Gọi là cá mỹ nhân vì nó gắn với truyền thuyết về vương phi Mỵ Ê sắc nước hương trời một thời. Loài cá này hiếm đến nỗi, mỗi tháng hàng trăm ngư dân ở đảo Lý Sơn cũng chỉ đánh được vài chục con…

Khi ngư dân chỉ mong… rách lưới

Đúng là chuyện khó có thể tin. Nhưng đó lại là sự thực đối với nhiều ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), khi đi đánh cá Mặt thỏ.

Buổi sáng đẹp trời, tôi còn đang ngon giấc, cậu cả của lão ngư Nguyễn Văn Tri (thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) đánh thức tôi dậy để ra đón tàu về.

Có lẽ, khi tận mắt chứng kiến con tàu chở đầy “lộc biển” của họ, tôi mới thực sự cảm nhận được niềm vui tột cùng của những người lênh đênh trên biển cả, vì miếng cơm manh áo.

Lão ngư Nguyễn Văn Tri hồ hởi ôm chầm lấy tôi. Cách đây ba năm, tôi và lão gặp nhau lần đầu; nay gặp lại đúng là còn gì vui hơn.

Biết tôi lần này ra đảo tìm hiểu thông tin viết bài, lão khoe ngay: “Chú thấy chưa, ba đoạn lưới lớn bị rách, thế là ăn đủ rồi…”.

Thấy tôi ngạc nhiên, lão ngư nói: “Cá vàng dính lưới đấy, không phải ai cũng bắt được đâu…”.

Hầm cá đông lạnh trên tàu đã được sơ chế hiện ra trước mắt tôi. Hàng tấn cá đủ các loại, trị giá cả trăm triệu đồng.

Thế nhưng, lão ngư Tri bảo tôi đừng quan tâm nhiều đến chuyện đó, rồi lão dẫn tôi xuống một cái hầm nhỏ hơn, trong đó chỉ vẻn vẹn có… ba con cá.

“Thủ phạm khiến lưới rách là đây! Hai cái bao tay dày cộp kia cũng bị chúng cắn tan tành, may mà không lẹm vào tay…”, lão Tri nói.

Thế rồi, lão bắt đầu tiết lộ với tôi về loài cá đặc biệt này. Ngư dân Lý Sơn thường gọi là cá Mặt thỏ, nhưng kỳ thực họ chưa biết tên loài cá này là gì.

Chỉ biết rằng, mấy năm nay, loài cá này được ngư dân xem là “lộc biển”, là “cá vàng cá bạc”, là “cá mỹ nhân”…

{keywords}
Cá Mặt thỏ có hình thù rất kỳ lạ: “Đuôi cá - đầu thú – răng thỏ”…

Từ nhỏ, lão Tri đã được cha mẹ kể cho nghe truyền thuyết về loài cá này, rằng, ngày xửa ngày xưa, khi quân Chiêm Thành còn thường xuyên quấy phá bờ cõi nước ta, nghe bầy tôi cấp báo, vua Lý Thánh Tôn đã thân chinh dẫn đầu một đại binh gồm 10.000 thủy quân chinh phạt xứ này.

Chẳng bao lâu sau, vua quân nhà Lý tiến công bao vây kinh thành Đồ Bàn của Champa. Thất thế, vua giặc là Jaya Sinhavarman II hằng ngày đem lễ vật đến xin hàng.

Nhưng, để bảo vệ bờ cõi bền vững, quân Đại Việt quyết định tấn công, thành Đồ Bàn bị hạ. Vua giặc tử trận, quân ta bắt được vương phi Mỵ Ê cùng nhiều cung tần, mỹ nữ và nghệ nhân để mang về kinh thành Thăng Long.

Nàng Mỵ Ê vốn là một đại mỹ nhân, với vẻ đẹp nghiêng nước, nghiêng thành nên rất được vua Champa sủng ái.

Trên đường về kinh thành Thăng Long, đến địa hạt Hóa Châu (vùng đảo Lý Sơn ngày nay), thấy cảnh trăng sáng hữu tình, trước vẻ đẹp chim sa cá lặn của Mỵ Ê và đang lúc hưng phấn vì chiến thắng, vị vua trẻ tài năng Lý Thái Tôn cho trung sứ mời Mỵ Ê sang chầu để thuận bề chăn gối, nhưng nàng đã nhảy xuống biển tự vẫn để giữ tiết hạnh với chồng.

Trân trọng sự thủy chung này, vua Lý đã phong tước Hiệp chánh hộ thiên và cho lập đền thờ Mỵ Ê.

Ngày nay, ngôi đền đã không còn dấu tích, nhưng truyền thuyết về loài cá này vẫn có sức mãnh liệt ở trong trái tim của nhiều ngư dân.

Người dân đảo Lý Sơn còn tương truyền rằng, sau ngày nàng Mỵ Ê tuẫn tiết, vùng biển xuất hiện một loại cá lạ “đuôi cá - đầu thú - răng thỏ”, nhưng mang thân hình thắt đáy lưng ong của nàng Mỵ Ê.

{keywords}
Dân đảo rất yêu quý loài cá này và đặt tên cho nó là cá Mặt thỏ.

Cá của… đại gia

Hôm vừa rồi, tình cờ ở giữa Thủ đô, tôi gặp lại cậu em Vienny Dương (còn gọi là Viên) làm trong ngành du lịch - người đã đưa tôi ra đảo Lý Sơn cách đây mấy năm.

