Đầu tháng 3 vừa qua, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố một bộ tiêu chuẩn mới (RMCS) nhằm chuẩn hóa nghề giúp việc gia đình (GVGĐ- còn gọi là ô-sin) cho hơn 21 triệu lao động đang làm công việc này trong khu vực ASEAN và khuyến nghị các nước đào tạo, sử dụng LĐ đạt chuẩn. Tuy nhiên, soi chiếu vào nghề GVGĐ ở Việt Nam thì khả năng lao động đạt chuẩn này ở nước ta vẫn còn rất xa vời.

Quản lý không nổi, đừng nói chuẩn hóa nghề

Bộ tiêu chuẩn này dựa trên 5 tiêu chuẩn quan trọng nhất mà một lao động GVGĐ phải có là: Năng lực cốt lõi (giao tiếp, duy trì sức khỏe gia đình, tính toán, quản lý công việc gia đình, sử dụng ngôn ngữ giao tiếp…); làm sạch nước và dọn dẹp cơ bản; xử lý thực phẩm và nấu ăn; chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ em; chăm sóc người già; chăm sóc vật nuôi và cây trồng.

{keywords}
Nhiều gia đình rất cần GVGĐ trông trẻ nhưng rất ít lao động được đào tạo để có kỹ năng chăm sóc trẻ (ảnh minh hoạ).  Minh Nguyệt

Bà Tomoko Nishimoto - Trợ lý Tổng Giám đốc ILO kiêm Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương khẳng định: “Triển khai tiêu chuẩn này sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho lao động GVGĐ trong khu vực. Tiêu chuẩn RMCS là những tiêu chuẩn tham khảo ở phạm vi khu vực và có thể ứng dụng để phát triển hiệu quả kỹ năng nghề, làm cơ sở để thực hiện đào tạo, thẩm định kết quả đào tạo, thẩm định kỹ năng nghề và năng lực hiện có của một lao động GVGĐ giúp họ làm việc hiệu quả hơn, đàm phán tốt hơn về lương và tự bảo vệ mình”.

Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng của bà Nishimoto, một số chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này lại cho rằng việc chuẩn hóa nghề cho lao động GVGĐ ở Việt Nam vào thời điểm hiện nay là rất khó khả thi.

Cách đây gần 1 năm, Chính phủ ra nghị định 27/2014 và sau đó Bộ LĐTBXH cũng đã ra thông tư quản lý người giúp việc. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có báo cáo nào về số LĐ được quản lý theo thông tư này cũng như thực hiện việc ký hợp đồng lao động, mua BHYT, BHXH cho lao động. Bà Trần Thị Hồng – Trưởng phòng Bình đẳng giới (Viện Nghiên cứu giới và gia đình) cho rằng: “Thật khó để nói liệu Việt Nam có thể áp dụng bộ tiêu chuẩn này được không, khi mà chúng ta chưa thực hiện tốt việc quản lý GVGĐ. Mặc dù Chính phủ và Bộ LĐTBXH cũng đã ra những nghị định, thông tư nhưng đến nay chúng ta vẫn không quản lý nổi GVGĐ. Nếu không làm cho họ thấy được lợi ích từ việc nâng cao kỹ năng nghề thì họ sẽ không tham gia đào tạo và khó có thể “với” tới chuẩn của ILO” – bà Hồng nói.

Bà Lại Thị Tâm – Trung tâm Cung cấp người giúp việc Hồng Tâm (Hà Nội) thì cho rằng việc chuẩn hóa nghề GVGĐ cho lao động ở Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chưa nói đến việc đáp ứng những kỹ năng làm việc, nhiều GVGĐ còn không có những năng lực cốt lõi như giao tiếp, khả năng quản lý công việc hay giữ gìn sức khỏe cho gia đình…

Lao động không hào hứng

Lao động Nguyễn Thị Thủy, 52 tuổi (Phú Thọ) có kinh nghiệm 8 năm làm nghề GVGĐ, có năm đổi chủ 2-3 lần. Bà Thủy thừa nhận: “Tuy làm nghề GVGĐ được 8 năm, nhưng tôi làm dựa trên kinh nghiệm thực tế chứ chưa từng qua đào tạo”. Khi được hỏi, có mong muốn học nghề để nâng cao kỹ năng làm nghề không thì bà nói là không muốn, với lý do sợ tốn thời gian, tiền bạc và nghĩ không cần thiết khi mà mình đã nhiều tuổi.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phương, chuyên cung cấp GVGĐ (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Thực ra nhiều khi khách hàng hỏi thì mình vẫn phải nói là GVGĐ có qua đào tạo, nhưng việc đào tạo ở đây là đào tạo “bán chuyên”. Chủ yếu LĐ được đào tạo qua quá trình làm việc, chứ chưa tham gia một lớp đào tạo bài bản nào cả”.

Bà Phương đánh giá cao về nội dung của bộ quy chuẩn, tuy nhiên bản thân bà cũng cho rằng việc chuẩn hóa nghề cho con số ước tính hơn 200.000 GVGĐ ở Việt Nam là điều không hề đơn giản, và ở thời điểm này có “đốt đuốc” cũng không tìm ra LĐ đạt chuẩn, trừ những LĐ đang làm việc chuyên nghiệp trong các gia đình của người nước ngoài hoặc làm quản gia cho những gia đình giàu có.

“GVGĐ ở Việt Nam là lao động tự do, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức hạn chế. Chính vì vậy, họ chỉ mong muốn tìm một công việc có thu nhập ngay chứ không mong muốn học kỹ năng công việc. Bởi vậy, muốn chuẩn hóa, trước mắt phải nâng cao quản lý, tuyên truyền để họ thấy được lợi ích của việc nâng cao kỹ năng nghề thì họ mới có ý thức nâng cao kỹ năng nghề qua việc tham gia đào tạo” – bà Phương nói.

 Nhu cầu GVGĐ ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn, ước tính năm 2020 có thể lên tới hàng triệu lao động. Qua khảo sát cho thấy, người GVGĐ hầu như không được đào tạo kỹ năng GVGĐ, chủ yếu vẫn là do chủ nhà hướng dẫn cách làm.

GS.TS Nguyễn Hữu Minh -Viện trưởng Viện Giới và Gia đình 

 Chúng tôi từng đầu tư mở lớp đào tạo nghề cho GVGĐ nhưng giáo trình không có, lao động không có chứng chỉ nghề, tức là không được xác nhận về kỹ năng nghề đã học. Họ bỏ ra 2-3 triệu đồng/khóa học nhưng học xong đi làm lương cũng không cao hơn người không được học nên nhiều người không học nữa.

Bà Nguyễn Thu Xinh - Giám đốc Công ty Thu Xinh (Kim Mã, Hà Nội)

Thời gian tới phía Đài Loan tiếp nhận lại lao động GVGĐ của Việt Nam, vì thế việc xây dựng chuẩn nghề là cực kỳ cần thiết. Chúng tôi nhận thấy lao động đi GVGĐ hầu như không có kỹ năng gì, doanh nghiệp phải đào tạo từ những cái nhỏ nhất như sử dụng lò vi sóng, máy nước nóng, lau chùi đồ thuỷ tinh … 

Ông Trần Lực- Chủ tịch HĐQT Công ty XKLĐ TTLC

(Theo Dân Việt(