Từ cách tính giá theo sản phẩm, hiện tại, người vận chuyển hàng Nhật tính phí vận chuyển theo cân nặng, số lượng món hàng, với mức phổ biến 1.000-7.000 yen Nhật/kg hoặc món.

Sau những lùm xùm về việc tiếp viên Việt Nam ăn cắp hàng, xách tay hàng nghi ăn cắp, không rõ nguồn gốc…, một số người kinh doanh dịch vụ đặt hộ hàng Nhật phải ngưng đặt hàng, hoặc chuyển phương thức vận chuyển.

Chị Hà, chuyên bán hàng Nhật tại một diễn đàn mua sắm cho biết, tạm thời phải thất tín với khách hàng về tiến độ hàng về. Chị này chia sẻ, bình thường hàng đặt từ Nhật tính từ bắt đầu mua đến khi về tới Hà Nội mất khoảng 15-20 ngày. Nhưng cách đây khoảng hơn một tháng, khi có thông tin về tình trạng người Việt ăn cắp hàng hóa tại Nhật, hàng bị ách tương đối nhiều. Tiếp viên hàng không, đầu mối chuyên vận chuyển hàng Nhật về Việt Nam cho nhà chị Hà, cũng “chùn tay” hơn do việc xách hộ hàng bị siết và kích thước vali giới hạn. Một số mối vẫn nhận xách hàng Nhật nhưng lại đẩy giá cao, đến mức nếu trừ đi chi phí, thì những người kinh doanh dịch vụ order hộ như chị gần như không còn công. “Không biết phải làm thế nào, từ trước tới giờ toàn tiếp viên cầm hàng nên không có tý kinh nghiệm gì về các hãng vận chuyển ở Nhật. Đợi hàng về mà hồi hộp, nơm nớp”, chị Hà chia sẻ.

{keywords}

Những dòng thông báo về hàng hóa mua tại Nhật được các đơn vị vận chuyển, mua hộ hàng Nhật Bản đưa lên, sau sự việc tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt để điều tra nghi vấn xách hàng ăn cắp.


Là quản lý cho một doanh nghiệp chuyên vận chuyển thuê hàng xách tay từ các nước về Việt Nam, anh Long (Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, tạm thời không nhận xách hộ hàng Nhật mà không có hóa đơn. Anh kể, trước đây, công ty anh chuyên nhận xách sữa, bỉm, quần áo, thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm… từ Nhật Bản về Việt Nam. Nhưng từ sau vụ tiếp viên hãng hàng không bị bắt tại Nhật Bản để điều tra về hành vi xách tay hàng hóa ăn cắp, đơn vị này bắt đầu cẩn trọng hơn với các đơn hàng. Hiện tại, thay vì xách hộ tràn lan, đơn vị vận chuyển này chỉ nhận xách hộ hàng có hóa đơn. Ngoài ra, với những người có nhu cầu mua hàng Nhật, theo anh Long là công ty anh có nhận mua hộ và tính công 5% trên giá trị hóa đơn. "Từ sau những tai tiếng liên quan đến tiếp viên hàng không xách hàng từ Nhật, đơn vị không chuyển đồ về Việt Nam qua tiếp viên, mà chọn phương thức khác", anh Long nói.

Theo thông tin từ nhiều người kinh doanh dịch vụ order hàng Nhật Bản, từ trước tới nay, hàng hóa về Việt Nam chủ yếu qua đường hàng không xách tay. Vì thế, uy tín cũng như “số phận” của các dịch vụ đặt hộ hàng Nhật hầu như phụ thuộc 95% vào người vận chuyển. Giá vận chuyển tăng, không ít người kinh doanh dịch vụ đặt hộ hàng Nhật đối mặt nguy cơ mất khách.

Chị Ngân, một người kinh doanh hàng Nhật ở Hà Nội cho biết, thông thường, tiếp viên tính công theo độ cồng kềnh của món hàng. Với áo khoác, áo lông vũ Nhật siêu nhẹ, công xách mỗi chiếc dao động 100.000-200.000 đồng. Những món có kích thước nhỏ hơn như son phấn hay thuốc, tảo Nhật, collagen…, giá dao động từ 20.000-100.000 đồng, riêng nồi ủ vì nặng và cồng kềnh nên công có khi lên tới 300.000-500.000 đồng/chiếc. “Giờ còn khốn khổ hơn, khách đã đặt, hàng đã mua, mà công xách vẫn duy trì như vậy, tiếp viên lại không nhận xách về nữa. Tất cả các mối quen của mình đều từ chối, vì thời điểm này bị kiểm tra gắt gao, đang rối bời vì không biết phải làm thế nào, trong khi khách la ó vì hàng về chậm”, chị Ngân than.

Từ cách tính giá theo sản phẩm, hiện tại, nhiều nhà order chuyển sang tính phí vận chuyển theo cân nặng, số lượng món hàng, với mức phổ biến 1.000-7.000 yen Nhật/kg hoặc món (khoảng 240.000 đồng đến xấp xỉ 1,7 triệu đồng), bên cạnh các loại phụ phí khác cho những hàng hóa đặc biệt. Mức phụ thu dao động từ 60 yen đến gần 200 yen. “Như vậy, một món hàng từ Nhật về tới Việt Nam, bên cạnh giá gốc quy đổi sang VND theo tỷ giá yen Nhật sẽ phải ‘cõng’ thêm các phụ phí”, quản lý một website chuyên đặt hàng Nhật cho biết.

Hiện tại, phí vận chuyển các món thông thường như quần áo, túi xách, giày dép… của đơn vị này là 1.000 yen (240.000 đồng). Riêng các loại đồ điện tử như máy tính, iPhone, iPad, máy ảnh…, tiền vận chuyển tính theo món, khoảng 5.000-7.000 yen (tương đương 1,2-1,6 triệu đồng).

(Theo Zing)