Theo báo Die Welt (Thế giới), Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ nhì thế giới và phần lớn cà phê Việt Nam được xuất khẩu sang Đức.

Tại Buôn Ma Thuột, trung tâm trồng cà phê của Việt Nam, các đồn điền trồng cà phê bạt ngàn, xanh ngắt tới tận chân trời. Các cây cà phê chỉ cao khoảng 1,5 m.

Hôm đó, trời nắng nóng khoảng 30 độ C, Nguyễn Khắc Chung đang đi thu hoạch cà phê. Chung năm nay 55 tuổi, đã 32 năm trồng cà phê và là một trong 600 công nhân làm việc trong đồn điền cà phê của doanh nghiệp nhà nước Việt - Đức ở Buôn Ma Thuột. Anh nói: „Tôi rất hài lòng với công việc của mình". Hiện nay, mỗi ngày anh thu hoạch trung bình được 20 bao cà phê hạt, mỗi bao chừng 70 kg.

Cà phê là một trong những sản phẩm quan trọng nhất của Việt Nam, nước sản xuất cà phê lớn thứ nhì thế giới sau Brazil. Phần lớn cà phê Việt Nam được đưa sang Đức để chế biến.

Việt Nam thu hoạch ít cà phê hơn, giá cả sẽ tăng lên

Tại Việt Nam, ai muốn cũng có thể trồng cà phê. Vì vậy, khác với ở Nam Mỹ, người nông dân Việt Nam nhận được phần lớn doanh thu từ cà phê.

Volcafe, một nhà buôn cà phê quốc tế ước tính năm 2014, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm khoảng ba triệu bao, mức sụt giảm lớn nhất kể từ chín năm qua. Trong con số thống kê về xuất khẩu của Hiệp hội cà phê quốc tế trong 12 tháng qua, việc sụt giảm đó chưa được thể hiện, vì trên thị trường thế giới còn được bán cà phê hạt của vụ trước. Nhưng giá cả đối với những người uống cà phê Việt Nam và châu Âu sẽ tăng lên.

{keywords}

 Thu hoạch cà phê ở Buôn Ma Thuột

Tại Buôn Ma Thuột, năm nay người ta cũng sẽ thu hoạch được ít cà phê hơn. Đức Thắng, một người quản lý vài đồn điền cà phê của tập đoàn quốc doanh Việt - Đức cho biết: „Sản lượng năm nay giảm khoảng 15 tới 20% so với năm ngoái. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, vì giá cả cao hơn năm ngoái".

Nestle thành lập Hợp tác xã cho các nông dân trồng cà phê

Thông qua các nhà buôn trung gian, cà phê được chuyển tới những nhà chế biến nước ngoài như tập đoàn Neumann của Đức, tập đoàn xử lý, chế biến sàng lọc cà phê từ Việt Nam, Nam Mỹ cũng như châu Phi. Thomas Weiske, Giám đốc Neumann ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: „Chúng tôi hợp tác với nông dân và những nhà buôn trung gian".

Weiske kể, Câu chuyện thành công của cà phê Việt Nam mãi bắt đầu với việc tư hữu hóa công nghiệp". Tại Việt Nam, đất đai là của nhà nước. Nông dân thuê diện tích đất trong 50 năm, mỗi hộ gia đình trung bình được thuê 1,2 ha. Đối với nhiều gia đình thì việc trồng cà phê là nguồn thu nhập quan trọng nhất.

So với các đồng nghiệp ở Nam Mỹ thì những người trồng cà phê Việt Nam sướng hơn, vì họ được hưởng 95% doanh thu, những nhà buôn trung gian và các tập đoàn lớn chỉ được hưởng một phần nhỏ.

Weiske cho biết: "Việt Nam là một quốc gia cà phê non trẻ. Tại đây, ngay từ đầu nông dân đã có thể có được những thông tin quan trọng như giá thị trường thế giới". Giá thành sản xuất một tấn cà phê nguyên liệu vào khoảng 1.200 USD, người nông dân có thể bán được 2.000 USD, tương đương 1.600 Euro. Weiske ước tính bình quân một héc ta có thể cho thu hoạch 2,5 tấn cà phê.

Phần lớn cà phê được xuất khẩu sang Đức

Nền nông nghiệp với những nông dân nhỏ lẻ làm cho các tập đoàn lớn như Nestle tương đối khó bám trụ ở đây. Thị trường phân tán, khó mà mua được khối lượng cà phê lớn với cùng một giá. Vì vậy, từ vài năm nay, Nestle đã thành lập các hợp tác xã để có thể bỏ qua các nhà buôn trung gian và làm cho nông dân trung thành hơn. Vũ Quốc Tuấn, làm việc ở Nestle tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Trong quá khứ, chúng tôi khó mà mua đủ được cà phê của nông dân".

