Tổng công ty hàng hải (Vinalines) không muốn bán hết cảng Quảng Ninh, nơi vẫn có dòng tiền thu về đều đặn hàng năm dù kết quả kinh doanh chưa tốt. Nhưng Chính phủ đã cho phép bán hết vốn nhà nước tại đây trong một quyết định mang tính đột phá cho việc Nhà nước sẽ rút mạnh vốn khỏi cảng biển, kể cả các cảng loại một. Cảng Quảng Ninh nhanh chóng bị đặt trước một ngã rẽ.

T&T - người mua duy nhất

Quyết định của Chính phủ về việc rút hết vốn Nhà nước tại cảng Quảng Ninh những ngày cuối năm 2014 vừa qua được xem là một quyết định khá bất ngờ. Bởi trong  Đề án tái cơ cấu Vinalines (sửa đổi) tháng 11-2014, Chính phủ vẫn quyết định Nhà nước sẽ nắm giữ từ 51% đến 65% vốn điều lệ tại sáu cảng, trong đó có cảng Quảng Ninh. Trong đợt IPO hồi cuối tháng 5-2015, cảng Quảng Ninh bị “ế” khi chỉ bán được 7,5% trong tổng sống 11,3 triệu cổ phần chào bán, với giá 11.000 đồng/cổ phần, thu về chưa đầy 10 tỉ đồng. Tính đến nay, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 98% vốn điều lệ tại cảng.

Không giống như môt số cảng khác, cảng Quảng Ninh chưa lên kế hoạch bán tiếp lượng cổ phần bị ế. Nhưng ngay khi Chính phủ có văn bản chấp thuận cho Vinalines được thoái toàn bộ vốn nhà nước thì đồng thời cái tên công ty cổ phần tập đoàn T&T xuất hiện với tư cách bên đề nghị mua lại phần vốn nhà nước tại đây.

{keywords}

Xếp dỡ hàng tại cảng Cái Lân, thuộc cảng Quảng Ninh. Ảnh: T.L

T&T là cái tên không xa lạ gì vì đây là tập đoàn kinh doanh đa ngành trên các lĩnh vực công nghiệp, tài chính, bất động sản, xuất nhập khẩu thể thao... gắn với tên tuổi ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch tập đoàn. Ông Hiển đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Tại ngân hàng có vốn điều lệ lên đến 9.000 tỉ đồng, T& T là đối tác chiến lược với  tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 10,95%. Cá nhân ông Hiển và những người có liên quan cũng nắm giữ 5,82%. Mối liên quan mật thiết giữa T&T với ngân hàng SHB sẽ là chỗ dựa về tài chính cho T& T trong thương vụ này.

Bao giờ mục tiêu cuối cùng của bên mua cũng là lợi nhuận, cho dù thời gian đạt đến lợi nhuận có thể ngắn hoặc dài.

Khi gửi văn bản đề nghị mua cảng Quảng Ninh sang Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), T&T đã gửi kèm Báo cáo tài chính năm 2013, cho thấy, với một doanh nghiệp có vốn tự có khoảng 2.000 tỉ đồng, việc mua toàn bộ vốn nhà nước tại một doanh nghiệp có mức giá tại thời điểm hiện nay khoảng 500 tỉ đồng không phải là chuyện vượt tầm tay. Trong điều kiện hiện nay, T&T có thể đáp ứng được những yêu cầu mà bên đồng ý thoái vốn đưa ra.

Theo thông tin của TBKTSG, khi xây dựng điều kiện thoái vốn khỏi cảng Quảng Ninh, Chính phủ, Bộ GTVT muốn đối tác mua lại phải là doanh nghiệp 100% vốn trong nước, tiếp tục kinh doanh cảng theo đúng quy hoạch và không được chuyển nhượng cảng cho đối tác khác trong vòng năm năm. Ngoài ra, đây phải là doanh nghiệp có năng lực tài chính, quản trị tốt và ngành nghề kinh doanh liên quan đến xuất nhập khẩu. Tất cả những điều kiện này đều “vừa sức” với T&T.

