- Từ tăng trưởng tín dụng nóng trước đây tới khó khăn xử lý nợ xấu hiện nay với ‘di sản’ từ những khu vực ‘bong bóng’ để lại thì yêu cầu chuyển hướng dòng vốn vào khu vực sản xuất thực, tái cơ cấu nền kinh tế là đòi hỏi cấp bách. Và thực tế Tây Nguyên là một câu trả lời về nắn lại dòng vốn.

Đất tốt cho đầu tư vốn

Thống kê đầu tư cho thấy, nguồn vốn lớn hơn cả dự kiến đang đổ về Tây Nguyên tập trung vào nhu cầu và thế mạnh của vùng đất này nhất là: phát triển hạ tầng và đầu tư nông nghiệp.

{keywords}


Theo ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư, riêng vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ trên địa bàn từ 201 - 2015 khoảng 30.011 tỷ, vượt hơn 9.000 tỷ so kế hoạch của cả giai đoạn. Sự tăng trưởng này đến từ nguồn đầu tư ngoài nhà nước theo hình thức BO và BOT. Nhờ đó, hàng trăm km đường đã được đầu tư, giải quyết được nhu cầu bức xúc cho phát triển.

Một nguồn vốn lớn đang đổ vào Tây Nguyên là tín dụng ngân hàng. Theo ông Võ Minh Tuấn – Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN,đến 31/12/2014,tổng dư nợ tín dụng ở Tây Nguyên đạt 145.479 tỷ đồng, tăng 16,95% so với cuối năm 2013, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng cả nước ở mức 14,16%. Điều đáng nói, huy động vốn tại chỗ chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu, phần lớn tín dụng của Tây Nguyên được điều phối từ các vùng khác.

Tín dụng Tây Nguyên, phần lớn nhất tập trung lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp và nông thôn. Dư nợ lĩnh vực này đến 31/12/2014 đạt 70.646 tỷ đồng, tăng 15,09% so với 31/12/2013, chiếm 48,56% tổng dư nợ. Nguồn vốn tập trung vàosản xuất, thu mua, chế biến các cây công nghiệp như: cà phê, điều, cao su, hồ tiêu. Cụ thể, đến 31/3/2015, dư nợ cho vay phát triển các cây công nghiệp tại khu vực đạt 43.950 tỷ đồng, tăng 7,44% so với cuối năm 2014, và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn, tính đến hết quý 1/2015, các NH đã cam kết cho vay mới tại khu vực đạt hơn 25.000 tỷ đồng với 2.800 DN, cơ cấu lại khoản vay, giảm lãi suất cho khoảng 200 DN với dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng.

Trước thực trạng các vườn cà phê tại khu vực Tây Nguyên đang bị già cỗi, sụt giảm năng suất và sản lượng cà phê, NHNN đang triển khai chương trình cho vay tái canh cà phê Tây Nguyên với nguồn vốn trong giai đoạn 2015 – 2020 là từ 12.000 – 15.000 tỷ đồng (khoảng 2.500 tỷ đồng/năm). Khách hàng sẽ được vay tới 150 triệu trên 1/ha với thời hạn8 năm cho tái canh theo phương pháp chặt bỏ, trồng mới và đến 80 triệu đồng mỗi1/ha với thời hạn 4 năm đối với phương pháp ghép cải tạo.

Phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiền đầu tư Tây Nguyên mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng nhằm thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các DN, phát huy có hiệu quả các lĩnh vực thế mạnh của các địa phương trong khu vực.

Cụ thể, theo Vụ Tín dụng kinh tế ngành, sẽ tiếp tục xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và sản phẩm thế mạnh của khu vực như cà phê, điều, cao su, hồ tiêu... nói riêng là những lĩnh vực ưu tiên để tập trung vốn để đầu tư. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa trong khu vực nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế Tây Nguyên...

Cho vay theo chuỗi, định hướng sản xuất

Theo Nguyễn Thế Phương, cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu và các nông lân sản thế mạnh của Tây Nguyên nhưng việc thu hút đầu tư vào chế biến sản phẩm này còn ít, chưa tao ra được các chuỗi giá trị bền vững.

