về bày cỗ", chị Hằng chia sẻ.

Theo lịch, cửa hàng sẽ mổ lợn vào thứ 3, 6 và chủ nhật hàng tuần, mỗi lần một con. Vào những dịp lễ, Tết, mỗi ngày, bà chủ có thể bán hết một con. Trừ các khoản chi phí, bán hết một con, chị Vân thu được hơn 1 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Lan, người trực tiếp tìm mua và bắt mổ lợn giúp chị Vân, cho biết, lợn nuôi dân dã ngày càng ít nên bà phải vào sâu trong bản để tìm. Lợn đen hoặc đen lai lợn rừng (3 lông chụm 1) sẽ ít mỡ, cho thịt thơm và thịt khá dôi. Trung bình mỗi con nặng khoảng 60-70 kg sẽ cho đến 40-45 kg thịt móc hàm. Ngay sau khi mổ, thịt được cho vào túi hút chân không, dùng đá khô bảo quản để gửi về Hà Nội.

Cũng là người trực tiếp chăn nuôi nên bà Lan bắt lợn rất có nghề. Bà cho biết, ở Tuyên Quang đất đồi rộng, người dân chủ yếu nuôi theo phương thức thả cho lợn tự kiếm ăn. Mỗi ngày, người nuôi chỉ cho ăn một lần vào bữa tối, không cho ăn cám công nghiệp hay cám tăng trọng như hầu hết trang trại lớn. Mỗi lứa nuôi kéo dài 16-20 tháng, dài hơn nuôi công nghiệp song chất lượng thịt thơm, nhiều nạc, chắc.

(Theo Zing)