Cộng đồng mạng và đông đảo người tiêu dùng mấy ngày qua đang bàn luận, đánh giá về việc Vietnam Airlines thay đồng phục mới cho đội ngũ tiếp viên, nhân viên... Câu hỏi đáng đặt ra là, tại sao cứ bàn đến các chiến lược phát triển mới, Vietnam Airlines lại phải thay đổi đồng phục để nhấn mạnh lại nhận dạng thương hiệu?

Một cựu quản lý Vietnam Airlines tâm sự rằng, đây không phải lần đầu tiên hãng này đặt ra vấn đề thay đổi đồng phục để đánh giá lại thương hiệu.

Nổi cộm nhất lâu nay, là sự việc thay đổi logo, kéo theo hàng loạt chỉnh đốn thay đổi khác trong công tác tổ chức nội bộ và nhận dạng thương hiệu của hãng.

Từ đó đến nay, Vietnam Airlines đã nhiều lần "ướm" thông tin thay đổi nhận dạng thương hiệu, với những lý do đưa ra khá chính đáng, là giúp đổi mới hình ảnh hãng, thể hiện những yếu tố mới mẻ, năng động, giá trị hơn trong xu thế hòa nhập thế giới...

{keywords}

Mẫu đồng phục cũ của Vietnam Airlines được đánh giá cao hơn hẳn... mẫu mới (ảnh dưới)

{keywords}

Bộ đồng phục mới được thiết kế, cũng với tiêu chí đó, được giải thích là hợp hơn với hình ảnh logo bông sen vàng và "xốc dậy" tốt hơn tinh thần làm việc của đội ngũ nhân lực hãng này.

Có điều, nếu nhìn kỹ những lần Vietnam Airlines "biến đổi" nhận dạng thương hiệu thông qua việc thay logo, cải tổ đồng phục, cộng đồng người tiêu dùng lại chỉ tập trung vào những vấn đề làm sao cho những yếu tố nhận dạng thương hiệu hãng hàng không đại diện quốc gia ấy phải đẹp, thanh nhã và hợp lý hơn.

Hầu như không có ý kiến nào đặt ngược vấn đề, vì sao phải thay đổi những bộ đồng phục ấy, và trong chiến lược phát triển, xây dựng nhất quán 1 hình ảnh tiếp viên hàng không Việt Nam, những thay đổi đó là cần thiết, có tiêu chí và lộ trình rõ ràng? Tại sao Vietnam Airlines lại không thể duy trì vững vàng 1 mẫu đồng phục, nhìn từ góc cạnh thương hiệu đại diện quốc gia?

Hiện tại, cạnh Việt Nam Airlines, nước ta đã có thêm 2 hãng hàng không trẻ trung hơn, là Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Airlines.

Đồng phục của 2 hãng hàng không này, có những chỉnh sửa nhất định qua mỗi chặng phát triển. Nhưng có thể thấy, màu sắc, đường nét và cung cách của những bộ đồng phục mà 2 hãng này chọn lựa luôn có sự nhất quán.

Nhất là Vietjet, với bộ đồng phục caro được ấn định từ đầu, kèm theo mũ ca lô, khăn quàng cùng kiểu dáng, trẻ trung và bắt mắt hơn, hãng này đang tạo nên 1 ấn tượng tích cực với cộng đồng, bất chấp những sai sót, khuyết thiếu nhất định còn tồn tại.

{keywords}

Mẫu đồng phục mới của Vietnam Airlines đang gây tranh cãi khi đặt cạnh đồng phục các hãng khác, nhưng vấn đề là có nhất thiết phải đổi mới không ?

Một đại diện của Jetsstar Pacific khẳng định, quan điểm giữ vững giá trị thương hiệu của hãng này, liên quan đến tập đoàn hợp tác chung từ Úc, sẽ bảo đảm được giữ vững trong nhiều năm nữa.

Rõ ràng không phải Jetstar hay Vietjet không có nhu cầu cách tân thay đổi.

Thậm chí là những hàng hàng không tư nhân, tính chủ động cao, nhắm đến các đối tượng khách hàng trẻ và đa dạng, họ còn cần có những đòi hỏi phải thay đổi nhận dạng, làm mới chính mình nhiều hơn nữa.

Song, trung thành với tiêu chí ra đời và vận hành nhất quán, các hãng này đều hạn chế đến mức thấp nhất những yêu cầu thay đổi, chí ít là về hình ảnh nhận dạng.

