Khu Bùi Viện được mệnh danh là "khu phố Tây" giữa lòng Sài Gòn. Hẻm 40 Bùi Viện là một con hẻm dày đặc các nhà trọ dành cho khách du lịch nước ngoài, ở đây hơi thở cuộc sống Sài Gòn được thể hiện muôn màu, muôn vẻ.

Hẻm 40 khá hẹp với chiều dài hơn 100m nối hai con đường chạy song song là đường Bùi Viện và đường Phạm Ngũ Lão hướng ra công viên 23/9. Khu vực này từ lâu là nơi thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài vì nằm ở vị trí trung tâm, rất tiện lợi để di chuyển đến những địa điểm nổi tiếng của Sài Gòn như chợ Bến Thành, Dinh Thống Nhất, Nhà hát Thành phố... Nắm bắt được nhu cầu của khách nên người dân ở con hẻm nhỏ này đã biến những ngôi nhà ở của gia đình mình thành các phòng trọ, nhà nghỉ phục vụ “khách Tây” với hàng trăm dịch vụ kéo theo khác.

{keywords}

Con hẻm nhìn từ phía đường Bùi Viện...

 

{keywords}

... Và từ phía đường Phạm Ngũ Lão

{keywords} 

Khách du lịch thường ngủ dậy khá trễ nên buổi sáng là thời khắc con hẻm này yên ả nhất. Theo những người dân sống từ lâu ở đây thì con hẻm này trước đây cũng khá lụp xụp. Nhưng sau này, khi nhu cầu thuê nhà nghỉ của "Tây ba lô" tăng cao, những người dân sống trong hẻm nâng cấp nhà ở để cho khách du lịch nước ngoài thuê và dần trở nên khang trang, lịch sự hơn.

{keywords}

Ngoài các khách sạn, nhà nghỉ hạng sang thì phổ biến vấn là nhiều “nhà trọ không tên” với giá phòng bình dân từ 12USD (khoảng 260.000 đồng)/đêm/ người. Vào thời kỳ thấp điểm, giá có thể rẻ hơn, chỉ khoảng 140.000 đồng. Tuy những nhà trọ này không được rộng rãi, nhưng lại rất hút khách vì giá rẻ và đặc biệt khi họ được trải nghiệm phong cách sống của người Việt.

{keywords}

Khi đi vào con hẻm nhỏ này có cảm giác rất đặc biệt khi từ bà cụ bán vé số đến anh lái xe ôm đều nói tiếng Anh bằng thứ tiếng "bồi" rất "Sài Gòn". Anh Nguyễn Hữu Đức làm nghề chạy xe ôm ở con hẻm này chia sẻ: “Mình đâu có học hành gì ngoại ngữ đâu, làm lâu thành quen. Chẳng hạn “Go restaurant?”, “where you go?”, chủ yếu nói giá cả sao cho đúng, còn xưng hô cứ dùng Sir (thưa ông) với Madam (thưa bà) là lịch sự rồi”. Khi hỏi có ngại nói tiếng Anh không chuẩn, anh Đức cười bảo: “Ngại gì, cứ nói bừa đi, Tây họ hiểu hết mà”.

 

{keywords}

Điều đặc biệt ở đây là những mặt hàng, dịch vụ đều được niêm yết giá rõ ràng, chính điều này đã tạo nên tâm lý thoải mái cho khách hàng.“Đừng tưởng Tây là giàu! Lắm khi tôi thấy họ còn... nghèo hơn người Việt mình nữa. Đặc biệt là những Tây ở chơi Việt Nam lâu, đến khi hết tiền, ban đầu thuê phòng đẹp giá cao, sau chuyển sang phòng giá còn bằng một phần ba”, bà Hoàng Lan, một chủ phòng cho thuê, cho biết.

 

{keywords}

Có nhiều người thường gọi vui “đây là phố hậu cần” vì những dịch vụ có ở đây luôn bám sát nhu cầu của khách, từ việc ăn, ở, đi lại đến cả những đồ dùng nhỏ nhặt như bàn chải đánh răng, xà bông... Cuộc sống gắn liền với những người khách Tây nên người Việt trong hẻm cũng trở nên quen thuộc với ngôn ngữ, lề lối sinh hoạt của khách du lịch. Các tiệm tạp hóa bán chai nước, hộp sữa cũng ghi bằng tiếng Anh.

{keywords}

Những "bar lề đường” trong hẻm thu hút nhiều khách du lịch vì nhiều đồ ăn ngon, giá cả lại phải chăng. Không chỉ phục vụ thức uống có cồn những quán ăn nhỏ rộng chừng 6 – 7m2 nàycòn có nhiều đồ ăn nhanh theo cả kiểu Tây lẫn kiểu Việt. Khách hàng khi gọi món được quan sát đầu bếp thực hiện các công đoạn từ chế biến đến khi hoàn thành món ăn. Vì không gian hẹp đôi lúc có những hàng quán không thể kê bàn, khách hàng có thể đứng ăn hoặc ngồi trên những ghế cao sát lề đường.

{keywords}

Nơi đây phần đông là khách du lịch, họ chỉ ghé qua dăm bữa nửa tháng. Tuy vậy, cũng có những khách Tây sống lâu năm. Anh Jamie, người Anh, đã sống ở con hẻm này 2 năm, anh nói: “Tôi thích nơi này vì ở đây cái gì cũng có sẵn, giá cả lại khá hợp lý, tôi cũng tìm thấy những chiếc mô-tô cho sở thích đi xa tìm hiểu những vùng đất mới của thành phố. Ở đây tôi thấy rất thoải mái và thân thiện”.

{keywords}

Những vị khách Tây có thể thoải mái ngồi trước những căn nhà trọ để hóng gió, tán gẫu, cảm nhận cuộc sống Sài Gòn trong con hẻm này như một người dân bản địa.

{keywords}

Tính cách của con người Sài Gòn là vậy thân thiện và dễ mến. Những khi thành phố lên đèn, khách du lịch ngồi trò chuyện rộn ràng với chủ nhà, người dân sống trong hẻm một cách vui vẻ bằng thứ tiếng Tây, tiếng Ta lẫn lộn. Người ta không thấy có khoảng cách nào giữa khách và chủ, người nước ngoài và người Việt Nam. Đó chính là nét hấp dẫn nhất của con hẻm này.

(Theo Trí Thức Trẻ)