Nghe tôi kể chuyện vừa ra đảo Lý Sơn và biết chút ít thông tin về loài cá Mặt thỏ, Viên như “vớ được vàng”: “Trời ơi, đúng là kỳ duyên. Anh biết không, em là người duy nhất phân phối cá Mặt thỏ của Hà Nội…”.

Tôi cũng như “vớ được vàng” nên câu chuyện về loài cá Mặt thỏ càng thêm phần thú vị.

Viên dẫn tôi đến một khách sạn lớn bậc nhất Hà thành, rồi bắt tôi ngồi đợi hai tiếng đồng hồ để tự tay Viên và đầu bếp có tiếng của khách sạn này chế biến món cá đặc biệt cho tôi thưởng thức.

Cá Mặt thỏ được bảo quản đông lạnh vận chuyển về các khách sạn hạng sang phục vụ đại gia.

Khi tôi thắc mắc vì sao da cá lại bị lột sạch, Viên cười bí hiểm: “Da cá đang nằm trong cơ thể của rất nhiều người!”.

Nói rồi, Viên lý giải, da cá này được thu mua để sản xuất chỉ khâu tự tiêu trong y học.

Được biết, trước đây có mấy loại chỉ tự tiêu như chỉ catgut; chỉ polyglycolic acid (chỉ Dexon); chỉ polyglyconate (chỉ Maxon); chỉ polyglactic acid (chỉ Vicryl) và chỉ polydioxanone.

Ở Việt Nam có hai loại cá đặc biệt là nguyên liệu để sản xuất chỉ tự tiêu là cá Sủ vàng (lấy bóng cá) và cá Mặt thỏ (lấy da cá).

Viên cho biết thêm, khi ngư dân bắt được cá Mặt thỏ thì ngay lập tức, phải lột sạch da lúc nó còn sống rồi ướp trong đá lạnh để bảo quản.

Cá Mặt Thỏ trọng lượng dao động từ 1,5kg đến 7kg nhưng cũng chỉ cho khoảng 0,5 đến 1,2kg da.

Giá bán da cá này ngay trên đảo Lý Sơn hiện nay là 2.000USD/kg. Vì thế, dù có ăn cá Mặt thỏ thì cũng ít ai được biết mùi vị của da cá này.

Cũng theo Viên, hiện cá Mặt thỏ đang được các khách sạn hàng sang phục vụ cho giới thượng lưu với giá khoảng 200 USD/kg. Như vậy, con cá Mặt thỏ to có thể được bán với giá khoảng 30 triệu đồng!

Cá Mặt thỏ được chế biến thành nhiều món: Nướng, hấp, rang muối, nấu cháo; nhưng chủ yếu nướng mọi, tức là không ướp gia vị để giữ hương vị đặc trưng của loài cá này.

Nước chấm cũng được chế biến cầu kỳ lắm, bao gồm: Ớt sừng Đà Lạt để nguyên cọng, luộc chín tái; ớt cay; hạt tiêu Phú Quốc; nước cốt chanh; muối, bột canh, đường, mật ong...

{keywords}
Thực khách thú vị vì thưởng thức món cá hoàng đế thơm ngon này.

Lại nhớ câu chuyện lão ngư Nguyễn Văn Tri kể cho tôi. Cá Mặt thỏ sống ở biển khơi, ở độ sâu 40-50m nước.

Đây là loài cá tấn công, cực kỳ hung dữ. Nó ăn tất cả các loài cá yếu hơn, thậm chí, nếu đói nó có thể tự ăn thịt đồng loại.

Miệng cá trông như mỏ con quạ, nhưng răng lại dài như răng thỏ, rất cứng, vết cắn của nó sẽ tách đôi vật bị cắn.

Phần đầu cá rất lớn, óc cá rất to. Có lẽ vì thế, việc đánh bắt loài cá này cực kỳ khó khăn. Khi dính lưới, nó vùng vẫy và nhanh chóng cắn nát lưới để trốn thoát.

Các ngư dân dày dạn kinh nghiệm mới có thể bắt được nó. Khác hẳn các loài thủy hải sản khác, dù được ướp đông nhiều ngày nhưng thịt cá Mặt thỏ vẫn săn chắc, không bị mềm rữa.

Cũng theo ngư dân Nguyễn Văn Tri, thường chỉ khoảng tháng Ba - Tư và tháng Tám - Chín mới có thể bắt được cá này.

Nguyên nhân vì đây là mùa sinh sản, cá này bớt vận động và kiếm ăn ở gần mặt nước hơn. Tính ra mỗi năm, ngư dân Lý Sơn bắt được chỉ mấy tạ cá Mặt thỏ. Có lẽ vì thế, giá cá Mặt thỏ càng ngày càng tăng…

Trên công cụ tìm kiếm của Google, chúng tôi dùng nhiều từ khóa nhưng không thể tìm được một chút thông tin hay hình ảnh nào về loài cá Mặt thỏ.

Có lẽ, bài báo này sẽ là những thông tin đầu tiên về loài cá cực quý hiếm này. Năm 2007, tỉnh Quảng Ngãi khai trương tuyến du lịch “biển đảo Lý Sơn”.

Cũng từ đó, du khách được ra tận ngọn đảo tiền tiêu thưởng thức các món hải sản và các đặc sản gỏi tỏi, gỏi cá cơm và đồn đột.

Thế nhưng, món cá Mặt thỏ thì rất ít người biết đến, vì nó đã được đặt riêng cho các khách sạn hạng sang ở Hà Nội, TP.HCM…

(Theo Người lao động)