Từ những sự cố hi hữu đến… rợn tóc gáy xảy ra ở các sân bay quốc tế của Việt Nam gần đây, người ta hãi hùng trước thông tin có đến 40% nhân viên kiểm soát không lưu có năng lực làm việc trung bình, yếu.

Chỉ trong vòng 3 tuần (từ 29-10 – 20-11), ngành hàng không đã để xảy ra liên tiếp hai sự cố đặc biệt nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến an toàn hoạt động bay. Một là vụ suýt “chạm trán” giữa một máy bay quân sự và một máy bay dân sự trên bầu trời sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) hôm 29-10 và vụ toàn bộ sân bay này tê liệt hơn một tiếng đồng hồ do… mất điện.

Sự cố lớn phơi bày sự thật đáng sợ

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, chất lượng kiểm soát viên không lưu hiện nay rất thấp cả về trình độ kỹ thuật lẫn ngoại ngữ. Đây được coi là một nguyên nhân gây ra sự cố hàng không thời gian qua.

Theo thống kê của Cục Hàng không VN, được chính cục trưởng Lại Xuân Thanh xác nhận, hiện nay 40% kiểm soát viên năng lực trung bình yếu, trong đó 8% yếu. Về năng lực tiếng Anh, 30% kiểm soát viên không lưu không đạt tiếng Anh level 4 theo tiêu chuẩn của ICAO áp dụng chung cho toàn thế giới (level 6 sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ).

{keywords}

Nhân viên điều hành bay phải làm việc với rất nhiều máy móc kỹ thuật phức tạp. Ảnh minh họa.


Bộ trưởng Thăng đánh giá đề án nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ bay của Tổng công ty quản lý bay cho thấy nguồn nhân lực của tổng công ty, trình độ kiểm soát viên không lưu còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức trách nhiệm nghề nghiệp của một bộ phận kiểm soát viên không cao, chưa thấy hết được tầm quan trọng công việc của mình.

Vì sao lại có một tỉ lệ nhân viên không lưu thiếu chuẩn như vậy lọt qua được cửa sàng lọc tuyển dụng của ngành hàng không? Trong khi đây là một ngành nghề đặc biệt, bởi nó vận chuyển hành khách, hàng hóa trong điều kiện kỹ thuật cao. Nếu xảy ra sự cố, không chỉ hậu quả nặng nề về nhân mạng, tài sản mà còn có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Trình độ thấp vẫn đảm nhận công việc kỹ thuật cao?

Dư luận thắc mắc: Tại sao các nhân viên điều hành bay dù trình độ còn nhiều cái phải bàn nhưng vẫn được tiếp tục đảm nhiệm công tác quan trọng?

Đặc biệt trong sự cố vừa qua, 4 kiểm soát viên điều hành vi phạm khoảng cách với máy bay quân sự huấn luyện là con cháu lãnh đạo Công ty quản lý bay miền Nam. Ông Đoàn Hữu Gia, Phó tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay VN, cho biết: “Ngành nào cũng có con cháu, không riêng gì ngành hàng không. Con cháu của TGĐ hay ai khi vào công ty cũng phải đáp ứng được năng lực và chịu trách nhiệm trước cơ quan. Chúng tôi đối xử bình đẳng với tất cả cán bộ nhân viên trong ngành”.

{keywords}

Kỹ thuật viên không lưu phải vừa chuyên nghiệp vừa giỏi ngoại ngữ mới có thể đảm nhận tốt vị trí

Trong trung tâm kiểm soát không lưu, ngoài máy móc thiết bị kỹ thuật hỗ trợ, việc điều hành chính vẫn là do con người. Nhân viên không lưu đóng vai trò quan trọng như đôi mắt của phi công. Họ là người trao đổi với phi hành đoàn, hướng dẫn, điều độ bay để đảm bảo an toàn cho mọi chuyến bay. Tất nhiên, việc trao đổi này phải tiến hành bằng tiếng Anh nên khả năng Anh ngữ phải lưu loát. Ngoài ra, điều hành bay còn phải nắm vững kỹ thuật, thực sự chuyên nghiệp và hiểu biết chuyên môn vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao vì chỉ cần sơ sót một giây là có thể đi ngay vài trăm mạng người.

