-Giữa những khó khăn của quá trình tái cơ cấu, các ngân hàng cũng đang ráo riết tuyển quân cho một chu kỳ cạnh tranh mới với mục tiêu top 10 ngân hàng Việt Nam.

Ráo riết tìm người

Trong vòng chưa đầy một tháng đầu năm mới, gần chục ngân hàng đưa ra thông báo tuyển dụng với số lượng lên tới cả nghìn người. PVcomBank cho biết, riêng khối khách hàng cá nhân, năm nay dự kiến sẽ tuyển cả nhân viên chính thức và cộng tác viên khoảng 700 người.

Với tham vọng tới 2020 trở thành 1 trong 7 ngân hàng tốt nhất Việt Nam, lực lượng kinh doanh của NH này được tiết lộ vào khoảng 3.500 cho đến 5.000 người.

Trước đó, đầu năm mới 2015, hàng loạt các ngân hàng như ACB, HDBank, Techcombank, Vietcombank, VietinBank… cũng đã rầm rộ đăng tin tuyển dụng, trong đó không ít ngân hàng đưa ra con số tuyển cả trăm người.

TPBank vừa thông báo tuyển dụng một loạt nhân sự từ vị trí giao dịch viên tới giám đốc cho các chi nhánh mới tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM… phục vụ kế hoạch mở rộng và phát triển kinh doanh.

{keywords}
Nhân sự ngân hàng có nhiều thay đổi

Không chỉ tuyển nhân sự sẵn có trên thị trường lao động, một số ngân hàng còn nhắm tới các sinh viên của các trường kinh tế tài chính ngân hàng để phục vụ cho nhu cầu mở rộng và phát triển trong thời gian tới.

HDBank thông báo tuyển 550 quản trị viên tập sự với đích ngắm là sinh viên năm cuối các ngành kinh tế để bổ sung nhân sự cho hàng trăm điểm giao dịch tập trung ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ…

PVcombank đã lên chương trình hợp tác với 5 đại học hàng đầu tại Việt Nam để tìm kiếm nguồn nhân lực như Học viện Chính sách và Phát triển; Đại học Kinh tế Quốc dân; Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng và Đại học Đại Nam. 

Ông Đoàn Đức Minh, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của PVcombank cho biết, phát triển ngồn nhân lực là một trong những chiến lược cốt lõi để PVcombank đạt được mục tiêu lọt tốp 7 vào năm 2020. 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó giám đốc khối khách hàng cá nhân và là chuyên gia đào tạo, tuyển dụng nhân sự của PVcomBank cho biết, chiến lược phát triển của NH đã rõ ràng, nhưng để tuyển dụng được người phù hợp không hề đơn giản, mà không tuyển được thì không thể phát triển. Một đối tượng được quan tâm là sinh viên, đây là một lực lượng rất mạnh có thể thâm nhập ngay vào ngân hàng ở nhiều vị trí, từ cộng tác viên cho đến quản trị tập sự, để làm quen và được đào tạo để trở thành người của ngân hàng.

Cuộc đua top 10

Ông Lê Đắc Sơn, Chủ tich Đại học Đại Nam và cũng là người giữ vị trí điều hành cao nhất nhiều năm trong NH cho rằng, nhu cầu nhân sự ngành tài chính ngân hàng trong đang rất lớn.

Theo ông Sơn, việc hợp tác với các NH là để đào tạo cho sinh viên tốt hơn, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về lĩnh vực mình theo đuổi, hiểu nhu cầu của nhà tuyển dụng và qua các hợp tác chiến lược lâu dài có lợi cho cả hai bên như vậy sẽ mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên.

Ở chiều ngược lại, lãnh đạo nhiều NH cũng thừa nhận có áp lực trong việc tuyển dụng nhân sự cho một chu kỳ phát triển mới sau một thời gian dài thanh lọc và cắt giảm nhân sự cũ trong vài năm trước đây.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc NHNN cho rằng đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn trong ngành ngân hàng và do vậy các ngân hàng sẽ phải tuyển dụng nhiều hơn để bù đắp lại lượng nhân viên giảm đi trong các năm trước đó.

{keywords}
Ngân hàng vẫn hấp dẫn giới trẻ

Với đối tượng nhân sự cao cấp, một chuyên gia trong ngành NH cho biết, rất khó tìm được các lãnh đạo vừa giỏi vừa có tâm. Còn theo Navigos Search, cho dù có nhiều biến động, lương thưởng khu vực NH vẫn thuộc hàng cao nhất. Và theo tổ chức này, xu hướng tuyển dụng nhân sự ngành ngân hàng tài chính nói chung đã khởi sắc từ 2014.

Xu hướng ấm lên của khối ngân hàng khá rõ nét, được phản ánh cả ở biến động giá trên TTCK. Còn trên thực tế, cuộc đua vào nhóm khoảng 20 ngân hàng còn lại trên thị trường như định hướng của NHNN cũng đủ cho thấy nhu cầu phát triển về quy mô, chất lượng dịch vụ, và cả nguồn nhân lực lớn như nào.

Ông Đức Minh cho biết, riêng trong năm 2015, theo chiến lược tái cơ cấu, PVcombank sẽ nâng số điểm giao dịch lên trên 130 so với 120 như hiện tại, chưa kể các trung tâm bán hàng lưu động. Do vậy, công tác phát triển nguồn nhân lực là một bài toán quan trọng để phục vụ mục tiêu này”.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình gần đây cho biết, tái cơ cấu ngân hàng đã đi qua giai đoạn 1, xử lý những ngân hàng yếu kém. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục việc cơ cấu hợp nhất để hướng tới những ngân hàng lớn hơn, mạnh hơn.

Theo kế hoạch của NHNN, mục tiêu tới 2017, hệ thống chỉ còn lại khoảng 20 ngân hàng thương mại. Cuộc đua vào nhóm này, nhất là tốp 10 đang diễn ra dữ dội hơn bao giờ hết, trong đó cuộc đua xây dựng nguồn nhân lực cho tương lai là khốc liệt.

“Ba có, một chịu để quản trị cuộc đời”

Nói về định hướng chọn nghề với sinh viên, TS Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ:

Các bạn trẻ nên làm theo tiêu chí "3 có, 1 chịu". 

Thứ nhất phải có sức khoẻ để làm những việc mà mình muốn. Không có sức khoẻ tất cả chỉ là số 0, thậm chí là số âm vì phải làm phiền người khác, để người khác phải nuôi dưỡng, chăm sóc... Thứ hai phải có trí tuệ để làm những việc đúng. Thứ ba phải có hoài bão để hướng về tương lai. 

Về "1 chịu", là phải chịu hành động. Chỉ thông qua hành động mới làm cho con người sống có ích hơn, gắn bó với nhau dễ hơn, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển.

Các bạn trẻ luôn phải bổ sung thêm kiến thức cho mình và đặt so sánh với bên ngoài, với các nước khác chứ không phải chỉ so sánh với chính mình nhằm biết được ta là ai, ta đang ở đâu và ta phải làm gì để không thua em kém bạn?. 

Nguyên bộ trưởng cũng khẳng định, vinh quang không tự đến, mà đều xuất phát từ những ngày lao đông, học tập nghiêm chỉnh và làm việc hết mình. Tức là phải hành động. Ai không có sai lầm tức là không làm gì, còn những người làm nhiều, hành động nhiều có sai làm nhưng đấy là những bài học để đúc rút, để chiêm nghiệm và thay đổi.

Lê Hà