Nhà khoa học Phan Bội Trân và gia đình đón Tết Ất Mùi 2015 vui vẻ hơn những năm trước vì công việc năm cũ được giải quyết rốt ráo, tháo gỡ được các “nút thắt” và đang có những đơn hàng mới.

Thành công bước đầu

Ông Phan Bội Trân có vẻ ngoài hơi "lạ" bởi cách ăn mặc rất đỗi bình dị, áo thun không cổ rộng thùng thình, quần jean sờn rách, tóc tai bù xù, đôi mắt kính dày cộm, lúc nào cũng kè kè túi mini mang chéo người, tính tình thân thiện, dễ mến.

Nói "lạ" bởi ông là một du học sinh Pháp, tiếp nhận nền văn hóa phương Tây từ tuổi đôi mươi, sống ở xứ văn minh, lịch lãm nhưng cái cách ông thể hiện thì lại đậm chất nông dân quê mùa, chất phát.

{keywords}

Động lực thúc đẩy ông làm việc không ngừng nghỉ là vợ và các con ông.

Những ngày cận Tết, công việc của ông Trân dường như tất bật hơn, từ sáng sớm ông thức dậy lo chở hai con đi học hàng chục cây số rồi quay về Cát Lái (quận 2) làm công việc đóng du thuyền bằng chất liệu composite đến mù mịt tối mới về nhà.

Thời gian dành cho nghiên cứu, học tập, làm việc của nhà khoa học Phan Bội Trân đáng nể, trung bình 12-14 giờ/ngày.

{keywords}

Ông Trân bên một sản phẩm đang làm dở dang.

Năm 2014 là năm thành công bước đầu của ông Trân, với việc xuất bán lô hàng tàu ngầm Yết Kiêu 1 sang Malaysia.

Ngoài vấn đề lợi nhuận kinh tế, giải phóng mặt bằng, thì thương hiệu tàu ngầm Yết Kiêu 1 và tên tuổi của ông Trân cũng được nhiều người trong và ngoài nước biết đến thông qua kênh báo chí, truyền thông.

Dự kiến, ông Trân mang ý tưởng của mình sang Malaysia kết hợp nước sở tại sản xuất hàng loạt tàu ngầm “Ngưới Cá” để hưởng được gói tài trợ trị giá 300.000 USD của Chính phủ Malaysia.

Những ý tưởng “không đụng hàng”

Không bằng lòng với những gì đã có, ông Trân luôn tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo những thiết bị, công cụ tiện ích, phục vụ cho con người, có thể là sản phẩm dân sự, kể cả quân sự. Ông luôn ấp ủ các ý tưởng mới lạ, cải tiến sản phẩm đã có như tàu thuyền, xe đạp điện, ván trượt nước có buồm và đặc biệt là quân khí, cải tiến súng AK; “bắt sống” xe tăng; "phong tỏa" đường biên giới…

“Nước ta có bờ biển dài, đẹp, có nhiều vịnh, khu vui chơi, nghỉ mát nổi tiếng quốc tế như biển Vũng Tàu, Mũi Né, Nha Trang, Quy Nhơn, Hạ Long, Đồ Sơn… nếu tận dụng được lợi thế từ biển, chúng ta sẽ có thêm những môn thể thao mới, hoặc cách tham quan dưới nước đa dạng, phong phú hơn” - ông Trân chia sẻ.

Định hướng sắp tới của ông Trân là thiết kế, sản xuất ván trượt nước có buồm tương tự như thuyền buồm đua nhưng lớn, nặng hơn thuyền buồm đua gấp 3 lần. Nhóm đối tượng hướng đến là thương gia, doanh nhân, những người có sở thích, đam mê lướt sóng, trượt ván.

Cách di chuyển ván trượt nước là neo chúng bên trên trần ô tô để thuận tiện trên đường đi. Với thiết kế này, ông Trân cho biết, ông chẳng copy giống ai, và luôn có quan điểm riêng về kỹ thuật, hình dáng đặc thù tùy theo mỗi quốc gia, vùng miền mà ông chế tạo ra sản phẩm.

