Văn bản của Bộ Công Thương không vi phạm Luật Cạnh tranh”, Luật sư Lê Vinh (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định khi đọc Văn bản số 130 của Bộ này về việc thực hiện chính sách tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó có nội dung đang gây tranh cãi: yêu cầu các đơn vị khi đi công tác bằng máy bay mua vé của các hãng hàng không giá rẻ.

Không vi phạm pháp luật cạnh tranh

Hai ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin Bộ Công Thương ra Thông báo số 130 (ký ngày 8/1/2015, sau đó có chỉnh sửa vào ngày 23/1/2015) về việc thực hiện chính sách tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan. Một trong những nội dung của văn bản này là yêu cầu cán bộ khi đi công tác bằng máy bay thì mua vé của hàng không giá rẻ. Ban đầu văn bản này ghi đích danh mua vé giá rẻ của Hãng hàng không Vietjet, sau đó chỉnh sửa lại, không nêu cụ thể Vietjet mà ghi chung chung là: các hãng hàng không giá rẻ.

{keywords}

Hàng không giá rẻ giúp người dân được hưởng nhiều lợi ích và tiếp cận với phương tiện di chuyển hiện đại.

Sở dĩ một văn bản mang tính chất chỉ đạo, điều hành nội bộ “gây sốt” dư luận là bởi một số ý kiến cho rằng việc văn bản của Bộ Công Thương nêu đích danh phải mua vé của một hãng nào đó là có dấu hiệu không đảm bảo quy định của Luật Cạnh tranh, có sự phân biệt đối xử. Tương tự như việc tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh từng có công văn kêu gọi uống bia, nước khoáng sản xuất trong tỉnh, tỉnh Quảng Nam có công văn yêu cầu ký hợp đồng mua xi măng với Xi măng Xuân Thành 2...

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, nhiều luật sư lại cho rằng văn bản của Bộ Công Thương không vi phạm pháp luật cạnh tranh. Trả lời báo giới, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng bộ môn Luật, Đại học Tôn Đức Thắng phân tích: Cơ quan nhà nước – Bộ Công Thương không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Cạnh tranh. Tại Điều 2 Luật Cạnh tranh quy định đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh là: (i) Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam; và (ii) Hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam.

{keywords}

Cục trưởng Cục QLCT Bạch Văn Mừng: "đề tên doanh nghiệp là để hướng dẫn các đơn vị thuộc bộ sử dụng ngân sách tiết kiệm; không tác động đến thị trường".

Đồng quan điểm này, Luật sư Lê Vinh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết thêm, có ý kiến đặt vấn đề Bộ Công Thương nêu đích danh Hãng Vietjet trong khi có hãng giá rẻ khác như Jetstar là vi phạm Điều 6 Luật Cạnh tranh. Tại điều này quy định 4 hành vi bị cấm đối với cơ quan quản ý nhà nước, trong đó có “phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp” và “cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp”.

Song Văn bản số 130 của Bộ Công Thương không phải là văn bản có tính quy định chung, rộng rãi cho mọi người dân, cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức ngoài Bộ mà chỉ là thông báo với mục đích quản lý điều hành trong phạm vi Bộ. Mục tiêu của thông báo là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nguồn kinh phí này là của chính Bộ Công Thương, phục vụ cho công tác của cán bộ, công chức Bộ Công Thương chứ không phải buộc toàn bộ công chức, cán bộ cả nước phải đi máy bay của Hãng Vietjet trong mọi trường hợp, kể cả mục đích cá nhân. Do đó văn bản này cũng không vi phạm Điều 6 Luật Cạnh tranh.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội luật gia TP Hồ Chí Minh) cũng trả lời báo chí rằng, Bộ Công Thương ra Văn bản 130 là không vi phạm Luật Cạnh tranh bởi đây là văn bản thuộc thẩm quyền Bộ trong công tác điều hành, quản lý ngân sách nhà nước trong nội bộ để thực hiện tiết kiệm ngân sách. Bộ này có quyền chọn lựa đối tác cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu, mục đích của cơ quan ( lịch bay, dịch vụ, giá vé).

Luật sư Hậu cũng cho rằng, không thể so sánh Văn bản 130 của Bộ Công Thương với các công văn kêu gọi uống bia, uống nước sản xuất tại địa phương vì công văn kêu gọi uống bia, uống nước mang tính rộng rãi (cả tỉnh), đối tượng ảnh hưởng lớn, bao gồm cả người sử dụng, các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp có cùng sản phẩm.

