- Mới đây, Bộ Công thương đã đưa ra đề xuất về thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho ô tô con. Theo đó, với ô tô từ 9 chỗ trở xuống, loại xe có dung tích xi lanh dưới 1.5L sẽ có mức thuế 30%, thay cho 45% như hiện nay, loại xe có dung tích xi lanh từ 2.0L đến 1.5L sẽ giữ nguyên mức 45%.

Với đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng xe có dung tích nhỏ sẽ được ưu tiên phát triển, có giá rẻ, giúp nhiều người dân có cơ hội tiếp cận với ô tô, giảm thiểu tác động tới môi trường và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô. Một số nguồn tin cho biết, các đề xuất này phù hợp với chủ trương của Chính phủ về phát triển công nghiệp ô tô và có khả năng sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Khi nào xe giảm giá?

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bổng sung đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua vào ngày 26/11/2014. Theo đó, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô từ 9 chỗ trở xuống vẫn giữ nguyên 3 mức là 45% với xe dưới 2.0L; 50% với xe từ 2.0L-3.0L và 60% với xe tren 3.0L.

Luật sửa đổi bổ sung này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Các ý kiến cho biết, với đề xuất của Bộ Công thương, nếu có thành hiện thực, thì ô tô dưới 1.5L sẽ được hưởng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 30% sớm nhất là từ đầu năm 2017. Bởi luật sửa đổi bổ sung vừa thông qua, đến đầu 2016 mới có hiệu lực, muốn sửa đổi, bổ sung tiếp cũng phải chờ đợi. Vì vậy, có sửa, sẽ thực hiện vào năm 2016 và áp dụng vào 2017.

{keywords}

Bộ Công thương đã đưa ra đề xuất về thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho ô tô con.

Trong khi đó, lộ trình giảm thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, theo cam kết gia nhập AFTA, đã được Bộ Tài chính công bố, đó là năm 2015 giữ ở mức 50%, năm 2016 giảm xuống còn 40%, năm 2017 còn 30% và năm 2018 về 0%. Theo các nguồn tin, do đã công bố rộng rãi và cam kết với các nước trong khu vực ASEAN, nên lộ trình này sẽ khó có thay đổi nào nữa.

Với các thông tin trên, có thể thấy năm 2015 giá xe ô tô sẽ không thay đổi so với 2014. Đến 2016 thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm từ 50% xuống 40% (giảm 10%), có thể sẽ làm cho giá ô tô nhập khẩu giảm so với 2015, nhưng không nhiều.

Tới 2017, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm còn 30%, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích xi lanh dưới 1.5L giảm còn 30%, thì giá xe nhỏ hứa hẹn sẽ giảm khá mạnh. Với xe có dung tích dưới 2.0L đến 1.5L, tuy không được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng do thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống còn 30% thì giá xe nhập cũng sẽ giảm hơn so với hiện nay.

Với mức thuế suất như vậy, lắp ráp xe trong nước sẽ không còn lợi thế cạnh tranh, bởi quy mô nhỏ và giá thành cao hơn 20% so với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Khi xe nhập khẩu cũng được hưởng thuế tiêu thụ đặc biệt ngang bằng với xe lắp ráp trong nước, thì lợi thế chắc chắn sẽ thuộc về nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu các cơ quan chức năng siết xe nhập, bằng cách dựng lên các hàng rào kỹ thuật, thì xe lắp ráp trong nước được cho là vẫn có lợi thế cạnh tranh.

Cho dù vậy, kiểu gì xe có dung tích xi lanh nhỏ vẫn hứa hẹn, bởi nếu khó khăn trong nhập khẩu, thì các DN sẽ tiếp tục tiến hành lắp ráp tại Việt Nam và với chủ trương tăng quy mô thị trường ô tô của Chính phủ, dòng xe dung tích nhỏ sẽ tăng trưởng mạnh.

Xe nhỏ công suất lớn

Trong khi Nhà nước khuyến khích sử dụng xe nhỏ, nhưng tâm lý người tiêu dùng lại thích xe có công suất mạnh mẽ, các DN sẽ giải quyết như thế nào? Một số dự báo cho biết, dòng xe sử dụng động cơ tăng áp sẽ làm thỏa mãn cả 2.

{keywords}

Tâm lý người tiêu dùng lại thích xe có công suất mạnh mẽ

Động cơ tăng áp có thể được hiểu là nạp khí cưỡng bức để tăng công suất mà không phải tăng dung tích buồng đốt. Taị Việt Nam hiện đã có một số DN đang lắp ráp và phân phối mẫu xe sử dụng động cơ tăng áp. Ford Việt Nam từ giữa năm 2014 đã lắp động cơ EcoBoost trên 1 phiên bản xe Fiesta. Động cơ này có dung tích 1.0L với 3 xi lanh, nhưng cho công suất cực đại tới 125 mã lực, bằng đúng công suất động cơ thông thường trên một phiên bản khác có dung tích 1.6L, 4 xi lanh.

Trường Hải cuối năm 2014 cũng đã lắp ráp và phân phối mẫu xe Peugeot 3008. Động cơ trang bị cho mẫu Crossover này là loại 1.6 L tăng áp, có công suất 156 mã lực, tương đương với công suất động cơ của các đối thủ cạnh tranh là Honda CR-V hay Mazda CX 5, nhưng có dung tích xi lanh 2.0L.

Xu hướng công nghiệp ô tô trên thế giới là sử dụng động cơ tăng áp. Với động cơ tăng áp thì nhiều mẫu xe trước kia có dung tích xi lanh lớn sẽ gia nhập vào phân khúc dung tích thấp hơn nhưng vẫn giữ được công suất vẫn mạnh mẽ.

BMW đã sử dụng động cơ Turbo N20 để trang bị cho các mẫu xe mới nhất của mình từ Series 5, Series 3 đến Z4, X1, X3... Turbo N20 là động 4 xi lanh, dung tích 2.0L nhưng có turbo tăng áp kép hiệu quả rất cao. Ba hãng sản xuất xe nổi tiếng của Nhật Bản là Toyota, Honda và Subaru cũng có lộ kế hoạch "thu nhỏ" động cơ, đồng thời trang bị thêm tuabin tăng áp để cho công suất đầu ra lớn hơn.

Chẳng hạn Honda có chiếc Civic Type-R hatchback có công suất 300 mã lực, mặc dù dung tích xi lanh vẫn là 2.0L.

Tuy nhiên, giá thành với các mẫu xe này thời gian đầu vẫn còn cao, nhưng về lâu dài sẽ hứa hẹn có tương lai sáng sủa và người tiêu dùng cũng dần quen với khái niệm nhỏ mà mạnh mẽ.

Trần Thủy