Việc các nhà mạng ra tay cứu nguy cho thuê bao trả trước bị hết tiền bất ngờ không phải là ý tưởng quá mới, nhưng "ứng trước" tới 50.000 đồng lại là số tiền cao chưa từng thấy trên thị trường Việt Nam.

Trên thực tế, ngay từ những năm 2006, nhà mạng đã nhận thấy thực trạng một bộ phận không nhỏ thuê bao chỉ "miệt mài dùng" mà quên không kiểm tra tài khoản, đến lúc hết tiền khi đang rất cần liên lạc mới ớ người. Chính vì thế, một số dịch vụ tạm ứng tiền cho thuê bao trả trước đã ra đời, mở màn là Viettel rồi đến Vinaphone và MobiFone. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cả ba nhà mạng này đều chỉ dừng lại ở con số tạm ứng khá khiêm tốn, từ 3000 - 5000 đồng, khiến cho người dùng chưa nhắn tin, gọi điện được mấy thì tiền đã lại hết.

{keywords}

Trong khi đó, nhu cầu được tạm ứng tiền nơi người dùng lại ngày một tăng lên, nhất là với những ai thường xuyên phải đi công tác xa, tại các địa bàn vùng núi, vùng sâu, nơi rất khó tìm thấy một cửa hàng bán thẻ nạp hay kết nối Internet để nạp thẻ trực tuyến.

Anh Nguyễn Thanh Bình, nhân viên kinh doanh cho một công ty thiết bị viễn thông có trụ sở tại Hà Nội cho biết, do tính chất công việc, anh thường xuyên phải đi khảo sát thực địa, mà hầu hết địa bàn đều là khu vực hẻo lánh, vùng núi hoặc ngoài đảo cách xa đất liền. Dù đã cẩn thận nạp thêm tiền trước mỗi chuyến công tác nhưng vẫn có những lần xảy ra việc đột xuất ở nhà, nhu cầu liên lạc cao đột biến khiến anh cạn tiền. "Lúc này tìm được hàng nào bán thẻ nạp giữa rừng hay giữa biển thì đúng là nhiệm vụ bất khả, kết quả là tôi phải chịu cảnh mất liên lạc cho tới khi về được tới khu đông dân cư", anh Bình than thở.

Nhận thấy để tình trạng này tiếp diễn mãi thì không ổn, anh Bình đã thử tìm hiểu và so sánh các dịch vụ tạm ứng mà nhà mạng đang cung cấp trên thị trường, với hy vọng tìm thấy một giải pháp cho nhu cầu của mình.

"Nếu số tiền tạm ứng chỉ khoảng vài nghìn đồng thì chỉ đủ để tôi gọi nội mạng được 3 phút, nhắn chưa đến chục tin nhắn là đã lại hết tiền", anh Bình cho biết. Rất may là anh đã tìm thấy dịch vụ Fast Credit mà MobiFone vừa triển khai, với số tiền tạm ứng tối đa lên tới 50.000 đồng, số tiền mà theo anh Bình là tương đương với một thẻ nạp loại trung bình, đủ để gọi, nhắn tin trong một vài ngày.

Cụ thể, với Fast Credit, khi một thuê bao trả trước rơi vào trạng thái có số dư tài khoản thấp (5.000 đồng), hệ thống ứng tiền của dịch vụ sẽ tiến hành thu thập các dữ liệu về thuê bao, xác định thuê bao này có hợp lệ để cho phép ứng tiền trước không. Sau đó, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn đến thuê bao đề nghị "ứng tiền", nêu rõ số tiền cụ thể đã được hệ thống tính toán dựa trên các số liệu có sẵn - cùng với mức phí mà người dùng phải trả.

Số tiền mỗi thuê bao trả trước được ứng sẽ dao động từ 5.000 - 50.000 đồng/lần, được căn cứ kết quả phân tích của hệ thống dịch vụ. Sau đó, khi thuê bao nạp tiền, hệ thống sẽ trừ đi khoản tiền ứng trước cộng với phí dịch vụ.

"Đây thực sự là một dịch vụ linh hoạt, giúp đỡ cho công việc của tôi một cách đắc lực. Từ nay tôi không phải lo cạn tiền giữa chừng nữa", anh Bình hoan hỉ.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc MobiFone khẳng định nhu cầu được tạm ứng tài khoản là một nhu cầu không chỉ cần thiết mà còn chính đáng của người dùng. Nhận thấy số tiền tạm ứng trước đây không đáp ứng được nhu cầu thực tế, mạng này đã quyết định mạnh dạn thay đổi định mức tối đa, nâng giá trị gói tạm ứng lên 50.000 đồng để đảm bảo duy trì liên lạc trong thời gian tương đối dài cho người dùng.

"Những tình huống bất ngờ, khó lường trước luôn xảy ra trong cuộc sống, vì thế dịch vụ này sẽ rất hữu ích cho những ai thường xuyên phải đi công tác xa, cần liên lạc nhiều mà lại chưa kịp nạp tiền bổ sung cho tài khoản", ông Chính chia sẻ. Số tiền tạm ứng cao gấp hơn 10 lần so với trước đây sẽ cho phép các thuê bao trả trước của MobiFone gần như không bị ngắt liên lạc vì lý do hết tiền nữa.

Anh Vũ