- Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay dự báo chỉ dưới 5% và lạm phát thấp dưới 6% - nhận định trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2014.

Với chủ đề "Những ràng buộc đối với tăng trưởng", Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2014 được công bố sáng 28/5 do Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế, ĐH Kinh tế Hà Nội thực hiện.

Báo cáo đưa ra nhận định, năm 2014, nền kinh tế tiếp tục có thêm dư địa chính sách để điều tiết nhờ lạm phát thấp. Tuy nhiên, các vấn đề của nền kinh tế thực vẫn là điều đáng lo ngại. Doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả. Điều này đã làm biến dạng mục tiêu mong muốn của Chính phủ và đều là những nhân tố cản trở sự phục hồi kinh tế. Nói cách khác, nền kinh tế dù đang phục hồi nhưng vẫn rất mong manh.

Theo báo cáo này, cả hai kịch bản tăng trưởng năm 2014 đều dự báo sẽ sụt giảm so với năm 2013.

{keywords}

Kịch bản thấp nhất là mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt khoảng 4,15%, còn kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 4,88%. Lạm phát của cả năm 2014 được dự báo tiếp tục hạ thấp hơn so với năm trước, tương đối ổn định, trong vùng dự kiến từ 4,76 đến 5,51%.

Các khung lạm phát và tăng trưởng này cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra năm nay của Chính phủ.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế, chủ biên báo cáo, cho rằng, Việt Nam cần xác định các đối tác kinh tế và chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn, qua đó, giảm phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Cùng đó, Chính phủ cần thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế trong trung và dài hạn, quyết tâm cải cách thể chế theo hướng thị trường để tạo động lực phân bổ nguồn lực hữu hiệu hơn.

Ngoài ra, vì lạm phát kỳ vọng có thể thấp dưới 6%, cùng với sự dư thừa thanh khoản trong ngân hàng, báo cáo cho rằng sức ép hạ lãi suất huy động vẫn còn mạnh. Tuy nhiên, Chính phủ cần chú ý để không gây xáo trộn trên thị trường vốn nếu lãi suất huy động thực tiễn sang trạng thái âm.

Đối với thị trường bất động sản, nên để thị trường tiếp tục tự điều chỉnh, xuống giá. Các chính sách tỷ giá đưa ra không chỉ là điều chỉnh ngắn hạn trong nửa cuối năm tăng khoảng 2-3% mà cần một tầm nhìn ổn định trong tương lai nhằm tác động tích cực đến sản xuất trong nước.

Riêng về vấn đề nợ xấu, báo cáo khuyến nghị các nhà quản lý cần tiến thêm một bước cụ thể là tạo dựng thị trường mua bán nợ và cơ chế khơi thông nguồn lực mua nợ từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Phạm Huyền