Trong khi đó, là hãng hàng không đã có bề dày phát triển lâu năm, đại diện chính thức cho hình ảnh quốc gia, Vietnam Airlines dĩ nhiên có giá trị thương hiệu rất lớn và không dễ dàng hoán đổi.

Cho dù những bộ đồng phục mới có đẹp hơn, hay bị chê xấu đi, thì đó vẫn là những đồng phục có tính tiêu biểu cho hình ảnh con người Việt Nam từ khía cạnh giao lưu quốc tế.

Chính vì vậy cho nên sự biến tấu hình ảnh, thay đổi trang phục... đều ảnh hưởng rất lớn đến giao diện thương hiệu quốc gia, không thể chỉ tùy tiện do 1 nhà sáng tạo mẫu nào, hay 1 nhóm cán bộ lãnh đạo nào đưa ra quyết định.

Với việc thay đổi đồng phục tiếp viên, rõ ràng Vietnam Airlines phải đối diện với những câu hỏi lớn, về mức độ xứng đáng phải thay đổi.

Nếu thay đổi này gắn liền với 1 chiến lược giá trị thật sự, có tính bền bỉ trong lộ trình phát triển tương lai, hãng mới nên chấp nhận. Vì thế, việc thay đổi ấy, cần có sự khảo cứu, đánh giá, thẩm định đa chiều, sự góp ý tích cực của chính những hành khách ngồi trên ghế máy bay Vietnam Airlines.

Không thể để tùy ý 1 kế hoạch thay đổi nhân sự, giải pháp phát triển ngắn hạn nào đó, mà hãng lập tức thay đổi hình ảnh thương hiệu.

{keywords}

Những mẫu đồng phục, bộ nhận dạng thương hiệu đồng hành dài lâu với doanh nghiệp luôn được đánh giá cao trong mắt người tiêu dùng.

Cộng đồng sẽ nên ứng xử ra sao với những hình ảnh con người Vietnam Airlines thay đổi liên tục, và sự thay đổi lần nào cũng có những lời giới thiệu rất hoa mỹ, rất hợp lý song không hề minh bạch liệu đó có phải thay đổi căn cơ dài lâu không?

Một nhân viên hàng không Jetstar nhìn nhận, thực tế khi nhìn vào dàn tiếp viên Vietnam Airlines, người ta không đánh giá đó đều là những cô gái đẹp và đồng đều.

Dáng người, cùng những quy định khác như phải búi tóc cao, tư thế nghiêm trang..., Vietnam Airlines đã tạo được sức hấp dẫn từ biểu lộ bên ngoài của những nhân viên đại diện thương hiệu.

Điều này, Vietjet và Jetstar còn mất nhiều thời gian nữa mới làm được.

Vậy tại sao, Vietnam Airlines không tự củng cố, “tỏa sáng” hơn với các giá trị bề sâu ấy, và đi từ chính con người, mà cứ phải chăm chú vào những mẫu mã trang phục?

Tất nhiên, thay đổi đồng phục là lựa chọn của hãng, và hãng đã quyết, tất nhiên sự không thể bàn sâu. Nhưng, Vietnam Airlines liệu có cam kết rằng, bộ đồng phục mói là xứng đáng, phù hợp cùng các giá trị phát triển thương hiệu bền vững của hãng ?

Bao lâu nữa, yêu cầu thay đổi lại đồng phục của hãng mới lại được đặt ra, và những tiêu chí mới ấy, có đủ để thuyết minh là hãng cần thay đổi thực sự ?

Vietnam Airlines cần thẳng thắn nhìn lại vấn đề, sự thay đổi làm mới bộ nhận dạng thương hiệu trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và cần minh chứng từ việc đổi đi những dấu hiệu đồng phục tiếp viên.

Sự thay đổi ấy, cũng phải đi kèm với công tác tổ chức, thẩm định kỹ lưỡng, có bề sâu.

Nếu không, phải chăng lại đến 1 ngày cận kề, hãng lại tuyên bố đổi đi đồng phục mới, kéo theo sau là những khoản tiền khổng lồ phải chi ra để may lại đồng phục, làm lại thương hiệu, cải cách truyền thông... ?

Điều quan trọng nhất là liệu Vietnam Airlines có thật sự đổi mới được giá trị, đi cùng với việc thay đổi những bộ trang phục và nhận dạng lại thương hiệu?

(Theo Bizlive)