- Đang rộ lên thông tin: Tòa nhà Keangnam cao nhất Việt Nam bị lừa bán cho Quỹ đầu tư ở Qatar. Lý do, lá thư được trao cho lãnh đạo Tập đoàn Keangnam liên quan đến việc mua tòa nhà này là giả, thậm chí chữ ký cũng giả.

Tại Hàn Quốc và Việt Nam đang xôn xao về thông tin đầu tư Authority Qatar (QIA) đồng ý mua lại tòa nhà Keangnam với giá 800 triệu USD thì trên một bài báo của tờ nhật báo Joongang cho rằng, vụ việc trên là giả mạo.

Phía Qatar đã từ chối mua

Theo điều tra của phóng viên tờ báo này, giám đốc người Hàn của một công ty BĐS tại New York, đã bị cáo buộc làm giả giấy tờ liên quan tới việc bán tòa nhà Keangnam tại Hà Nội. Ông này đã đã sử dụng thư giả từ một nhà đầu tư tiềm năng là QIA. Trong thư, ông ta cho hay, quỹ của Quatar đã đồng ý thỏa thuận.

Bức thư giả mạo QIA gửi tới Keangnam có đoạn viết:”Chúng tôi đang chờ ý kiến của giám đốc điều hành và hội đồng quản trị của QIA đồng ý bỏ kinh phí cho giao dịch. QIA dự kiến thực hiện hợp đồng vào cuối tháng này nhằm ngăn chặn các thỏa thuận khác”. Keangnam Enterprises đã bàn giao tài liệu cho các chủ nợ vào tháng ba.

Trong khi đó, một lãnh đạo của QIA đã lên tiếng phủ nhận bức thư và giao dịch này. “Họ làm giả chữ kỹ của tôi và chúng tôi không biết Keangnam là ai”, vị lãnh đạo cho hay. 

“Chúng tôi rất ngạc nhiên vì không đúng sự thật. Ông ta đã từng gửi email nhưng chúng tôi đã từ chối mua và không tiếp tục đàm phán nữa”, ông cho biết thêm.

{keywords}

Tòa nhà Keangnam cao nhất Việt Nam bị lừa bán đang gây rúng động.

Trước đó, trên tờ Korea Herald của Hàn Quốc đã đưa tin, quỹ đầu tư Qatar Investment Authority đã đồng ý mua lại tòa nhà Keangnam với giá 800 triệu USD và giành độc quyền cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Theo bài báo này, các chủ nợ của tòa nhà, bao gồm năm ngân hàng và 10 ngân hàng tiết kiệm khác tại Hàn Quốc cũng đã nhất trí mở các cuộc đàm phán trước tháng Bảy. Nếu thành công, Qatar Investment Authority sẽ là nhà thầu được ưu tiên, rút ngắn quá trình mua lại tòa nhà.

Thông tin rao bán tòa nhà Keangnam Hà Nội đã xuất hiện trên báo chí Hàn Quốc. Ngân hàng Goldman Sachs và quỹ đầu tư Qatar Investment Authority(QIA) là hai đơn vị đang có ý định mua lại tòa nhà này.

Theo kế hoạch chào mua Keangnam Landmark 72 mà Goldman Sachs đưa ra, ngân hàng này sẽ tiếp quản số nợ vay để đầu tư dự án vào khoảng 900 triệu USD, đồng thời thành lập một công ty để tiếp quản tòa tháp với tư cách là cổ đông lớn nhất. 

Trong khi đó, QIA đề xuất mua lại toàn bộ tòa tháp bằng 800 triệu USD để nắm quyền sở hữu dài hạn. Việc mua lại toà nhà này là một phần kế hoạch mở rộng đầu tư hơn vào khu vực châu Á của quỹ này, với tổng mức đầu tư 15 tỷ USD trong vài năm tới.

Áp lực trả nợ

Keangnam Landmark 72 được coi như biểu tượng của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam với mức đầu tư 1.200 tỷ won (hơn 1 tỷ USD). Thông tin tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark bị rao bán để trả nợ xuất hiện trong bối cảnh Hàn Quốc đang rúng động bởi một vụ bê bối hối lộ lớn bị phanh phui sau khi cựu Chủ tịch tập đoàn Keangnam, ông Sung Wan-jong tự sát hồi đầu tháng 4. 

Theo kênh truyền hình Hàn Quốc KBS, cố Chủ tịch Tập đoàn Sung Woan-jong từng đặt nhiều tham vọng khi xây dựng tòa tháp cao nhất Việt Nam. Việc tòa án đứng ra định giá tài sản của Keangnam Enterprises diễn ra trong bối cảnh tập đoàn đang sa sút vì nợ nần. 

Việc bán Keangnam Landmark 72, cũng như các bất động sản khác của Keangnam, được coi là để giải quyết các khoản nợ lớn của tập đoàn, khoảng 530 tỷ won.

{keywords}

Từng nằm trong nhóm những công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc, Keangnam liên tiếp dính phải các bê bối để rồi bắt đầu một quá trình dài tụt dốc. Năm 2013, thua lỗ lên tới 310,9 tỷ won và năm 2014 là 408,4 tỷ won. Giữa tháng 4, sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc tuyên bố xóa tên Keangnam Enterprise khỏi sàn giao dịch bởi việc làm ăn thua lỗ gây tổn thất nặng nề đến nguồn vốn.

Tại Việt Nam, tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises  mới được biết đến cách đây chưa đầy 10 năm, khi bắt đầu hoạt động từ năm 2007. Với toà nhà cao 72 tầng cao nhất Việt Nam khiến Keangnam trở nên nổi tiếng. 

Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower là toà nhà cao nhất Việt Nam với 72 tầng, nằm ở phía Tây Nam của Hà Nội. Toà nhà có 72 tầng và có diện tích sử dụng 610.000 m2. Theo báo chí Hàn Quốc, công ty Keangnam đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD để xây dựng toà nhà này.

Dự án này từng gây xôn xao dư luận khi cam kết hoàn thành các tòa tháp vào đúng tháng 10/2010, nếu không sẽ chịu mất 100 tỷ đồng và hàng loạt tai tiếng liên quan đến khách hàng.

Duy Anh