- Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định 1807/QĐ-BGTVT phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (CPH) của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines - VNA). Theo đó giá trị DN công ty mẹ - VNA là 2.744 triệu USD.

Việc xác định giá trị Doanh nghiệp (DN) này là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư quyết định có trở thành cổ đông chiến lược của VNA hay không.

Cụ thể, giá trị DN theo sổ sách kế toán (sau khi thực hiện xử lý tài chính theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước) là 57.156,5 tỷ đồng (tương đương 2.744 triệu USD); trong đó giá trị phần vốn Nhà nước tại DN là 10.576,3 tỷ đồng (507,79 triệu USD).

Giá trị DN theo kết quả xác định tại thời điểm 31/12/2013 bằng phương pháp khác là 57.047,89 tỷ đồng (tương đương 2.739 triệu USD); trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 23.493,98 tỷ đồng (1.128 triệu USD).

{keywords}

Dự kiến trong quý III/2014, VNA sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

 

Việc xác định giá trị DN là cơ sở quan trọng giúp Ban Chỉ đạo CPH Công ty mẹ - VNA  thực hiện các công việc tiếp theo để cổ phần hóa.

Sau thời điểm công bố giá trị DN đúng 1 tháng, VNA sẽ phải hoàn thiện phương án CPH  trình các cấp có thẩm quyền và dự kiến sẽ được Chính phủ phê duyệt vào cuối quý II/2014.

Theo quy định, VNA sẽ có 3 tháng để tổ chức bán cổ phần theo phương án cổ phần hóa đã được duyệt. Dự kiến trong quý III/2014, VNA sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Công tác bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ diễn ra đồng thời với quá trình IPO trong nước và dự kiến tập trung triển khai trong quý IV/2014. Từ 1/1/2015, VNA sẽ chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần.

Mục tiêu của VNA là hướng tới nhà đầu tư chiến lược. Theo các chuyên gia kinh tế, đối tác chiến lược của VNA phải đáp ứng 2 tiêu chí: Vừa mạnh về tài chính, vừa phải có kinh nghiệm và thành tích hoạt động chất lượng tốt trong lĩnh vực hàng không nhằm đảm bảo cho VNA có thể hình thành Tập đoàn Hàng không với năng lực cạnh tranh mạnh trong khu vực.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Vietnam Airlines chỉ bán khoảng 20% - 25% cổ phần. Việc Nhà nước vẫn còn giữ quá nhiều cổ phần sẽ khó thu hút nhà đầu tư chiến lược. Bởi, nhà đầu tư chiến lược đã góp vốn vào thì họ đòi hỏi phải có tiếng nói trong hội đồng quản trị, không ai muốn làm người góp vốn im lặng.

Vũ Điệp