{keywords}

Ông Okura Fumihiko – Phó đại diện Jica Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho rằng, đầu tư Tây Nguyên phải có cách tiếp cận theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, phân phối, marketting, bán hàng với sự tham gia mạnh mẽ của DN và NH cùng nông dân thông qua các mô hình hiện đại.

Thực tế, để phát triển bền vững nông nghiệp, các NH đã có nhiều chương trình cho vay thí điểm theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, NHNN đã phê duyệt 31 dự án của 28 doanh nghiệp tại 22 tỉnh trên cả nước. Tại Tây Nguyên, NHNN đã phê duyệt dự án sản xuất nước chanh dây cô đặc và nhà kính trồng hoa lan hồ điệp với số vốn hàng chục tỷ đồng.

Bằng kinh nghiệm cho vay ở Tây Nguyên, ông Nguyễn Danh Lương – Phó Tổng Vietcombank cho rằng, việc phát triển sản phẩm tín dụng theo chuỗi mà NH đóng vai trò là người cho vay và quản lý từ khâu sản xuất - chế biến, tiêu thụ nhằm đảm bảo tính ổn định đầu ra của quá trình sản xuất và kiểm soát được dòng tiền và tindh hiệu quả của hoạt động đầu tư.

Áp dụng cho vay theo chuỗi với cây cà phê Tây Nguyên, ông Trần Văn Tần - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên, khuyến khích nông dân và DN đầu tư phát triển bền vững ngành cà phê Tây Nguyên, các NH sẽ đẩy mạnh việc cho vay và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình liên kết giữa DN, hộ nông dân sản xuất kinh doanh cà phê; mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê...

Trong chiều ngược lại, việc tăng cường chuỗi liên kết giữa DN, người dân trồng cà phê gắn với việc xây dựng nhà máy chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu; thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ, cùng có lợi giữa người trồng, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê trong một chuỗi giá trị bền vững để đẩy nhanh quá trình tiêu thụ sản phẩm làm cơ sở cho việc triển khai cho vay theo chuỗi liên kết của ngành ngân hàng hiệu quả hơn...

Cho vay theo chuỗi cũng được các ngân hàng và DN xác định là mô hinh đảm bảo phát triển mắc ca thành một thế mạnh mới của Tây Nguyên.Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng Phó Chủ tịch thường trực HĐQT - LienVietPostBank, để đầu tư cây Mắc-ca thành công, không thể không kể đến chính sách tín dụng rất ưu đãi dài hạn của NH để giúp người dân đầu tư đầu tư lớn và đồng bộ về giống cây trồng, phân bón hóa chất và hệ thống tưới tiêu trong thời gian dài ít nhất là 4 năm.

Vì thế, theo ông Hưởng, một chính sách hỗ trợ, bảo đảm về vốn, tín dụng ưu đãi và bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích người nông dân chuyển đổi cây trồng sang hướng mới hiệu quả hơn.

Theo đó, các NH cần dành nguồn vốn tương xứng để đầu tư mắc ca. Trong đó, định hướng phát triển sản phẩm tín dụng chomắc ca khả thi hiện nay là tập trung vào sản phẩm tín dụng kết hợp bảo hiểm nông nghiệp cho việc trồng mắc ca. Riêng hướng cấp tín dụng cho toàn bộ chuỗi giá trị của cây mắc ca từ khâu trồng, chế biến đến sản xuất các sản phẩm mắc ca dự kiến sẽ khả thi đối với thời hạn trung, dài hạn. LienVietPostBank đã có gói tín dụng trong 10 năm dành 20.000 - 22.000 tỷ đồng để đầu tư cho 200.000 - 250.000 ha mắc-ca Tây Nguyên. NH cùng với các DN đối tác sẽ là đầu mối thực hiện quy trình khép kín: sản xuất - chế biến - tiêu thụ.Theo đó, DN là ưu đãi cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vay tín dụng trung dài hạn với kỳ hạn vay lên tới 7-10 năm với lãi suất ưu đãi.

Điều quan trọng nhất lúc này là cần có những chủ trương ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng phát triển cây mắc ca. Đồng thời, các NH cần xây dựng gói cấp tín dụng đặc thù với lãi suất thấp để phục vụ việc cơ cấu giống cây trồng hiệu quả và bền vững.

Lê Hà