Chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh McDonald’s đã có một khoảng thời gian tồi tệ khi báo cáo kinh doanh tháng 7 cho thấy doanh số của Tập đoàn đã sụt giảm 2,5% sau những mối lo ngại về sức khỏe trước bê bối nhà cung cấp thịt hết hạn từ Trung Quốc.

Tác động của bê bối trên lớn đến mức hãng đã buộc phải đưa ra cảnh báo “nguy hiểm” cho doanh thu cả năm 2014. Hiện nay, một số nhà hàng ở Trung Quốc chỉ có thể bán nước ngọt và khoai tây chiên do hậu quả trực tiếp của vụ bê bối.

Trước đó, các nhà phân tích dự đoán doanh số toàn cầu của McDonald’s sẽ sụt giảm khoảng 1,1%. Nhưng con số 2,5% rõ ràng đã vượt xa dự đoán và khiến tháng 7/2014 trở thành tháng kinh doanh tệ nhất kể từ tháng 3/2003. Trong đó, nặng nề nhất là từ thị trường Mỹ với mức giảm 3,2% và Trung Quốc là 7,3%.

Trong khi bê bối thịt quá hạn từ Trung Quốc còn chưa lắng xuống, 400 nhà hàng của McDonald’s ở Nga lại phải đối mặt với nhà chức trách nơi đây khi đứng giữa chiến tranh trả đũa Nga-Mỹ sau một loạt bất đồng và bị Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tố cáo hãng đã vi phạm các tiêu chuẩn an toàn. Trong một cuộc kiểm tra nhà hàng McDonald’s tại Veliky Novgorod hồi tháng 5 vừa qua đã phát hiện ra món salad Caesar có chứa vi khuẩn E.Coli và một lượng các loại vi khuẩn khác gấp 10 lần giới hạn cho phép. Cơ quan giám sát khẳng định đây là bằng chứng cho thấy chế độ khử trùng và vệ sinh ở McDonald’s đã bị lơ là.

{keywords}
Doanh số của hãng ăn nhanh giảm mạnh

Không chỉ có sức ép từ các vụ bê bối, McDonald's còn phải vật lộn để thúc đẩy doanh số bán hàng trong bối cảnh cạnh trạnh ngày càng gay gắt từ các thương hiệu như Chipotle hay chuỗi bánh mì kẹp Five Guys cũng như những đối thủ truyền thống như Taco Bell, Burger King đang chứng kiến doanh số bán hàng vẫn đang tăng lên. Báo cáo khảo sát người tiêu dùng gần đây củaTechnomic đã xếp hamburger của McDonald’s là tồi tệ nhất trong khi khách hàng ưa thíchWendy’s, Burger King hơn.

Công ty đang cố gắng xoay chuyển tình thế bằng cách đơn giản hóa thực đơn, đẩy mạnh dịch vụ khách hàng và thêm lựa chọn lành mạnh vào thực đơn. Công ty cũng cố gắng đánh mạnh vào nhóm khách hàng trong độ tuổi 19-30 vì tin rằng khách hàng trẻ sẽ trung thành với đồ ăn nhanh hơn người lớn tuổi. Nhưng theo Advertising Age, chính nhóm tuổi này không hề liệt kê McDonald’s vào danh sách 10 chuỗi nhà hàng được yêu thích nhất hồi năm ngoái. Dịch vụ khách hàng của hãng bị chê là tồi tệ với báo cáo từ Wall Street Journal cho hay: nhiều khách hàng phàn nàn nhân viên của hãng là “thô lỗ và thiếu chuyên nghiệp” trong khi người lao động và công đoàn đang gây sức ép để cải thiện tiền lương. Theo Fox News, mới đây một khách hàng có tên Charleigh Matice đã cảm thấy bị xúc phạm khi mở chiếc bánh sandwich ra thì thấy biểu tượng chữ thập ngoặc của Đức quốc xã được vẽ lên bánh bằng bơ. Không những vậy, thực đơn “ít béo” của hãng cũng bị chỉ trích tơi bời khi món rau trộn lại nhiều hơn đến 7g chất béo so vớimón hamburger thông thường.

Theo nhận định của Forbes, McDonald’s đang bước vào một giai đoạn được gọi là Growth Stall- xảy ra khi một công ty có hai quý sụt giảm doanh số liên tiếp hoặc hai quý liên tiếp có doanh thu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, có thể coi là một giai đoạn trì trệ với sức trượt dài. 93% các doanh nghiệp nằm trong giai đoạn này rất khó duy trì sức mạnh ngay cả khi họ vẫn đạt tăng trưởng 2%, 65% sẽ đánh mất một nửa giá trị thị trường của mình chỉ trong vài năm và 95% sẽ mất khoảng 25% giá trị thị trường. Chiến thuật mở cửa hàng cả trong dịp Giáng sinh cũng không đủ khỏa lấp tác động tiêu cực từ nỗi lo ngại về nạn béo phì và thừa cân đang tăng nhanh. Và những bê bối ở Trung Quốc hay Nga lại càng gia tăng các vấn đề McDonald’s nói riêng và ngành kinh doanh đồ ăn nhanh nói chung đang phải đối mặt.

(Theo SM)