Theo Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, tại Hà Nội thực tế đã có nhà ở xã hội 5 triệu đồng, tuy nhiên với giá này chủ đầu tư gần như không có lãi.

Tại buổi giao lưu trực tuyến "Mua nhà đẹp dưới 1 tỷ đồng" do báo điện tử Vnmedia tổ chức chiều 24/4, các doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đều cho rằng, với số tiền dưới 1 tỷ đồng, khách hàng hoàn toàn có thể sở hữu một căn nhà ở xã hội tại Hà Nội.

Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ ở Hà Nội đã có một số mô hình khá thành công. Đơn cử như Nhà máy bê tông đúc sẵn Xuân Mai đã làm nhà cho công nhân, kỹ sư khoảng 50 m2, với giá khoảng dưới 5 triệu đồng/m2 (250 triệu/căn hộ), cho nên những người lao động gần như mua được ngay và yên tâm làm việc cho nhà máy.

{keywords}

Hà Nội có nhà xã hội 5 triệu đồng/m2

Tuy nhiên, nếu làm với mức giá này, chủ đầu tư sẽ không ăn lãi. Thứ hai giá đất ở Xuân Mai cũng rẻ.

Còn gần đây ở Đặng Xá được Bộ Xây dựng chỉ đạo, bán giá dưới 15 triệu đồng/m2 mà chất lượng vẫn tốt. Do đó, một gia đình mua căn hộ 30m2 chỉ phải trả 500 triệu đồng nên nhiều người thu nhập thấp cũng mua được.

"Một vài dự án khác còn cần phải xem xét, nhưng vướng mắc hiện nay theo tôi hiểu, quan điểm của những người làm chính sách và những nhà kinh doanh đang coi nhà ở chủ yếu chỉ là nơi ở, làm sao cho rẻ, nhưng không hiểu rằng nhà ở không chỉ là cái mái che lên đầu mà phải có dịch vụ kèm theo, và điều quan trọng hơn là tạo ra thu nhập cho người ở đó", ông Liêm nhận định.

Ví dụ, hiện nay vốn ở nông thôn rộng nhưng phải bỏ vào thành phố kiếm sống. Vậy thì nếu làm nhà ở xã hội ở xa thì không phù hợp cho việc kiếm ăn của họ nên rẻ cũng không mua. Hay nhà ở nơi không có dịch vụ, không chợ, không trường học… thì rẻ cũng không mua. Hay một loại nhà khác có hàng rào xung quanh, có cổng, có bảo vệ… làm cho nó thành những doanh trại… nên người ta không muốn ở.

Một trong những mô hình nhà ở xã hội mà ông Liêm cho rằng thành công nhất hiện nay là nhà ở cho công nhân tại Bình Dương. Ngoài giá đất rẻ thì họ xây nhà theo phố, tầng một bán cho người làm kinh doanh, các tầng trên bán hoặc cho công nhân thuê ở.

Doanh nghiệp kiếm lãi từ việc bán cho người mua tầng 1, phía trên bán rẻ… nên thu hồi vốn nhanh. Với Bình Dương, hòa vốn trong nhà ở là đã tốt, bởi cái lợi mang lại là thu hút người lao động đến địa phương trong điều kiện đang thiếu lao động, mà nguồn vốn đầu tư đến địa phương lại rất lớn.

Hà Nội, có người cho rằng là nơi đất chật người đông, không thể làm như Bình Dương được. Nếu muốn làm, thì Thành phố nên tạo điều kiện xây những tòa nhà 20 tầng, trong đó bán giá cao những tầng 1, 2, 3 để làm kinh doang, rồi các tầng cao hơn bán căn hộ tương đối sang trọng, 8 tầng trên cùng làm căn hộ nhỏ bán hòa vốn hay giá rẻ. Lấy lãi này bù cho thiệt kia. Nếu ai đưa ra dự án như vậy thì Thành phố tạo điều kiện. Tiền thuế của những tầng cao thì giảm…

Như vậy, tạo ra điều kiện cho người giàu và người nghèo cùng được hưởng hạ tầng xã hội như nhau. Ngoài ra, tư duy hiện nay về nhà ở trên thế giới người ta muốn cho người giàu và người nghèo ở cùng, không nên tách họ ra, tạo nên sự gắn kết chứ không phải là sự nghi kỵ và đặc biệt là tạo điều kiện c ho người nghèo kiếm sống.

Người nghèo sử dụng ít dịch vụ hơn thì trả ít tiền hơn và người nghèo có thể kiếm sống bằng cách cung cấp dịch vụ cho người giàu… Không làm cho người nghèo có cảm giác bị phân biệt đối xử. Nhưng đây mới chỉ là ý tưởng, chưa được thực hiện. Vậy, những đô thị lớn như Hà Nội hãy làm thí điểm.

Cũng theo ông Liêm, muốn thực hiện chính sách xã hội về nhà ở phải có tầm nhìn bao quát hơn, không chỉ bó hẹp việc làm nhà ở giá rẻ.

(Theo VTC News)