Nhiều NH sắp sáp nhập có chung nhiều cổ đông lớn. Nếu sáp nhập thành công, ma trận sở hữu chéo trong hệ thống NH sẽ được giải quyết cơ bản. Những sai phạm có thể sẽ được lãng quên, những tồn tại lịch sử sẽ được bỏ qua. Qua đó nhiều đơn vị, cá nhân từng vi phạm sở hữu chéo lại trở thành người có công tái cơ cấu NH. Đó như là cơ hội cho nhiều đại gia được ‘ân xá’.

Tự cắt sở hữu chéo

Khá nhiều bức xúc được nêu ra trong ĐHCĐ SouthernBank liên quan đến việc sáp nhập với Sacombank. Tuy nhiên, cuối cùng cả 10 tờ trình, trong đó có việc kéo dài nhiệm kỳ HĐQT cho đến phương án sáp nhập với Sacombank đều đã được thông qua.

HĐQT SouthernBank đã được ủy quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến vụ sáp nhập.

Trước đó, ĐHCĐ Sacombank dù có nhiều ý kiến bức xúc nhưng cuối cùng cũng có hơn 97% đồng ý sáp nhập với SouthernBank.

Sáp nhập SouthernBank - Sacombank, trên thực tế là một mảnh ghép trong bức tranh tái cơ cấu của hệ thống NH mà mục tiêu giải quyết sở hữu chéo, sở hữu vượt quy định đầy rủi ro tồn tại từ lâu.

Trong trường hợp SouthernBank, tỷ lệ sở hữu cổ phần của gia đình ông Trầm Bê vượt so với quy định hiện hành, với 2 người nắm giữ trên 5% cổ phần và tổng cộng cả gia đình nắm trên 20%. Không những thế, ông Trầm Bê và những người liên quan có tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu và thế lực rất lớn tại Sacombank.

{keywords}

Nếu sáp nhập thành công, ma trận sở hữu chéo trong hệ thống NH sẽ được giải quyết cơ bản

Việc sáp nhập 2 NH này sẽ giải quyết được khá nhiều vấn đề, trong đó có sở hữu chéo và vượt tỷ lệ nắm giữ cho phép.

Trong tài liệu gửi tới cổ đông cho đại hội 2014, MaritimeBank cũng xin ý kiến sáp nhập một TCTD khác vào MaritimeBank. Trong khi đó, MekongBank cũng xin ý kiến cổ đông ủy quyền cho HĐQT về một phương án mua bán sáp nhập (M&A).

Thông tin ban đầu cho biết MekongBank sẽ sáp nhập vào MaritimeBank. Hiện tại MaritimeBank là cổ đông lớn (nắm giữ khoảng 10%) của MekongBank và hai nhà băng cũng này có cùng một số cổ đông lớn.

PGBank nhiều khả năng sẽ “về với” NHCP VietinBank với khoảng 99% cổ phiếu PGBank sẽ được hoán đổi sang VietinBank.

Cuối 2013, DaiABank và HDBank cũng đã sáp nhập sau hơn một năm mối quan hệ 3 bên DaiABank, HDBank và Sovico - một tập đoàn của đại gia Nguyễn Thanh Hùng - được công khai và vợ chồng ông Hùng-Thảo cùng những người liên quan đã nắm giữ một tỷ lệ lớn cổ phần cũng như có “ghế” tại DaiABank.

Trước đó, hồi cuối 2011, thị trường tài chính trong nước cũng đã chứng kiến một vụ hợp nhất giữa 3 NH có chung một cổ đông lớn là TMCP Sài Gòn (SCB), TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Thương mại Cổ phần Đệ Nhất (Ficombank) thành SCB.

Gần đây, nhiều NH khác cũng đã có chủ trương thâu tóm sáp nhập như MB Bank,, Bản Việt, Vietcombank… Trong đó, không ít NH có sở hữu chéo ở các NH lớn nhỏ khác.

