"Phải làm rõ sức đề kháng của kinh tế Việt Nam trong một thế giới biến động như hiện nay. Trong tình hình này, phải có sáng tạo, đổi mới. Liệu Việt Nam có năng lực để làm 1 công cuộc đổi mới để quốc tế ngưỡng mộ như cuộc đổi mới năm 86 – 90 hay không? TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi.

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang dưới mức tiềm năng. Nền kinh tế phải sớm thay đổi mô hình phát triển, đồng thời, phải tính toán rõ và lường trước sức đề kháng của nền kinh tế đến đến đâu trong bối cảnh các quan hệ kinh tế quốc tế có thể căng thẳng.

Phục hồi mong manh

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam hóm hỉnh nói: "Dự báo tăng trưởng năm nay của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP- Đại học Kinh tế Hà Nội) gây xúc động "ác" chứ không đùa, bởi con số đã xuống đến mức thấp bất ngờ. Điều này sẽ cần phải được giải thích cẩn thận".

Tại buổi công bố Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam lần thứ 6 của VERP vừa qua, mức tăng trưởng kinh tế năm 2014 cao nhất được dự báo chỉ đạt 4,88% và lạm phát chỉ đạt 5,51%. Trong khi đó, theo kịch bản cơ bản, tăng trưởng GDP cũng sẽ chỉ đạt 4,15% và lạm phát 4,76%.

{keywords}
Nhiều dự báo tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn.

Các mốc này đều cách xa so với mục tiêu lạm phát dưới 7% và GDP khoảng 5,8% mà Chính phủ đề ra hồi đầu năm.

Trước đó, hôm 7/4, Ngân hàng Thế giới cũng đã dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Việt Nam sẽ ở mức khiêm tốn, nhưng cũng là mức 5,5%. Nếu như, các dự báo của VERP diễn ra trên thực tế thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay tụt xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến một kịch bản kinh tế mang màu sắc bi quan như vậy. Theo VERP, bên cạnh những rủi ro có thể gặp phải do quan hệ kinh tế với bên ngoài căng thẳng thì có nguyên nhân nội tại, là năng lực sản xuất căn bản của nền kinh tế - gốc rễ của sự phục hồi- vẫn chưa thực sự vững chắc. Khối doanh nghiệp trong nước vẫn đang tỏ ra yếu đuối và tụt hậu, chưa tìm được hướng đi và thị trường. Do đó, các hoạt động kinh tế quay trở lại vẫn còn rụt rè.

Đáng chú ý, có một sự thất vọng trong các nhận định của nhóm nghiên cứu khi nhấn mạnh, các khuyến nghị chính sách về tái cấu trúc nền kinh tế đã được đưa ra từ cuối năm ngoái, nhưng rốt cục, đến hết năm vừa qua, vẫn chưa có sự xuất hiện động thái chính sách khả dĩ nào cho vấn đề này. Việc chỉ xử lý duy trì môi trường vĩ mô ổn định, khôi phục niềm tin tiêu dùng là chưa đủ nếu không xử lý các vấn đề nền tảng.

Trước các dự báo này, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương băn khoăn, cần rạch ròi việc dự báo. Một mặt khẳng định sự phục hồi kinh tế từ giữa năm 2013 có vẻ mong manh nhưng mặt khác, dự báo lại cho kết quả, tăng trưởng vẫn tiếp tục thụt lùi. Vậy thì đà phục hồi ở đây là như thế nào? Ông cũng đồng tình,ngay cả mức dự báo 5,5% của các tổ chức quốc tế cũng là một mức tăng trưởng yếu ớt.

Sức đề kháng của nền kinh tế đến đâu?

TS Võ Trí Thành lo ngại, trước ta chưa có cú sốc ở bên ngoài. Giờ, nếu có cú sốc từ bên ngoài thì sẽ tác động bao nhiêu % đến nền kinh tế Việt Nam? Đây là điều cần phải được tính toán, nghiên cứu sâu hơn trong báo cáo kinh tế.

TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cũng chia sẻ, câu hỏi mở trong đầu tôi là đánh giá sức chịu đựng của nền kinh tế đến đâu? Hiện nay, năng suất lao động thấp, chỉ 2% chưa đủ bù đắp cho cắt giảm đầu tư và suy giảm kinh tế. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, không bù đắp được sụt giảm vừa qua, dẫn đến thất nghiệp do không giải quyết được việc làm. Kèm theo đó, giảm tiêu dùng..., dẫn đến bất ổn xã hội, suy giảm niềm tin, càng dẫn đến tăng trưởng thấp.

"Có 2 câu hỏi đặt ra trong bối cảnh hiện nay, mức tăng trưởng tối thiểu cần thiết cho Việt Nam để giải quyết công ăn việc làm là bao nhiêu? Thứ hai là trong 2-3 năm tới, liệu Việt Nam có vượt qua bẫy thu nhập trung bình hay không hay vẫn cứ tăng trưởng thấp như hiện nay", TS Ngoạn băn khoăn.

{keywords}
Năng suất lao động thấp là một vấn đề của nền kinh tế.

Ông cho biết, một số tác giả trước lạc quan cho rằng, tăng trưởng tối thiểu để đạt được các mục tiêu trên phải là 6%. Song, thực tế con số mà VERP hay các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng phát triển châu Á đưa ra hồi đầu năm nay, đều cho thấy Việt Nam khó chạm được tới mức tăng trưởng cần thiết đó.

TS Lê Đăng Doanh cũng đồng tình với nhận định trên và cho rằng: "Với tất cả các vấn đề hạn chế trong nền kinh tế hiện nay, từ tăng trưởng, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán cho đến nợ xấu, bất động sản, tái cơ cấu thì cần phải kết luận rõ rằng, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng dưới tiềm năng".

Theo phác hoạ sơ bộ của TS Doanh, nông nghiệp Việt Nam chưa được phát huy. Tình trạng phá sản của doanh nghiệp ngày càng nhiều và có xu hướng mua bán, sát nhập gia tăng, nhưng nhiều công ty đã thành danh lại nằm trong tay nước ngoài. Chứng khoán là tấm gương lồi phản ánh sự phóng đại của nền kinh tế....

"Phải làm rõ sức đề kháng của kinh tế Việt Nam trong một thế giới biến động như hiện nay. Trong tình hình này, phải có sáng tạo, đổi mới. Liệu Việt Nam có năng lực để làm 1 công cuộc đổi mới để quốc tế ngưỡng mộ như cuộc đổi mới năm 86 – 90 hay không? TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi.

Phạm Huyền