Làn sóng thị hiếu thị trường vô tình đẩy những linh vật ngoại lai trở thành sản phẩm chủ đạo được chế tác, kinh doanh tại làng nghề đá lớn nhất nước này.

Vắt qua 3 thế kỷ, gần 500 hộ điêu khắc, chế tác cùng hàng ngàn lao động… Làng đá Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) - vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - bỗng giật mình trước quy định “siết” linh vật ngoại lai của Bộ VH - TT&DL.

Làn sóng thị hiếu thị trường vô tình đẩy những linh vật ngoại lai trở thành sản phẩm chủ đạo được chế tác, kinh doanh tại làng nghề đá lớn nhất nước này.

Lân, nghê thuần Việt đâu rồi!

Dọc đường Lê Văn Hiến, rẽ xuống Huyền Trân Công Chúa, ra mạn Nguyễn Duy Trinh, kéo dài sang đường Trường Sa ôm một vòng cung quanh khu du lịch Ngũ Hành Sơn, khắp các cơ sở làng nghề, đâu đâu cũng bày bán nhan nhản hàng chục cặp sư tử, lân đủ mọi kích cỡ, màu sắc.

{keywords}

Tràn ngập linh vật ngoại lai ở làng nghề di sản Non Nước.

Bước vào cơ sở điêu khắc Xuất Ánh (đường Trường Sa), đập vào mắt người dân, du khách là những cặp sư tử cao gấp 2-3 thân người, sừng sững, dáng vẻ uy dữ. Dọc lối hành lang qua khu trưng bày trên khu đất diện tích 700m2 khó đếm hết cơ man đủ loại lân, nghê, sư tử lớn nhỏ.

Ông Trần Văn Xuất, chủ cơ sở này, bảo: những mặt hàng từng làm nên “thương hiệu” của làng đá Non Nước. Đủ các loại mẫu mã, nguồn gốc, nhưng nhìn chung đều thuộc dòng “ngoại lai” châu Âu đến lân cận như Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Xuất cho rằng: có chăng đó là sự kế thừa, học hỏi, kết tinh tinh hoa của những người thợ điêu khắc để làm nên những sản phẩm, mẫu mã cho đơn vị mình và theo thị hiếu của người mua. Gần 40 năm gắn bó với nghề điêu khắc, theo ông Xuất, ngày mới chập chững vào nghề, ở làng đá Non Nước này các ông Bích quẹo, ông Tỏi (mất cách đây khoảng 20 năm) đã tự tay đục đẽo, chế tác các loại linh vật này.

{keywords}

Thợ điêu khắc, chế tác những chi tiết cuối của linh vật

Khá khó để phân biệt giữa mẫu mã các loại linh vật “ngoại lai”. Cách nhận diện theo kiểu lân, sư tử Trung Quốc có khuôn mặt bầu bĩnh dữ dằn hơn linh vật kiểu mẫu Anh, Pháp. Còn với mẫu lân, nghê thuần Việt, thật khó để tìm được mẫu nguyên bản. Nhìn chung nó có ít chi tiết, đơn giản hơn - ông Xuất phân tích.

Tìm hỏi các cơ sở chuyên doanh, chế tác đá tại Non Nước, hầu hết chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu khi tìm mẫu lân, nghê thuần Việt.

Các đường dẫn tư vấn được chỉ chọn cho các mẫu sư tử, lân Trung Quốc dùng canh mộ, canh tư dinh, công sở từng vào hàng “hót”, bán chạy trên thị trường.

“Lân, sư tử Trung Quốc hình dáng, mặt mày dữ tợn, được đặt ở trước các cửa ra vào công sở, nhà dân sẽ có tác dụng tránh tà, ngăn cản sát khí”, chị Hương, bán hàng cơ sở gần lối vào khu du lịch Ngũ Hành Sơn nói như rất rành phong thủy.

Tùy kích cỡ, màu sắc, từng cặp lân, sư tử Trung Quốc có giá khác nhau. Đắt nhất mẫu đá trắng. Con cao nhất chừng 3m, có giá trên dưới 200 triệu đồng, loại khoảng 2m, có giá 100 -150 triệu đồng, loại vừa vừa có giá vài chục triệu đồng.