Đáng chú ý là Bộ GTVT và Vinalines không cấm đối tác liên doanh khai thác cảng với các cổ đông nước ngoài. Nhất là theo các cam kết WTO, từ đầu năm 2014, quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với dịch vụ hậu cần, giao nhận và các hoạt động liên quan đến vận chuyển đường thủy đã được tăng lên. Nhiều đối tác đã đặt vấn đề mua càng nhiều càng tốt cổ phần tại các cảng biển. Nhưng mới chỉ có Công ty quản lý quỹ VOI (liên doanh giữa SCIC và Quỹ dự trữ quốc gia Oman) có cơ hội được mua tối đa 35% cổ phần tại cảng Hải Phòng.

Thời điểm tốt cho bên mua

Cũng như các cuộc mua bán khác, bao giờ mục tiêu cuối cùng của bên mua cũng là lợi nhuận, cho dù thời gian đạt đến lợi nhuận có thể ngắn hoặc dài. Vậy cảng Quảng Ninh có sức hấp dẫn gì đối với T&T?

Như các cảng khác khi IPO, cảng Quảng Ninh bị ế vì tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại đây sau cổ phần hóa tới 75%, khiến các nhà đầu tư không mặn mà. Nhưng quyết định bán cả 100% vốn thì lại khác. Khi nhà đầu tư có toàn quyền quyết định cách thức quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, lại có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính thì câu chuyện hiệu quả kinh doanh “xìu xìu, ển ển” theo kiểu doanh nghiệp nhà nước tại cảng này chắc chắn sẽ chấm dứt.

Cảng Quảng Ninh vốn có một bề dày và vị trí kinh doanh rất lợi thế do nằm ở trung tâm vịnh Bắc bộ, cửa ngõ ra biển Đông của khu vực phía Bắc. Hàng hóa từ khu vực Đông Bắc bộ và Tây Bắc bộ xuất nhập khẩu đi Trung Quốc hầu hết phải đi qua cảng này. Bình quân sản lượng hàng hóa thông qua cảng từ 6 triệu đến hơn 7 triệu tấn/năm, trong đó chủ yếu là hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc. Hiện nay cảng Quảng Ninh có thể tiếp nhận tàu đến 40.000 tấn vào ăn hàng và còn rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Giá trị thực tế tại doanh nghiệp được xác định khi cổ phần hóa cách đây bảy tháng là 622 tỉ đồng, không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất. Nhưng với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, cầu cảng, bến bãi thì quyền được thuê đất lâu dài, với giá nhà nước mới là giá trị lớn. Giá trị này được Nhà nước cho phép doanh nghiệp mua lại kế thừa, tiếp tục sử dụng mà không làm phát sinh chi phí. Cảng Quảng Ninh hiện được Nhà nước giao sử dụng, cho thuê tổng diện tích kho hàng tại năm bến là 142.000 mét vuông, luồng vào cảng dài 36 ki lô mét được Cục Hàng hải cho thuê dài hạn… Đây là điều mà bất cứ nhà đầu tư làm cảng nào cũng cần đến.

Báo cáo tài chính của cảng Quảng Ninh lại khá sạch. Họ có tổng tài sản khá lớn, không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất, nhưng lại vay nợ rất ít. Tổng vay nợ chỉ có 119 tỉ đồng/490 tỉ đồng vốn chủ. Một lợi thế khác, với ngành nghề kinh doanh bốc xếp hàng hóa là chính, thì nguyên liệu đầu vào chủ yếu là xăng dầu, dễ quản lý.

Bộ GTVT đang chờ Chính phủ phê duyệt phương án bán cảng Quảng Ninh theo giá thỏa thuận. Giá này có thể cao hơn giá trúng đấu giá bình quân 11.000 đồng/cổ phần trong đợt IPO cách đây hơn sáu tháng?

Để có được giá thỏa thuận hợp lý, cảng Quảng Ninh đang được thẩm định lại giá trị theo đúng quy trình. Nhưng sẽ khó có chuyện mức giá cỡ 490 tỉ đồng khi IPO sẽ được đẩy lên cao vì theo các phương pháp đánh giá lại theo thực tế, giá trị doanh nghiệp bảy tháng trước và nay sẽ không khác xa nhau nhiều.

Bao giờ mục tiêu cuối cùng của bên mua cũng là lợi nhuận, cho dù thời gian đạt đến lợi nhuận có thể ngắn hoặc dài.

(Theo TBKTSG)