“Ân xá’ để làm lại?

Trong 2 năm gần đây, tình trạng sở hữu chéo và sở hữu vượt quá tỷ lệ cho phép đã được cải thiện rất nhiều thông qua các đợt thoái vốn. Có nhiều NH vào cuối 2011 sở hữu lượng cổ phiếu lớn ở 4-5 NH khác và qua các NH này lại sở hữu vài ba NH khác thì số lượng sở hữu lên tới cả chục NH nhưng giờ đã giảm phần nào.

{keywords}

Ở Việt Nam, xu hướng M&A giữa các NH là khó tránh khỏi

Theo một số chuyên gia, làn sóng thâu tóm sáp nhập diễn ra vòng 1 vừa qua và giờ đây là vòng 2 và sau đó là niêm yết cổ phiếu NH trên các sàn chứng khoán sẽ giúp cải thiện vấn đề sở hữu chéo.

Với SouthernBank-Sacombank, DaiABank-HDBank, SCB- TinNghiaBank- Ficombank trước đó hay nếu MaritimeBank- MekongBank thành công sẽ mang lại kết quả như trên. Và rất nhiều trường hợp khác cũng sẽ được giải quyết nếu quá trình tái cơ cấu đưa gần 40 NH hiện tại về còn khoảng 15 NH.

Đây có thể sẽ là bước tiến rất lớn trong tái cơ cấu hệ thống NH bởi sở hữu chéo được cho là gốc của nhiều hệ quả xấu trong NH hiện nay. Ở chiều ngược lại, không ít người lo lắng tái cấu trúc dựa trên M&A sẽ xóa được tình trạng sở hữu chéo về hình thức nhưng lại tạo ra những thế lực lớn tại các NH lớn hơn.

Vụ hợp nhất SCB- TinNghiaBank- Ficombank trong hơn 2 năm qua nhưng NH mới vẫn chung nhiều nhóm chủ sở hữu cũ và nợ xấu sau hợp nhất vẫn chưa suy chuyển nhiều. Điều thay đổi có lẽ là, NHNN dễ dàng giám sát chặt chẽ hơn đối tượng này.

Tái cấu trúc NH bao gồm rất nhiều việc. Xóa sở hữu chéo chỉ là một trong số các nhiệm vụ cần phải làm. Xóa sở hữu chéo thông qua M&A có thể chỉ là biện pháp hình thức nhưng M&A cũng có nhiều tác dụng tích cực khác. Nếu M&A hình thành các TCTD lớn hơn và được kiểm soát chặt chẽ thì đây là một hướng đi có hiệu quả lâu dài.

Ở nhiều nước trên thế giới, các cổ đông nắm giữ một tỷ lệ lớn cổ phần ở một NH là điều bình thường. Họ tung vốn vào NH thì sẽ phải tìm cách hoạt động có hiệu quả để bảo toàn vốn cũng như sinh lời.

Ở Việt Nam, xu hướng M&A giữa các NH là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng có một số điểm mà giới đầu tư lo ngại là nhiều ông chủ không thực sự có “tiền tươi thóc thật” góp vào làm NH, họ vào NH hoặc thâu tóm bằng nhiều cách rồi sau đó dùng NH như một công cụ để tạo ra tiền cho mình. Điều này sẽ đẻ ra nhiều hệ lụy nguy hiểm lâu dài.

Bên cạh đó, sáp nhập NH yếu kém với nhau có thể làm tình hình trở nên phức tạp hơn. Sở hữu chéo hay sở hữu với tỷ lệ lớn trên thực tế không phải là điều xấu nhất nếu kỷ luật trong NH được thực thi và giám sát chặt chẽ. Vì thế, sau ‘ân xá’ lần này nếu tiếp tục buông lỏng quản lý thì những vi phạm cũ lại có thể xảy ra ở mức trầm trọng hơn.

Mạnh Hà