{keywords}

Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp nhà nước, không có những đồn điền cà phê lớn để những nhà chế biến quốc tế như Nestle có thể đặt hàng. Vũ Quốc Tuấn nhận xét: „Mỗi nông dân như một nhà đầu cơ nhỏ. Tất cả đều tàng trữ một ít cà phê và đặt hy vọng vào giá cả sẽ tăng. Đối với những người trồng cà phê thì cà phê hạt được tích trữ giống như một tài khoản ngân hàng. Khi nào nông dân cần tiền, họ lại bán ra một ít".

Nestle vận hành một nhà máy lớn ở tỉnh Đồng Nai, chế biến mỗi năm 45.000 tấn cà phê. Nakhle Kattan, Giám đốc nhà máy nói: „Chúng tôi xuất khẩu, nhưng cũng sản xuất cho tiêu dùng ở địa phương. Tuy theo thị trường mà pha trộn khác nhau. Ở Việt Nam, người ta uống cà phê rất đặc, có nhiều coffein. Vì vậy, quảng cáo ở lối vào của nhà máy có hàng chữ:"Cà phê đen cực mạnh"".

Nhưng chỉ một phần nhỏ trong 27,5 triệu bao cà phêthu hoạch năm 2013 được tiêu thụ ở Việt Nam. Theo con số thống kê của Hiệp hội cà phê Đức, năm ngoái có 19% sản lượng cà phê Việt Nam được xuất khẩu sang Đức. Từ nhiều thập kỷ nay, cà phê đã là nước uống yêu thích nhất của người Đức với tiêu thụ bình quần đầu người là hơn bảy cân cà phê nguyên liệu một năm.

Trong cà phê tan thường có cà phê Việt Nam

Nhưng không phải người ta uống hết cà phê Việt Nam ở đây. Holger Preibisch, Giám đốc điều hành Hiệp hội cà phê Đức cho biết: "Đức là vô địch thế giới trong xuất khẩu các sản phẩm cà phê. Vì vậy, một phần cà phê tiếp tục được chế biến ở Đức và xuất khẩu sang các nước khác".

Nhiều loại cà phê pha trộn hoặc sản phẩm cà phê tan có chứa cà phê nguyên liệu từ Việt Nam, nhưng không được ghi chú. Jan Nöther, một người làm việc ở Phòng Công thương Đức ở Istanbul, trước đây làm việc nhiều năm ở Việt Nam cho biết, Cà phê Việt Nam không có thương hiệu. Vì vậy, người tiêu dùng Đức thường không biết là họ uống cà phê ít nhất có một phần từ Việt Nam.

{keywords}

Nhiều khách hàng không biết trong Nescafe là cà phê nguyên liệu từ Việt Nam

Mặc dù nhu cầu gia tăng, Việt Nam trước hết chắc vẫn đứng thứ hai trong thị trường cà phê thế giới. Thomas Weiske nói: Chính phủ tìm cách kiểm soát việc trồng cà phê, không để tiếp tục gia tăng không có kiềm chế". Tuy nhiên, rất khó mà duy trì được diện tích trồng tối đa 630.000 ha hiện nay.

Röster Will Frith nói: "Trong ngành công nghiệp cà phê Việt Nam, số lượng được ưu tiên hơn chất lượng. Loại cà phê Robusta được trồng ở đây nhiều lúc cho sản phẩm nhiều gấp năm lần loại cà phê Arabica có chất lượng cao hơn". Nhất là khi giá cà phê cao, nhiều nông dân trồng cà phê tìm cách tăng sản lượng, kể cả việc họ trồng cà phê trong khu rừng nguyên sinh là nơi bị cấm.

Chiến tranh đã kìm hãm việc trồng cà phê

Ngay từ những năm 60 của thế kỷ 19, ở Việt Nam đã có cây cà phê. Trước hết cà phê được trồng cho các ông chủ thực dân Pháp. Gần 50 năm sau, đầu thế kỷ 20, một ngành công nghiệp cà phê được phát triển.

Trong những năm 90 có nhiều nhà máy cà phê với quy mô công nghiệp được thành lập, người ta đặt cược vào khối lượng lớn và lợi nhuận lớn".

Trong vòng vài năm, Việt Nam đã tăng thị phần trên thị trường thế giới lên hiện nay khoảng 19%. Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) có trụ sở ở Luân Đôn, trung bình mỗi năm ngành cà phê Việt Nam tăng lên 9% và sản xuất được 27,5 triệu bao cà phê vào năm 2013. Hiện có khoảng 2,6 triệu người làm việc trong ngành cà phê Việt Nam.

Cải thiện phương pháp trồng sẽ tăng sản lượng

Do diện tích trồng cà phê bị hạn chế, nông dân giờ đây tìm cách tận dụng tốt hơn diện tích canh tác của mình. Vũ Quốc Tuấn của hãng Nestle cho biết: chúng tôi hướng dẫn nông dân cách tưới khôn khéo để tăng sản lượng, mà không phải bón thêm phân".

Cả Nguyễn Khắc Chung cũng biết sự quan trọng của việc chăm sóc cây cà phê.Anh nói: Chúng tôi thường xuyên cắt đi những cành bị chết, nếu không, chúng sẽ thu hút sâu bọ tới".

Văn Long (Theo Thoibao.de)