Giá xăng dầu sẽ do Bộ Công Thương quyết định. Đây cũng là bộ quản lý toàn bộ lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, có nhiều đơn vị chiếm thị phần lớn. Vì thế, những nghi ngờ về tính minh bạch của giá xăng lại tăng lên khi ‘độc diễn’ giá xăng có vẻ như lại tập trung về Bộ Công Thương.

Quản giá xăng: Có tiếng không có miếng?

Sau hàng chục lần tranh cãi nảy lửa, bất đồng quan điểm trong điều hành, theo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về dự thảo Nghị định xăng dầu mới, cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu sẽ chuyển về cho Bộ Công Thương, thay vì Bộ Tài chính hiện nay.

Điều này ngay lập tức làm dấy lên những nghi ngờ về sự minh bạch khi khi Bộ Công Thương vẫn mang tiếng “bênh” doanh nghiệp. Hơn thế, trong 21 đầu mối xăng dầu, những ông lớn nhất cũng đều thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương, như Petrolimex chiếm 51%, PV Oil. Vì thế, khi giá thấp, DN kêu lỗ nguy cơ gián đoạn lưu thông gián đoạn, thị trường bất ổn được nêu lên thì Bộ Công Thương và các đầu mối xăng dầu chung một “chiến tuyến” và có cùng tiếng nói là dễ hiểu.

{keywords}
Giá xăng vẫn nợ sự minh bạch.

Thậm chí, có lần, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước ví von rằng, với mức lãi có 97 đồng/lít thì vốn của Petrolimex thà gửi NH còn lãi hơn. Cách đây 2 năm, cây xăng đóng cửa, DN ngừng nhập hàng, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã “trách” việc điều hành giá của Bộ Tài chính và rất căng thẳng khi tuyên bố, nguy cơ vỡ hệ thống, đứt nguồn cung đến nơi rồi.

Bởi thế, dư luận rất e ngại, giao giá xăng dầu cho Bộ này quản lý thì việc điều hành giá sẽ dễ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Ánh, giá là phải gắn với thị trường, gắn với quản lý sản xuất kinh doanh. Nếu giao giá cho Bộ Tài chính mà Bộ này lại không nắm bắt gì về vấn đề thị trường, cung cầu, sản xuất kinh doanh thì sẽ không thể quản lý, thực thi được. Chính tình trạng nhiều bên cùng tham gia điều hành giá như hiện nay mới xảy ra các xung đột, thậm chí là đùn đẩy trách nhiệm.

Theo ông Ánh, không chỉ giá xăng dầu mà cả giá sữa, khi có chuyện tăng giá, Bộ Công Thương mặc nhiên coi đó là việc của Bộ Tài chính. Còn Bộ Tài chính luôn né tránh trước các câu hỏi về biến động cung cầu, thị phần, kể cả về các vi phạm cạnh tranh, niêm yết giá... vì coi rằng, đó là lĩnh vực của Bộ Công Thương.

Món nợ minh bạch?

Đầu năm nay, đơn vị đầu tiên đề nghị vấn đề trên là Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhưng khi trình lên Thủ tướng, Bộ Công Thương đã từ chối khéo và cho rằng mọi việc sẽ do Chính phủ quyết định.

Tuy nhiên, đến cuộc họp bàn về dự thảo Nghị định xăng dầu của Chính phủ ngày 7/5, bất ngờ, đại diện Bộ Tài chính lại yêu cầu có sự thay đổi này. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu: “Chính chúng tôi đề nghị chứ không phải Bộ Công Thương. Việc chuyển chức năng điều hành giá xăng dầu theo đúng tinh thần của Luật Giá.”.

Ông Hiếu diễn giải: “Những loại giá hàng hóa ngành phải chuyển về các bộ chuyên ngành thực hiện, như giá điện hiện nay cũng do Bộ Công Thương điều hành. Giá thuốc, viện phí do bộ Y tế thực hiện, giá căn hộ, giá nhà do Bộ Xây dựng thực hiện, học phí do bộ Giáo dục và đào tạo lo”.

{keywords}
Giá xăng tăng, mấy khi giảm?

“Bộ Tài chính làm chức năng quản lý Nhà nước về giá, như sẽ kiểm tra, thanh tra, giám sát các đơn vị thực hiện chính sách pháp luật về giá, đồng thời cũng sẽ phối hợp với các Bộ ngành triển khai giá”, ông nói.

Ông Hiếu khẳng định: Bộ Tài chính không buông giá xăng. Trước khi đưa ra quyết định, Bộ Công Thương cũng đều phải hỏi ý kiến Bộ Tài chính để có sự thống nhất. Nói cách khác, kể từ nay, thay vì thực hiện việc tính toán tăng giảm giá, Bộ Tài chính sẽ có nhiệm vụ to lớn hơn là phải giám sát Bộ Công Thương.

Trước lo ngại bất minh, “đi đêm” giữa DN với ông chủ sở hữu, một chuyên gia cho rằng: “Hiện nay, tất cả các cơ sở điều chỉnh giá là do Bộ Tài chính nắm, như thuế và Quỹ bình ổn. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ không thể

“qua mặt” Bộ Tài chính. Muốn được tăng giá hay không, Bộ này vẫn phải chờ Bộ Tài chính gật đầu. Tuy nhiên, theo cơ chế mới, Bộ Công Thương sẽ có một quyền lớn hơn hiện nay là quyết định chốt giờ tăng giá.

Tuy nhiên, khi giá xăng về Bộ Công thương thì bộ này có đảm bảo sự minh bạch khi ‘con’ luôn ‘kêu khóc’ thua lỗ còn ‘cha’ thì có quyền ‘cho bú’ bằng cách tăng giá. Món nợ minh bạch giá xăng dầu xe ra chưa thể rõ ràng.

Dư luận đang chờ, Bộ Công Thương sẽ sớm công bố bức tranh tài chính, sản xuất kinh doanh, giá cả xăng dầu như Chỉ thị 11 đã ban hành. Khi đó, người dân có thể tự trả lời, giá xăng dầu “về” sân Bộ này sẽ minh bạch đến đâu.

Dự kiến, Nghị định mới xăng dầu sẽ giảm biên độ điều chỉnh giá xăng dầu từ các mốc 7-12% hiện nay xuống mức 2-7%. Quyền của các doanh nghiệp xăng dầu sẽ bị thu hẹp lại và quyền can thiệp của Nhà nước được đẩy sớm lên. Doanh nghiệp sẽ chỉ được phép tăng giá trong phạm vi đến 2%, tăng trên 2% là bắt đầu phải kết hợp với việc sử dụng trích- xả Quỹ bình ổn và tăng trên 7%, Nhà nước sẽ tính toán khôi phục thuế xăng dầu và công cụ bình ổn.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, co lại biên độ là phù hợp, vì giá tuyệt đối cho mỗi lần điều chỉnh giá sẽ nhỏ hơn. Với mức 2% thì sẽ đương đương 400-500 đồng/lít, với mức 7%, tương đương khoảng 1.500 đồng/lít.

Phạm Huyền