Thuộc hàng “đắt đỏ” nhưng sản phẩm lân, sư tử Trung Quốc nhiều năm nay là nguồn thu chính cho chủ các cơ sở điêu khắc và người thợ chế tác đá bởi nhu cầu mua lớn. 3 thợ chính, làm ròng rã 3 tháng trời mới có thể hoàn chỉnh một sư tử đá kiểu Trung Quốc hạng “khủng” chiều cao trên 3m.

“Hầu hết việc chế tác vẫn còn mang tính thủ công, con càng lớn, phải đục đẽo tay chân càng nhiều vì máy móc khó can thiệp. Nguyên liệu đá bây giờ được lấy chủ yếu từ các mỏ đá ngoài Nghệ An”, ông Xuất nói.

Chủ cơ sở điêu khắc Nghĩa Diệu (Ngũ Hành Sơn) cho hay: linh vật ngoại lai thu hút nhiều đối tượng khách hàng. Không chỉ người dân, các cơ quan công sở mà đến nhiều nơi thờ tự, họ tộc, chùa chiền cũng đặt mua để trang trí hoặc mang yếu tố tâm linh. “Thời hoàng kim” vài tháng trước, đơn vị xuất bán cả chục cặp mỗi tháng là chuyện thường.

Trăn trở thị trường

Tiếng máy cưa cắt, đục đẽo rền vang khắp làng nghề. Tuy nhiên, khác với cảnh từng tốp thợ điêu khắc miệt mài chỉnh sửa các chi tiết trên khối đá chế lân, sư tử chuẩn bị hình hài, nhiều cơ sở chuyển sang các mặt hàng tạc nhân tượng, đồ đá trang trí…

Thông tin Bộ VH-TT&DL yêu cầu “dọn dẹp” linh vật ngoại lai tại các công sở, chùa chiền, tháp tự tác động tới hoạt động của làng nghề. Anh Thọ, cơ sở đá mỹ nghệ Thọ Hồng (làng đá Non Nước) bảo: thấy mặt hàng linh vật ngoại lai bán chạy, các cơ sở đua nhau chế tác, đầu tư hàng chục cặp lớn để dự trữ hàng nhưng hơn 2 tuần nay, chẳng khách nào đến đặt mua. Khác với trước đây, trung bình mỗi tuần tiếp đến vài ba mối đến liên hệ.

Gần chục năm gắn bó với nghề đá Non Nước, anh Thọ lo lắng bởi sức mua làng nghề giảm sút. Theo ông Xuất, cơ sở hiện còn 50-60 cặp sư tử Trung Quốc, 80 cặp lân. Bình thường mỗi tháng trước đây, đơn vị xuất bán được 20-30 cặp sư tử nhưng với đà này chỉ bán được 5-7 cặp là may mắn.

Là một trong năm cơ sở chuyên doanh đá lớn nhất của làng đá Non Nước, với 2 cơ sở cùng đội ngũ gần 50 thợ điêu khắc lành nghề, ông Xuất cho rằng, nếu linh vật ngoại lai khó bán sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người thợ. Hiện, mỗi tháng thợ chính thu nhập trung bình 5 triệu đồng. Anh Trần Hữu Nhật (Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn), người thâm niên gần 20 năm theo nghề chế tác đá bộc bạch: lâu nay chủ, khách hàng đặt chi làm nấy, chẳng mấy ai để ý lân, sư tử theo mẫu mã từ đâu, nước nào.

Bản thân mỗi người thợ, cơ sở có sự phá cách, tìm những đường nét, chi tiết riêng để tạo độ tinh xảo, sắc nét gây ấn tượng với khách hàng. Khác với các thợ đá tạc tượng Phật, Chúa thành từng nhóm riêng, những người thợ chế tác lân, nghê, sư tử gộp chung một đội. Nguồn hàng giảm, số lượng ít chắc chắn nhu cầu cần thợ cũng cạn dần - anh Nhật lo lắng.

