Câu “tiền không mua được hạnh phúc” vẫn khiến nhiều người tranh cãi, nhưng chiều ngược lại thì sao? Tỷ phú Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng New York (Mỹ) khẳng định: “Hạnh phúc không mua được tiền".

Hôm 22/9, tờ Business Insider đưa tin, cựu Thị trưởng thành phố New York (Mỹ) Michael Bloomberg vừa có cuộc tranh luận với Ray Dalio, một trong những nhà quản lý quỹ đầu cơ thành công nhất mọi thời đại, trên một chương trình truyền hình của hãng tin Bloomberg.

Người dẫn chương trình Stephanie Ruhle đã hỏi Bloomberg về việc nhiều người trẻ tuổi hiện nay không muốn ngồi hàng giờ làm việc tại các ngân hàng đầu tư.

{keywords}

Tỷ phú Michael Bloomberg.

Tuy nhiên, ông cho rằng: “Lần cuối cùng tôi biết thì vẫn có hàng tấn người muốn làm việc tại ngân hàng Goldman Sachs”.

Sau đó, ông nói thêm: “Tôi luôn quan niệm rằng kiếm tiền không bao giờ là một việc dễ dàng. Nếu bạn muốn được trả tiền, bạn phải làm việc chăm chỉ. Tôi xin lỗi, nhưng sự thật là vậy, đó là chủ nghĩa tư bản”.

Tiếp sau, ông Ray Dalio cho rằng văn hóa là một yếu tố quan trọng trong quá trình cân nhắc chọn lựa nơi làm việc. Đáp lại, ông Bloomberg khẳng định không có bất cứ mối liên hệ nào giữa tiền bạc và hạnh phúc.

Ông nhấn mạnh: “Hạnh phúc không bao giờ có thể mua được tiền”.

Có lẽ đó cũng chính là điều đã giúp Michael Bloomberg trở thành một trong những người giàu có nhất trên thế giới với đế chế truyền thông có giá trị hàng tỷ USD mang tên ông.

Con đường không trải hoa hồng

Xuất thân trong gia đình trung lưu bình thường, từng bị đuổi việc và thất nghiệp ở tuổi 39, Michael Bloomberg đã nỗ lực không ngừng để có được thành công như ngày hôm nay.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins chuyên ngành kỹ thuật điện và lấy bằng MBA tại Đại học Harvard, năm 1966, Bloomberg bắt đầu làm việc cho hãng dịch vụ tài chính Salomon Brothers với lương khởi điểm chỉ 9.000 USD/năm với vị trí trong coi két sắt.

Tại đây, nhờ nỗ lực và thể hiện được khả năng làm việc, ông đã thăng tiến rất nhanh và đến năm 1972, Bloomberg trở thành nhân viên giao dịch trái phiếu và còn là cổ đông tại đây. Dù công việc rất vất vả, phải làm việc tới 12 giờ mỗi ngày, nhưng ông vẫn không ngừng nỗ lực. Vài năm sau đó ông trở thành trưởng bộ phận giao dịch cổ phiếu.

Đến năm 1979, ông Bloomberg đã giáng chức, bị buộc phải rời vị trí này để chuyển sang lãnh đạo mảng hệ thống máy tính mới thành lập.

Tuy vậy, không ai ngờ rằng đây chính là thời gian giúp ông có ý tưởng thành lập công ty riêng sau này.

Năm 1981, Bloomberg đã buộc phải rời Salomon Brothers và chính thức thất nghiệp ở tuổi 39. Tất nhiên, như với nhiều người khác, ông không thể tránh khỏi tâm trạng thất vọng và chán nản.

Ông nói: “Năm 1981, tôi chính thức thất nghiệp ở tuổi 39 khi bị mất công việc toàn thời gian duy nhất và cũng là công việc mà tôi yêu thích”.

Tuy vậy, ông không để cho mình có thời gian rảnh rỗi. Ông tâm sự: “Chỉ ngay ngày hôm sau, tôi quyết định chấp nhận rủi ro lớn mà hầu hết mọi người lúc đó đều nghĩ rằng tôi sẽ thất bại: đó là biến thông tin tài chính trở nên dễ dàng tiếp cận hơn ngay từ bàn làm việc của mỗi người. Ý tưởng này càng trở nên khó khăn hơn khi mà lúc đó máy tính cá nhân vẫn còn khá xa lạ với nhiều nhân viên văn phòng”.

Ông đã thành lập một công ty riêng mà sau này được đặt theo chính tên ông Bloomberg. Ban đầu, công ty phát triển một hệ thống máy tính cung cấp các thông tin tài chính. Công ty sau đó thành công vang dội và sớm hoạt động sang lĩnh vực truyền thông với 100 chi nhánh trên khắp thế giới.

Không chỉ thành công trong kinh doanh, năm 2002, Bloomberg chính thức bước chân vào chính trường khi trở thành Thị trưởng thứ 108 của thành phố New York. Sau đó ông tiếp tục được đắc cử tiếp 2 nhiệm kì. Đến năm 2013, ông rời vị trí Thị trưởng New York và dồn nhiều tâm sức hơn cho công tác từ thiện.

Ông đóng góp rất nhiều cho các quỹ về sức khỏe cộng đồng, môi trường, nghệ thuật và giáo dục.

Theo Forbes, tính đến năm 2013, Bloomberg có tài sản lên tới hơn 31 tỷ USD và là người giàu thứ 11 tại Mỹ.

Hồi tháng trước, Reuters đưa tin, ông Bloomberg sẽ trở lại ghế lãnh đạo đế chế truyền thông do ông sáng lập.

(Theo infonet)