Nghệ nhân Đoàn Giàu nổi tiếng bởi bộ sưu tập đá của anh cứ dần phong phú thêm qua thời gian, trong đó có những viên đá được xem là độc nhất vô nhị, đặc biệt hơn cả là viên đá có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh được anh quý hơn bất kỳ thứ tài sản nào, song đã bị đánh cắp một cách khó hiểu...

Cảnh giác với mọi người kể từ sau khi mất trộm viên đá cực quý

Đoạn đường chưa đến trăm cây số từ Đà Lạt xuôi Di Linh (Lâm Đồng) để đến nhà nghệ nhân Đoàn Giàu đối với cái “chân đi” như tôi quả là rất ngắn. Tuy nhiên, tôi lại có nỗi lo khác, nỗi lo ngoài con đường: Là gật đầu đồng ý cho tôi tới nhà trong điện thoại vậy thôi chứ biết đâu khi tôi đến nơi, anh lại viện lý do nào đó để từ chối cuộc tiếp xúc? Bởi nghe đâu dạo gần đây, sau khi viên đá có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh bị đánh cắp, Đoàn Giàu “không còn tin ai nữa”(?).

{keywords}

Nghệ nhân Đoàn Giàu với tác phẩm đá có hình chim phụng.


Ngôi nhà của nghệ nhân Đoàn Giàu nằm ở nơi giáp ranh giữa phố và quê nên không gian xung quanh vừa hiện hữu sự nhộn nhịp của đô thị nhưng đồng thời ẩn chứa sự heo hút của nông thôn miền núi. Tôi dừng xe trên con đường nhựa ngó vào ngôi nhà: Phía trong khuôn viên, ngoài một khoảnh sân rộng, ngôi nhà xây khá khang trang vắng tanh. Có hẹn trước nên Đoàn Giàu chuẩn bị sẵn hai ly càphê đen đặc theo gu dân nghiện càphê xứ núi chuyên canh càphê Di Linh. Nghệ nhân Đoàn Giàu tiếp khách quen không vồn vã nhưng cũng không phải là quá lạnh nhạt.

Cũng xin được nói thêm rằng, dẫu chẳng phải thân thiết đến mức không cần phải giữ khoảng cách trong xã giao nhưng giữa tôi với anh hoàn toàn không phải là người xa lạ đến mức phải nhất nhất tuân thủ lối xã giao khách khí; song, thú thực là trong lần gặp lại này, tôi thực sự cảm thấy ngột ngạt khi ngồi trước mặt anh - một con người bỗng dưng trở thành vừa quen vừa... lạ! Đoàn Giàu tỏ ra kiệm lời, đặc biệt là dường như anh có chút gì đó miễn cưỡng khi phải tiếp một người khách quen là tôi. “Có lẽ cú sốc về viên đá bị đánh cắp vẫn còn chi phối tâm trạng của anh!”, tôi thầm nghĩ.

Tôi gợi chuyện: “Thời gian gần đây, anh có tham gia những “cuộc” gì đó ở TPHCM không?”. Giọng anh vẫn đều đều: “Có lúc mình nghĩ thôi thì đành dứt với cái nghề đá cảnh này. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chuyện “đá” đã ngấm vào máu, dứt chả dễ. Bởi vậy, hễ mấy anh em dưới TPHCM có “cuộc” gì đó ới là mình cũng cố gắng tham gia. Tham gia để vừa có cớ vượt qua cú sốc, vừa xốc lại tinh thần để anh em Lâm Đồng không thấy mình yếu kém!”.

Nhấp ngụm càphê, tôi có vẻ hơi yên tâm nên gợi chuyện sâu hơn: “Ở Nam Tây Nguyên này, người ta bảo đá cảnh là nhất Đoàn Giàu. Gần đây, nghe bảo anh đi Quảng Ngãi...?”. Nhắc đến chuyến đi Quảng Ngãi, nghệ nhân Đoàn Giàu hào hứng hơn: “Chuyến đi khá dài ngày và cũng khá vất vả. Nhưng bù lại là mình có duyên nên tìm được một vài tác phẩm ưng ý. Hơn một tuần lặn lội, lúc về Quảng Ngãi “báo cáo” kết quả, mình trưng vài tác phẩm vừa tìm thấy, anh em đá cảnh ngoài đó... ngưỡng mộ vô cùng!”. Tôi có cớ để đề nghị: “Chắc là giá trị lắm! Anh cho tôi thưởng thức với!”.

Đến lúc này, Đoàn Giàu trở lại nguyên là người “say” đá cảnh: “Anh theo tôi...”.

{keywords}

Thiền” - tác phẩm vừa được sưu tầm trong chuyến đi tìm đá ở Quảng Ngãi.