Còn Công văn số 130 của Bộ Công Thương chỉ mang tính nội bộ, là việc quản lý chi tiêu của mỗi đơn vị. Tương tự lựa chọn đơn vị cung cấp nước uống, dịch vụ taxi... hoặc các dịch vụ khác mà bộ này xét thấy phù hợp với nhu cầu của mình.

{keywords}

Với sự xuất hiện của hàng không giá rẻ, ngày càng nhiều người dân có cơ hội đi máy bay.

Ủng hộ hàng không giá rẻ là tiết kiệm ngân sách

Dưới góc độ nhà quản lý, Thạc sỹ Nguyễn Tiến Đức, Giám đốc AMDS, chuyên gia tư vấn về quản lý và phát triển cho rằng, việc Bộ Công Thương ra văn bản tiết giảm chi phí, sử dụng hàng không giá rẻ là điều đúng đắn và cần được khích lệ, nhân rộng, thay vì “ném đá” câu chữ.

Ông Đức phân tích: “Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 38-CT/TW về việc tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, trong đó nêu rõ: “Các đoàn đi công tác nước ngoài phải thực hành tiết kiệm khi sử dụng các phương tiện đi lại, khuyến khích sử dụng hàng không giá rẻ.

Trước chỉ thị của Bộ Chính trị, tại Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã yêu cầu tất cả nhân viên, lãnh đạo thuộc Bộ phải ưu tiên sử dụng máy bay giá rẻ khi đi công tác. Tôi cho rằng tinh thần tiết kiệm của Bộ Công Thương, Bộ GTVT chính là hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Việc họ chỉ đích danh hàng không Vietjet có thể suy đoán là do hiện hãng này đang bán vé giá rẻ phổ biến (theo thống kê năm 2014 cứ 3 người đi máy bay có 1 người đi máy bay Vietjet). Hãng này có đường bay nội địa và quốc tế rộng , cách thức bán vé của hãng này thuận tiện và dễ mua. Tôi thấy không nên “ném đá” câu chữ hay đặt “thành vấn đề” vi phạm ở đây vì thực chất như các luật sư phân tích thì không có sự vi phạm nào cả”.

Trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, nhiều ý kiến cũng cho rằng không nên "bẽ câu chữ" mà quên mục đích chính của văn bản này là tiết kiệm tiền cho nhà nước, chính là tiền thuế của dân. "Là người dân tôi thấy cần hoan nghênh quyết định của bộ Công Thương, nó cho thấy tinh thần đổi mới của các cơ quan nhà nước, không phân biệt dịch vụ của doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, miễn là phù hợp và tiết kiệm. Trên thực tế kinh doanh, nếu nói rằng một doanh nghiệp tư nhân như VietJet mà lại “dám” cạnh tranh không lành mạnh với những doanh nghiệp nhà nước độc quyền là nói chuyện ngược đời", một fb nổi tiếng trên cộng đồng mạng chia sẻ.

Năm 2014, Bộ Chính trị đã từng‘thổi còi” các đoàn đi công tác khi một năm có trên 3000 đoàn đi nước ngoài bằng tiền thuế của nhân dân nhưng lại “xài sang”, “chê” hàng không giá rẻ. Trong khi đó, nếu tính trung bình trên 18 triệu lượt hành khách (bay trong năm 2014), chỉ cần tiết kiệm được 500.000 đồng/ lượt bay thì tổng xã hội đã tiết kiệm được là 9.000 tỉ đồng. Đây là con số không hề nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Việt Nam hiện có 3 hãng hàng không bay nội địa và quốc tế, trong đó Vietjet được ghi nhận là hãng hàng không có chính sách giá vé tiết kiệm, mạng bay rộng với lịch bay dầy đặc. Hãng này đã vận chuyển được gần 10 triệu lượt hành khách, trong đó có tới hơn 30% lượng khách của VietJet là những người lần đầu được đi máy bay. Khi người dân đã lựa chọn sử dụng dịch vụ của một doanh nghiệp thì thiết nghĩ cơ quan nhà nước có sử dụng dịch vụ này cũng là việc đáng hoan nghênh.

(Theo PLO)