Những vụ “chạy việc” vào sân bay

Một công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao như vậy bắt buộc quá trình tuyển dụng phải rất gắt gao. Tuy nhiên, thời gian qua người ta lại nghe quá nhiều về những vụ xin việc bằng “cửa hậu” để vào làm việc tại sân bay. Chưa có bằng chứng nào cho thấy đây là hiện tượng có thật, nhưng những vụ lừa đảo xin việc vào sân bay càng nhiều càng khiến người ta bất an vì tin đồn đó có bao nhiêu % là sự thật.

Theo anh Nguyễn Anh C. (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), vào tháng 9-2013, anh đã bị lừa mất 150 triệu đồng để xin một chân kiểm hàng trong sân bay Tân Sơn Nhất. Môi giới cho anh C. là cả một công ty tên gọi Công ty Cổ phần Sài Gòn Việt Mỹ, đóng tại đường Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình. Sau khi nhận tiền những việc không chạy được, giám đốc công ty này phải hứa sẽ…bán nhà để đền tiền cho anh C.

{keywords}

Được làm việc trong các sân bay là niềm mơ ước của nhiều người

Vụ siêu lừa Dương Thị Thái (Đông Anh, Hà Nội) bị bắt vì lừa đảo 11 người lo lót tiền cho Thái để nhờ xin việc làm nhân viên phục vụ mặt đất ở sân bay Nội Bài không phải là hiếm. Chỉ cần nói “có mối quan hệ với sân bay” là đủ khiến nhiều người tin tưởng có thể nhờ cậy xin việc.

Giá để “mua” một chỗ làm trong sân bay được đồn thổi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Trường hợp ứng viên không đủ tiêu chuẩn về chiều cao, ngoại ngữ thì phải “bù lỗ” thêm một khoản nữa. Theo lời hứa của những "siêu lừa", người muốn xin việc vào sân bay chỉ cần chi đẹp là có thể xin được bất cứ vị trí nào. Sau khi được tuyển dụng sẽ được huấn luyện và đi làm ngay, vài tháng là có thể sắm xe hơi… Những lời hứa hẹn ngon ngọt đó được Lưu Thị Diễm Hằng (30 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương) rót vào tai những "con mồi" của mình. Trước sau, Hằng đã bỏ túi được đến hơn một tỉ đồng tiền chạy việc vào sân bay cho rất nhiều người.

Vì sao thông tin lót tiền để nhờ người quen đưa vào “bất kỳ vị trí nào trong sân bay” lại lan truyền rộng và được người ta đặt nhiều niềm tin như vậy? Có hay không bên cạnh những tên lừa bịp là những đường dây móc nối thực sự có khả năng đó?

{keywords}

Tất cả công đoạn phục vụ cho một chuyến bay đều chỉ nhắm đến một mục đích: một chuyến bay an toàn, thoải mái cho mọi hành khách.

Không thể đem lý lẽ chưa có chính sách đào tạo nguồn nhân lực để lý giải cho sự hạn chế về trình độ của lực lượng nòng cốt này. Thiết nghĩ, việc làm đầu tiên cần có để thúc đẩy một chính sách nhân lực chính là đầu vào. Nếu khâu tuyển dụng thực hiện công khai, minh bạch, nghiêm túc ngay từ đầu, xét trên năng lực của người dự tuyển chứ không phải thân thế hay quan hệ hoặc lo lót tiền bạc thì chất lượng nhân lực trong ngành sẽ được đảm bảo, đồng thời những kẻ lợi dụng sự thiếu thông tin của người cần xin việc để lừa đảo kiếm chác cũng sẽ hết đất sống.

(Theo PLO)