Tại làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình), hàng chục cặp sư tử đá “ngoại lai” đã thành hình đều ế ẩm vì không còn người mua.

Về làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân vào đúng dịp kỷ niệm 400 năm ngày giỗ tổ nghề - 16/8 âm lịch (tức ngày 9/9 dương lịch), trải qua bao thăng trầm, nghề chế tác đá mỹ nghệ vẫn là nghề đem lại thu nhập chính, nghề làm giàu cho người dân xã Ninh Vân. Đây được coi là địa chỉ sản xuất và cung cấp sư tử đá “ngoại lai” lớn nhất miền Bắc.

Tuy nhiên, ngày giỗ tổ nghề diễn ra trong bối cảnh sư tử đá kiểu Trung Quốc, một trong những mặt hàng từng bán chạy nhất nơi đây không còn được ưa chuộng trên thị trường, đặt ra cho làng nghề phải tìm một hướng đi mới. Điều đáng lưu ý là nguyên nhân khiến nhu cầu giảm được người dân biết đến nhờ đọc báo mạng chứ họ chưa được tiếp cận với công văn khuyến cáo không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam của Bộ VHTT&DL, cũng như chưa có sự chỉ đạo trực tiếp nào từ các cơ quan chức năng địa phương.

Dừng chế tác sư tử đá “ngoại lai”

Dọc hai bên đường đi vào khu sản xuất của xã Ninh Vân, xen lẫn với những đồ thờ, lăng mộ, bình phong... là hàng chục cặp sư tử đá kiểu Tây lẫn kiểu Trung Quốc.

Một số chủ sản xuất các cơ sở chế tác đá ở Ninh Vân cho biết, đó là những con sư tử được làm từ lâu rồi, vì “ế”, không có người mua nên vẫn được để ngoài đó làm hàng quảng cáo. “Trước đây, sư tử đá Trung Quốc là một trong những mặt hàng bán khá chạy. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhu cầu thị trường giảm hẳn. Nhất là khi Bộ khuyến cáo không sử dụng các loại sư tử ngoại lai, chúng tôi đã dừng sản xuất mặt hàng này”, anh Đỗ Đình Thủy, thuộc doanh nghiệp chế tác đá Đỗ Thủy ở Ninh Vân cho biết.

{keywords}

 Những cặp sư tử đá “ngoại lai” đã thành hình đều ế ẩm vì không còn người mua

Hàng chục cặp sư tử đã thành hình tuy được bày, nhưng cũng chẳng ai đoái hoài. Còn những con sư tử đang được tạc dở, mới thành khối cũng bị dừng lại.

Anh Trương Công Định, chủ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Định Hương tiếc nuối nhìn hai khối đá lớn đang sắp dần thành hình một đôi sư tử cỡ lớn sẽ có giá đến 45-50 triệu nếu hoàn thiện, nói: “Có khách đặt mua rồi, nhưng không lấy, chúng tôi phải bỏ đấy hoặc tính đến chuyện đẽo thành sản phẩm khác. Sau công văn của Bộ, lượng khách đặt hàng sư tử kiểu Trung Quốc giảm đáng kể. Những khách đã đặt rồi, chúng tôi chấp nhận ‘ưu đãi’ tới 4-5 triệu một đôi so với trước”.

Mặc dù chưa tận tay nhận được công văn của Bộ VHTT&DL nhưng qua internet, nhiều hộ cùng sản xuất mặt hàng này tại Ninh Vân cũng đã nắm rõ tinh thần, và hiện tại, hầu hết các cơ sở sản xuất đều dừng chế tác sư tử đá “ngoại lai”.

{keywords}
Cặp sư tử đá Trung Quốc của cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Định Hương sẽ không bao giờ được hoàn thiện

Linh vật Việt được khuyến khích sản xuất

Những tưởng việc ngừng sản xuất sư tử đá “ngoại lai” vốn là một trong những mặt hàng bán chạy ở Ninh Vân sẽ khiến các cơ sở mỹ nghệ khốn đốn, nhưng đến giờ làm việc, những người thợ vẫn cặm cụi bên những khối đá, cưa xẻ, đẽo gọt để cho ra những sản phẩm đá mỹ nghệ khác đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Quang Diệu, trưởng Ban quản lý làng đá mỹ nghệ Ninh Vân cho biết, sản phẩm truyền thống của làng từ xưa đến nay vẫn là đồ thờ, lăng mộ, bình phong… Sư tử đá “ngoại lai”, đặc biệt là sư tử kiểu Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10% mặt hàng sản xuất. Các hộ làm chủ yếu theo đơn đặt hàng, vì thế thu nhập không bị ảnh hưởng quá nhiều. Những con đã sản xuất rồi, không bán được thì để đó cho có hàng.

Bên cạnh đó, người dân sẽ nghe ngóng thị trường và nhu cầu để chuyển hướng sang chế tác những linh vật thuần Việt như nghê đá, chó đá. Những người làm nghề lâu năm ở Ninh Vân cho biết, vẫn phân biệt được đâu là linh vật truyền thống, đâu là sư tử Tây, Trung Quốc…, nhưng vì làm theo nhu cầu khách hàng, chỉ một số ít những người thực sự hiểu biết mới đặt hàng linh vật Việt.

{keywords}
Các doanh nghiệp đá ở Ninh Vân cho biết, họ sẵn sàng chuyển đổi sang các mẫu linh vật truyền thống nếu thị trường có nhu cầu. Hình ảnh con nghê Việt Nam dù ít ỏi những đã hiện diện ở làng đá.

Doanh nghiệp chế tác đá Đỗ Thủy của anh Thủy, hay cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Định Hương của anh Định, cùng nhiều cơ sở khác mặc dù chưa tiếp cận được với những mẫu linh vật thuần Việt do Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm giới thiệu, nhưng họ cho biết, sẵn sàng chuyển đổi sang các mẫu linh vật truyền thống nếu thị trường có nhu cầu.

Anh Trương Công Định khẳng định: “Mình không thể cứ làm những sản phẩm mà người ta gọi đó là thuộc văn hóa ngoại lai mà nên làm những thứ của riêng mình. Tôi đã lên kế hoạch về việc chế tác một số sản phẩm thuần Việt, tham khảo mẫu ở các khu văn hóa cổ, các di tích. Con những con sư tử Trung Quốc đã làm, tôi xác định bỏ luôn”.

Trong khi trên một số trang web giới thiệu sản phẩm đá mỹ nghệ còn khiến người xem nhầm lẫn về nghê Việt và sư tử đá Trung Quốc, nhiều chủ cơ sở sản xuất hứa hẹn sẽ sửa đổi thông tin để giúp khách hàng của mình nhận biết rõ đâu là linh vật Việt.

Còn trưởng Ban quản lý làng đá mỹ nghệ Ninh Vân tự tin nói rằng, với tay nghề của những người thợ ở đây, họ hoàn toàn có thể chế tác được những mẫu linh vật thuần Việt thay cho những con sư tử đá kiểu Tây và Trung Quốc.

(Theo VOV)