Nhiều người cảm thấy xấu hổ khi hình ảnh người Việt bị bôi nhọ ở Nhật bởi lòng tham của một số cá nhân.

Vụ việc 6 người ăn cắp quần áo Uniqlo vừa bị bắt giữ tại Nhật đang gây xôn xao cộng đồng người Việt. Nhóm ăn cắp chuyên nghiệp gồm cả nam và nữ này được cho là đã hơn 100 lần thực hiện hành vi trộm đồ. Khi điều tra về tài khoản của một phụ nữ trong nhóm, cảnh sát phát hiện nhiều giao dịch hàng hóa trị giá tới 10 triệu yên (tương đương 1,9 tỷ đồng). Họ trộm đồ từ nhiều cửa hàng ở những khu vực khác nhau và bán hàng thông qua các trang mạng xã hội ở Việt Nam.

{keywords}

Vụ bắt giữ gần đây nhất với tài khoản gần 1,9 tỷ đồng. (Ảnh: ANN News)

Trước đó, vào cuối tháng 2/2014, nữ tiếp viên hàng không của Việt Nam cũng đã bị bắt vì tiếp tay cho hàng ăn cắp ở Nhật. Nữ tiếp viên 25 tuổi của Vietnam Airlines Nguyễn Thị Bích Ngọc đã bị cảnh sát Nhật bắt do bị nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp. Qua điều tra, cảnh sát còn phát giác thêm một nhóm nhân viên khác trên máy bay, bao gồm cả phi công và các tiếp viên khác cũng "nhúng chàm".

Đặc điểm chung của hai vụ việc trên là những kẻ ăn cắp lợi dụng tâm lý sính ngoại nhưng ham rẻ của một bộ phận người trong nước, nên tìm mọi cách để “tuồn” hàng ăn trộm về Việt Nam.

{keywords}

Tấm biển cảnh cáo dành cho người Việt. (Ảnh: Vietnamnet).

Có lẽ vì những vụ việc trên, một số cửa hàng kinh doanh ở Nhật phải viết những bảng cảnh cáo bằng tiếng Việt.

Lo ngại khi đưa hộ chiếu của mình

Mỹ An là du học sinh ở Nhật đã được 2 năm. Theo chia sẻ của An, chuyện ăn cắp của người Việt ở đây nhiều tới nỗi có khi cô không dám ngẩng mặt lên nhìn hàng xóm chỗ mình ở vì gần khu vực đó vừa xảy ra bắt giữ người ăn trộm.

An tâm sự, mỗi người khi ra nước ngoài đều là hình ảnh đại diện cho quốc gia đó. Đẹp hay xấu, họ đều để lại ấn tượng, nhưng thường cái xấu sẽ được nhớ đến nhiều hơn, lâu hơn: “Trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”. Cùng với những bạn trẻ khác, An đang cố gắng tạo ấn tượng tốt tới nước bạn nhưng cô không hiểu sao vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Quá thất vọng vì những lùm xùm không đáng có này, Ngọc Huyền cho hay bạn lấy làm xấu hổ vì thấy người Việt bị bêu tên khá nhiều. Theo Huyền, 1,2 lần còn có thể coi là cá biệt, chứ cách vài tháng lại có một vụ, thì không biết nước bạn nghĩ như thế nào?

Là một người chuyên đi du lịch sang xứ sở hoa Anh Đào, Nhật Minh bày tỏ, sau vụ việc này, anh lo ngại khi đưa cho nhân viên an ninh kiểm tra hộ chiếu. “Tôi rất sợ ánh mắt dò xét của tổ an ninh máy bay ở bên Nhật khi nhìn vào hộ chiếu của mình. Họ nghi ngờ và cẩn thận hơn là phải khi mà nhiều vụ ăn cắp của người Việt bị phát hiện”, Minh bức xúc.

Mua hàng xách tay là tiếp tay cho trộm

Một số bạn đọc nhìn nhận, mọi việc xảy ra đều có nguyên do, nếu không có cầu sao có cung và ngược lại. Hàng Nhật luôn được người trong nước tin tưởng về chất lượng và độ bền nên đã hình thành những đường dây ăn trộm hàng để tuồn về nước. Và người Việt trong nước vẫn vô tư sử dụng mà không biết đó là hàng ăn cắp. Đây là hành động đáng lên án. Đặc biệt, những người hiểu biết về thị trường sẽ thấy xấu hổ khi đang sử dụng những món đồ từ việc “biển thủ” tại các cửa hàng ở Nhật.

Huy Hoàng thể hiện rõ sự tức giận: “Mặc cái áo, cái quần nhờ ăn cắp mà có, thấy có đẹp không?”. Theo Hoàng, để hạn chế việc ăn cắp tại Nhật Bản, cũng như ở các nước khác, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần công khai danh tính, quê quán, lý lịch những tên trộm này trên các trang thông tin đại chúng và thông báo đến từng gia đình để những người này thấy ê mặt mà từ bỏ hành vi xấu xa. Bên cạnh đó, việc này còn có thể răn đe những kẻ khác.

Đồng thời, nhiều người cũng kêu gọi cộng đồng người Việt trong nước không dùng những hàng xách tay từ Nhật Bản mà không rõ nguồn gốc. Như vậy sẽ bớt được tình trạng ăn trộm, ăn cắp bởi không có người mua, thì việc trộm cắp để bán chui sẽ bị hạn chế dần và biến mất hẳn.

(Theo Zing)