Giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn 2030 có những điều kiện mới tạo ra những động lực và áp lực quan trọng mang lại cơ hội và không ít thách thức trong phát triển kinh tế của Hà Giang.

Thiếu chủ động

Là tỉnh miền núi biên giới nằm giữa vùng Đông bắc và Tây bắc, có đường biên giới trên bộ dài 277,556km tiếp giáp với Trung Quốc. Tuy nhiên, so với các tỉnh thuộc vùng biên giới phía Bắc như Lạng Sơn hoặc Lào Cai, cơ sở hạ tầng của tỉnh Hà Giang còn bộc lộ nhiều điểm lạc hậu làm hệ chế quá trình lưu thông hàng hoá và con người giữa Hà Giang với các địa phương, vùng miền trong cả nước cũng như nước láng giềng.

{keywords}

Phát biểu tại hội thảo Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, về cơ bản Hà Giang là tỉnh nghèo nhất cả nước; kết cấu hạ tầng còn yếu, nhất là hệ thống giao thông; tăng trưởng kinh tế chủ yếu còn theo bề rộng, chưa theo chiều sâu, thiếu tính bền vững; hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị gia tăng còn thấp, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cũng như kinh tế Hà Giang nhìn chung không cao; thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế biên mậu và kinh tế cửa khẩu còn nhiều mặt hạn chế; các liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội Vùng và trên các lĩnh vực, ngành, sản phẩm chưa được phát huy; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới còn chưa có bước đột phá.

Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Hà Giang chỉ đạt 16,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 27% dân số của tỉnh. Trong năm 2014, tốc độ tăng trưởng của tỉnh ước tăng 6,32% so với năm 2013.

Theo Vụ kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế TW, Hà Giang chưa có chiến lược với tầm nhìn dài hạn về phát triển kinh tế xã hội tuyến biên giới đất liền.

Các chính sách do Hà Giang đã ban hành về phát triển kết cấu hạ tầng, thương mại biên giới vẫn mang tính tình huống, cục bộ, chưa có chính sách cụ thể liên quan đến huy động vốn lớn và phát triển kinh tế xã hội nói chung và cơ sở hạ tầng nói riêng, chủ yếu là lồng ghép đầu tư của địa phương với đầu tư theo chương trình quốc gia như đầu tư vào hệ thống giao thông cửa khẩu, đầu tư vào kinh tế Thanh Thuỷ.

Tại hội thảo, các chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân Hà Giang chưa phát triển tương xứng do tiếu khung khổ pháp lý trong quản lý vùng; phân cấp đầu tư cho địa phương, song các địa phương chưa chủ động liên kết đầu tư phát triển hạ tầng vùng mà chủ yếu dựa vào Chính phủ; thiếu giám sát thực thi kế hoạch, quy hoạch phát triển.

Liên kết phát triển

Trong giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn 2030 có những điều kiện mới chi phối đáng kể đến sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang. Đây là những động lực và áp lực quan trọng tạo ra những cơ hội và dẫn đến không ít thách thức trong phát triển kinh tế của Hà Giang.

Đánh giá về cơ hội của Hà Giang, ông Huệ cho rằng, Hà Giang cũng có nhiều tiềm năng lợi thế so sánh để phát triển. Hà Giang có thể cùng các tỉnh biên giới phía Bắc, liên kết đề xuất các chủ trương, cơ chế chính sách đột phá về thể chế, hạ tầng nhằm triển khai mạnh mẽ kinh tế biên mậu trở thành thế mạnh trong tái cơ cấu kinh tế.

{keywords}

Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho rằng liên kết vùng là giải pháp đột phá kinh tế của Hà Giang. Do đó, tỉnh cần vừa khai thác lợi thế sẵn có vừa chú trọng vai trò của chương trình KHCN đối với khu vực này khi thực hiện các giải pháp về kết nối không gian giữa các tỉnh, kết nối du lịch, phát triển dược liệu, kết nối thương mại.

Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh uỷ Hà Giang đề xuất Chính phủ cho Hà Giang báo cáo phương án cơ chế đặc thù phân cấp nguồn thu hoạt động xuất - nhập khẩu để đầu tư hạ tầng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thuỷ trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn tới; cho Hà Giang được chủ động lập, đề xuất danh mục thực hiện thíđiểm chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất hàng nông sản qua các cửa khẩu phụ, lối mở; được thí điểm quyết định danh mục các mặt hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Bố trí kinh phí theo quy hoạch, dự án xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn sớm trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia...

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc nếu như Hà Giang muốn có những đột phá mạnh hơn, thì cần tập trung vào cải thiện những yếu tố còn thấp như tính năng động, đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: Thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục cùng với các ngành, các cấp đầu tư cơ sở hạ tầng và một số công trình trọng điểm của tỉnh Hà Giang và thực hiện đầy đủ, tích cực các chính sách về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, du lịch, kinh tế biên mậu cho vay và hỗ trợ các đối tượng chính sách nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Hà Giang và các tỉnh trong vùng trong thời gian tới cần tập trung đổi mới công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch theo hướng chất lượng, sát thực, hiệu quả. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống giám sát đánh giá việc thực hiện những nội dung liên kết vùng trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm ở cấp địa phương.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần quy hoạch phải thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị hàng hoá nông sản có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong các năm tới.

D.Anh