Ông Nguyễn Việt Minh - Chủ tịch Hội Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, cho hay: làng nghề có tuổi đời, quy mô thuộc diện lớn, lâu đời nhất nước.

Hiện làng đá Non Nước có khoảng 500 hộ sản xuất, kinh doanh với trên dưới 4 ngàn lao động. Qua bao thăng trầm, làng nghề phát triển, ngày càng mở rộng nhờ gắn với nhu cầu, thị hiếu của thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm.

{keywords}

Ông Xuất bên mẫu lân, sư tử Trung Quốc

Do đó, việc tiếp thu, kết tinh những tinh hoa điêu khắc là điều cần thiết. Từ lâu, những hình mẫu linh vật ngoại lai như sư tử Anh, Pháp; lân nghê Trung Quốc… được du nhập vào làng nghề một cách tự nhiên tạo công ăn việc làm và là nguồn thu chính. Theo ông Huỳnh Chín, Trưởng ban quản lý Làng đá mỹ nghệ Non Nước, 70% các cơ sở làng đá đều sản xuất, chế tác kinh doanh linh vật ngoại lai.

Bài toán “siết” linh vật ngoại lai chắc chắn ảnh hưởng tới đời sống làng nghề. Ông Chín cho rằng: làng nghề không chỉ đứng trước thách thức của làn sóng thị trường, khi có lệnh trục các linh vật ngoại lai ra khỏi đền, chùa, miếu mạo, công sở mà còn phải đối mặt với tình trạng các mặt hàng sản phẩm lưu niệm thay vì chế tác trực tiếp tại làng nghề lại được các cơ sở nhập hàng từ Trung Quốc về bán vì mẫu mã đa dạng, giá rẻ.

Đơn cử như vòng đá, ở Trung Quốc người ta sản xuất dập khuôn mỗi mẻ hàng ngàn cái, trong khi ở mình phải làm thủ công, tiện gọt từng cái rất tốn thời gian, chi phí. Thậm chí nhiều mẫu lân, sư tử được nhập về từ Trung Quốc để bày bán tại làng nghề.

Tìm lại bản sắc

Nhà điêu khắc - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Long Bửu (chủ cơ sở đá Long Bửu) mân mê bức ảnh mẫu lân thuần Việt. “Mẫu lân có từ thời Nguyễn, đường nét đơn giản. Nhưng tùy theo nhu cầu khách hàng nếu để chùa chiền, nơi thờ tự mình sẽ phác mẫu theo nguyên bản, còn làm trang trí, để canh cửa ở nhà dân, công sở, nhà vườn… tôi sẽ cách điệu, nhưng vẫn giữ được bản sắc, thần cốt của nó”, ông Bửu nói.

Dù làn sóng linh vật ngoại lai tràn vào làng nghề, nhưng ông Bửu từ lâu tìm ngã rẽ riêng, nặng lòng theo dấu các mẫu linh vật thuần Việt. Ông Bửu bảo: khách hàng thích linh vật ngoại lai không chỉ bởi tính phong trào, đôi khi họ không hiểu hết mẫu vật này từ đâu. Dáng vẻ bề ngoài dữ tợn, đường nét cầu kỳ, nhiều chi tiết nên linh vật ngoại lai dễ thu hút khách hơn. Tuy nhiên, giá trị linh vật thuần Việt không thể phủ nhận. Vấn đề, người điêu khắc phải tôn tạc cho ra các vẻ đẹp, thổi hồn vào từng khối đá.

Theo ông Minh, làng nghề vừa được công nhận Di sản phi vật thể, việc bảo tồn, phát huy các giá trị của làng nghề quan trọng. Muốn thế, từng người thợ, chủ cơ sở điêu khắc cần phải nghiên cứu văn hóa, lịch sử, tay nghề điêu luyện, công phu...

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng cho rằng: Đà Nẵng phải từng bước giải quyết những thách thức đang tồn tại ở Non Nước như sử dụng công nghệ, hóa chất gây ô nhiễm môi trường, du nhập văn hóa ngoại lai… để làng nghề trở về bản sắc thuần Việt vốn có.


(Theo Tiền phong)