"Ván trượt nước có thể chơi trên sông hoặc biển. Ví dụ nó có thể dùng chơi trong khu vực kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè, Q.1, TP.HCM, ở những nơi mà khi chơi không cần đăng ký khi lưu thông, còn các luồng chảy thì khi tham gia giao thông phải đăng ký theo luật" - ông Trân giải thích.

Ông Trân cho biết, ông đang làm buồng áp suất dùng chữa bệnh cho bệnh nhân bị bệnh cao huyết áp. Nơi đặt hàng là một bệnh viện tư nhân tại Pháp.

Ông thiết kế, tạo khuôn, sản xuất hoàn chỉnh tại Việt Nam rồi xuất thẳng sang Pháp không qua khâu trung gian. Được biết, ngoại trừ các thị trường có bán và sản xuất sản phẩm này như Mỹ, Pháp và Canada thì nay đã có ở Việt Nam.

{keywords}

Bản thân ông nhìn nhận, và tự vấn ông luôn phải sống có trách nhiệm với của một công dân đối với việc bảo vệ biên cương, hải đảo, lãnh thổ Việt Nam. Chính vì vậy, trong suy nghĩ của ông, lúc nào cũng dành những nghiên cứu mang tính đột phá về chế tạo công nghệ quân sự, khí tài, đặc biệt là những vũ khí chiến đấu dưới nước đạt hiệu quả cao.

Ông Trân cho rằng, nền khoa học Việt Nam sinh sau đẻ muộn như một đứa trẻ mới tập đi không thể so với những nước phát triển như chàng thanh niên khỏe mạnh đang chạy điền kinh.

“Cái vấn đề là thời gian chứ không phải là Việt Nam yếu, thua gì ở đây. Chúng ta phải tự tin, không nên tự ti. Lý do hết sức khách quan, không phải là mình dở, mà cần thời gian để hoàn thiện, phát triển. Những nước phát triển họ cũng trải qua giai đoạn như mình, rồi qua thời gian họ lớn lên, trưởng thành mà thôi”- ông Trân nói.

Nhà khoa học Phan Bội Trân luôn nhắc đi nhắc lại rằng, ông sẽ dùng khoản thừa kế của gia đình, mở rộng quy mô, sản xuất những sản phẩm “không đụng hàng” bằng chính tiền túi của mình trong những năm sắp tới.

Ông Phan Bội Trân là anh cả trong 5 anh em (2 trai, 3 gái), xuất thân quê ở Bình Dương thuộc dòng tộc nhà cách mạng yêu nước Phan Bội Châu. Ông Trân là cựu học sinh trường THPT La San Taberd (bây giờ là trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM), đi du học tự túc tại Pháp từ năm 20 tuổi sau khi thi đỗ trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Ông tốt nghiệp ngành hóa học chuyên ngành vật liệu tổng hợp composite tại Pháp. Sau khi tốt nghiệp, ông vào làm việc tại một vài nhà máy đóng tàu ngầm và máy bay trực thăng của Pháp với vai trò điều phối viên, nghiên cứu, chế tạo vật liệu composite (nhựa tổng hợp). Bên cạnh đó, ông cần mẫn học hỏi về vật lý, chế tạo động cơ, điện và các chuyên môn khác liên quan đến công nghệ đóng tàu ngầm.

Ông đã từng cộng tác cho nhà nước Lybia về sáng chế tàu ngầm hạng trung, cho một số nước về mô hình máy bay không người lái.

Năm 1981 ông về Việt Nam thăm quê hương lần đầu tiên. Đến năm 2006, ông chuyển về ở Việt Nam, kinh doanh, làm ăn sinh sống, lấy vợ lần thứ hai kém hơn ông 30 tuổi và có hai con. Ngoài nghiên cứu khoa học, ông Trân còn mở công ty sản xuất sản phẩm tóc giả và mặt hàng này công ty ông độc quyền sản xuất cho đối tác tại Pháp.

 

(Theo VTC)