Trong 25 năm, Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và hàng loạt dự án như Khu chế xuất Tân Thuận, KĐT Phú Mỹ Hưng, Cảng Container trung tâm Sài Gòn, KCN Long Hậu, KCN Hiệp Phước… đã góp sức đưa TP.HCM “Phát triển về phía Nam- hướng ra biển Đông”.
 
Chiến lược tiến ra biển Đông
 

TP.HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật đồng thời cũng là một đô thị đông dân nhất nước nhưng diện tích lại khá nhỏ, chỉ chiếm 0,06% diện tích của cả nước. Bên cạnh đó, khu lõi trung tâm thành phố vừa chật hẹp, vừa có mật độ dân số rất cao.
 
Trong khi đó, vùng đất phía Nam gồm: Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7… chiếm 2/3 diện tích của cả thành phố cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, nối liền đồng bằng Sông Cửu Long lại chưa được khai phá và phát triển đúng mức.
 
{keywords}
Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT), có công suất 1,5 triệu TEU/năm. Tác giả: Phạm Hữu Khánh.

Từ thập niên 80, đánh giá được tiềm năng và ưu thế của vùng đất này, các đồng chí lãnh đạo của Thành Ủy TP.HCM, UBND TP.HCM lúc bấy giờ chỉ đạo nghiên cứu hướng phát triển công nghiệp, đô thị của thành phố về hướng Nam.
 
“Và để thực hiện chiến lược trên, Thành phố đã đề ra chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài nhằm thu hút vốn, kinh nghiệm của các nước để phát triển Thành phố. Và cũng chính từ đó, Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) được thành lập để thực hiện nhiệm vụ hợp tác liên doanh với đối tác nước ngoài hoặc là chủ đầu tư các dự án phát triển công nghiệp, đô thị phía Nam Thành phố”, Ông Trương Văn Lắm - Trưởng Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng khu đô thị mới Nam Sài Gòn cho biết.
 
Sinh hoa kết trái
 
Trong 25 năm qua (1989-2014), các dự án IPC đề xuất, triển khai thực hiện theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội về phía Nam, hướng ra biển Đông ngày càng trở nên hiện thực, từng bước mở rộng không gian đô thị và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.HCM.
 
Khu chế xuất Tân Thuận, Nhà máy điện Hiệp Phước, Khu Công nghiệp Hiệp Phước…đi vào hoạt động đã ngầm khẳng định vùng đất Nhà Bè và cả phía Nam TP.HCM có đủ các yếu tố và điều kiện phát triển công nghiệp, góp phần thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Từ thành công của dự án khởi đầu là Khu chế xuất Tân Thuận, IPC bàn bạc với đối tác  CT&D cùng liên doanh dự án thứ hai xây dựng trên diện tích đất lớn hơn là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và Đại lộ Nguyễn Văn Linh.
 
Sau khi hoàn thành, Phú Mỹ Hưng trở thành khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, Đại lộ Nguyễn Văn Linh trở thành con đường huyết mạch rút ngắn khoảng cách nối kết, vận chuyển hàng hóa và giải quyết vấn đề giao thông rất quan trọng cho TP.HCM.
 
{keywords}
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Đại lộ Nguyễn Văn Linh - Những dự án chủ lực trên con đường “Phát triển về phía Nam - hướng ra biển Đông” của TP.HCM  mà IPC đã đầu tư. Tác giả: Trần Trúc Sơn.

Ngoài ra, IPC còn nghiên cứu và thực hiện nạo vét, sử dụng luồng Soài Rạp và tiến hành đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp Hiệp Phước đồng thờihợp tác với Tập đoàn P&O (Anh) thành lập Công ty Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT) xây dựng cảng container có công suất 1,5 triệu TEU/năm. Nhờ đó, ngày 17/5/2014, chuyến tàu Northenrn Genius, tải trọng gần 55.000 tấn đã vào cảng SPCT ở khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
 
Từ một vùng đất kém phát triển, môi trường đầu tư rất khó khăn, nay kinh tế Nhà Bè và quận 7 đã chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa thể hiện rõ thế mạnh các ngành kinh tế đô thị là công nghiệp - xây dựng - thương mại - dịch vụ. Cơ cấu lao động đang chuyển nhanh theo hướng giảm lao động nông nghiệp năng suất thấp, tăng công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
 
Yên Lam
 
(Nguồn: Kỷ yếu 20 năm thành lập Công tyTNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) “Tiến ra Biển Đông chặng đường 20 năm 1989-2009”)