 

Đá, đá và... đá - Nỗi đam mê tột cùng của nghệ nhân Đoàn Giàu

Đoàn Giàu đứng lên. Hai tách cà phê vẫn còn dang dở. Anh dẫn tôi vào phòng trong của ngôi nhà. Căn phòng không quá rộng nhưng cũng đủ để chứa vài trăm tác phẩm đá cảnh. Cảm giác đầu tiên của tôi là quá choáng ngợp. Nếu chỉ một mình “lạc” vào chốn này, căn phòng này, chắc chắn tôi không biết phải bắt đầu “nhìn ngó” từ đâu.

Đến lúc này, nghệ nhân Đoàn Giàu “ứng xử” với tôi thực sự như một người quen: “Đây này, chuyến đi gần đây nhất về Quảng Ngãi, mình có được hai tác phẩm này đây...”. Anh nâng một viên đá màu xám nhạt ngả xanh lên tay và hỏi tôi: “Anh có nhìn thấy những vệt màu trắng này không? Đây nữa, phía trên này còn có mấy nét trắng nhạt hơn...”. Thấy tôi nhíu mày, anh nói ngay: “Đây là “Thiền” - cũng là tên tác phẩm. Mảng màu trắng đậm ở phía dưới là hình ảnh một người đang ngồi thế kiết già đặt tay lên đầu gối. Phía trên, mảng trắng nhạt là “ảnh” của con người đó, cũng có thể hiểu đó là cái hồn của con người này đang “thăng”. Đây này, anh nhìn kỹ đi nào...”. Rất dễ nhận ra! Đến kẻ dốt đặc chuyện đá cảnh là tôi cũng nhận ra hình ảnh một con người mặc áo quần cổ xưa ngồi xếp bằng đăm chiêu và “hồn” của con người ấy đang lơ lửng ở phía trên. Quả là kỳ lạ! Với tôi, con người không mấy hiểu về giá trị của những viên đá, chỉ biết rằng tôi đang tự hỏi sao mà thiên nhiên lại có thể làm nên một tuyệt tác đến nhường này, một tuyệt tác mà rất có thể không có bất kỳ một họa sĩ vĩ đại nào trên thế giới có thể sáng tác nên. Thiên nhiên này quả là một họa sỹ có một không hai!

{keywords}

“Tung tăng” với hình con thiên nga bơi lội trên dòng nước.

 

Chưa hết, Đoàn Giàu còn khoe: “Với cái này, anh thấy nó là cái gì không?”. Tôi nhìn vào viên đá thứ hai trên tay Đoàn Giàu một cách... đắm đuối, nhưng tịnh, không nhận ra nó là cái gì. Anh lại giải thích: “Đây là tác phẩm thứ hai mình ưng ý trong chuyến đi về Quảng Ngãi vừa rồi. Anh nhìn xem đây này nhé... Chỗ màu trắng tương đối rõ nét là đầu con thiên nga. Phía sau, màu trắng nhạt hơn là cái đuôi của nó. Bên dưới là mấy đường sóng nước. Tôi đặt tên cho tác phẩm này là “Tung tăng”. Đó là con thiên nga đang tung tăng trên hồ nước”. Thú thực, nghe đến ngọn nguồn sự giảng giải của Đoàn Giàu, tôi mới nhận ra. Và, có điều, một khi đã nhận ra, tôi như thể vừa khám phá một điều vô cùng... kỳ bí mà tự nhiên “đánh đố” con người. Nếu là tôi, khi viên đá ấy rơi vào tay, tôi chỉ lật lên lật xuống, ngó qua ngó lại rồi... quẳng trở lại con suối! Đoàn Giàu trở nên hứng khởi: “Chuyến đi Quảng Ngãi vừa rồi có mấy anh em tham gia. Ai cũng có được một vài tác phẩm ưng ý. Riêng với mình, “Thiền” và “Tung tăng” là hai tác phẩm “bù” cho cả chuyến đi!”.

Nghệ nhân Đoàn Giàu không ngần ngại khi dắt tôi lên gian trưng bày phía trước. Thêm một lần nữa, tôi choáng ngợp trước những đá và đá. Anh bảo: “Ở đây, có cái cũ lẫn cái mới, cũng có những tác phẩm mình chưa kịp đặt tên hoặc đã đặt tên nhưng chưa hài lòng...”. Tôi như lạc vào... mê cung đá. Kiến thức “đá” gần như rỗng tuếch của tôi hoàn toàn không đủ để “cảm” được tác phẩm tâm huyết của nghệ nhân đá Đoàn Giàu nên mọi sự tôi đều cậy vào lối cắt nghĩa của người đàn ông trung niên mê đá như “điếu đổ” này. Tôi chợt hỏi: “Nghe bảo hồi đầu chơi đá cảnh, anh từng bán cả vườn cà phê...?”. Nghệ nhân Đoàn Giàu cười kiêu bạc: “Cũng đáng lắm chứ! Hồi thất chí, tôi gọi bán cả “gia sản đá”, có người đồng ý mua tiền tỉ, nhưng rồi tôi lại thôi...”.

Ấy là anh nói khiên tốn, chứ riêng viên đá cảnh có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, có người ra giá cho Đoàn Giàu trên dưới 1,5 tỉ đồng...

(Theo Lao Động)