Quảng cáo là có chức năng đặc trị cho tóc hư tổn, chống khô gãy, giúp tóc mềm mượt, giảm xơ rối, làm dày và dài tóc,… viên dưỡng tóc Serum đang được rao bán tràn lan trên mạng. Không biết hiệu quả đến đâu, nhưng nhiều chị em tóc đã “rụng như trút” khi sử dụng sản phẩm này.

2000 đồng là có mái tóc đẹp?

Với giá được rao bán từ 2.000 đồng – 3.000 đồng/viên, những lời quảng cáo như rót mật về loại dưỡng tóc Serum được nhập ngoại với công dụng “đặc trị cho tóc hư tổn, được chiết xuất từ các cây cọ tinh dầu tự nhiên , không có hóa chất gây hại cho tóc cũng như da đầu bởi thành phần hoàn toàn từ thiên nhiên. Sản phẩm được sử dụng an toàn cho cả người lớn và trẻ nhỏ, nam nữ đều dùng được. Bảo vệ tóc suốt 48 giờ và không bị bết dính”…

Để tăng thêm sự tin cậy về chất lượng sản phẩm, theo những “nhà phân phối”, viên dưỡng tóc Serum được nhập khẩu từ Thái Lan chứ không phải hàng Trung Quốc và cam kết sẽ hoàn tiền 200% nếu là hàng giả (!).

{keywords}

Viên dưỡng tóc Serum đang được rao bán phổ biến trên mạng

Theo phản ánh của chị Vũ Bạch Yến (Yên Phụ, Tây Hồ, HN), để cải thiện bộ tóc xuống cấp vì đã trải qua quá nhiều lần nhuộm, sấy, làm xoăn chị quyết định tìm mua viên dưỡng tóc đang được quảng cáo rất “hot” trên mạng. Tuy nhiên, ngay lần sử dụng đầu tiên sự mềm mượt được thể rất rõ nhưng kèm với đó là tóc chị bị rụng rất nhiều. “Tôi khá lo lắng vì chỉ ngay lần sử dụng đầu tiên tóc tôi đã bị rụng nhiều hơn bình thường và sau đấy là rất ngứa, da đầu xuất hiện các mụn nhỏ gây đau. Cứ rụng thế này chả mấy mà hói cả đầu”, chị Yến cho hay.

Ở một trường hợp khác, thành viên Yun chia sẻ trên diễn đàn WTT rằng: “Đúng là mới xài, tóc mướt và thơm lắm. Đặc biệt, thích nhất là giúp tóc thẳng ra, nhưng độ vài bữa nay, em thấy tóc mình hay bị đứt ngang 1 chùm khoảng trên 10 cọng, lúc gội cũng đứt ngang như thế. Em cũng thấy hơi lo lo, không biết có nên tiếp tục xài không?..”.

Chia sẻ với nỗi lo lắng của Yun, nhiều thành viên khác trên diễn đàn WTT cũng bày tỏ mối nghi ngờ về chất lượng của viên dưỡng tóc này. “Tóc chỉ mượt khi mới xài, càng xài đuôi tóc càng cứng… Liệu sản phẩm này có gây phản ứng phụ hay không?...”.

Việc sử dụng loại dưỡng tóc này sau đó bị rụng, gãy tóc, dị ứng đã gây nên những phản hồi không tốt về sản phẩm. Tuy nhiên, việc mua bán loại dưỡng tóc này vẫn diễn ra hết sức sôi động, đặc biệt là trên mạng xã hội FB.

{keywords}

Viên dưỡng tóc Serum được các "nhà phân phối" phân biệt hàng Thái Lan và hàng Trung Quốc

100% không nhãn mác

Theo tìm hiểu của PV, viên dưỡng tóc Serum đang được rao bán trên mạng xã hội được các shop tha hồ quảng cáo về tính năng cũng như công dụng của sản phẩm nhưng hầu hết các viên dưỡng tóc nhập ngoại này đều không có nhãn mác.

Mục sở thị tại cửa hàng của một “nhà phân phối” loại dưỡng tóc này trên phố Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, HN), bên cạnh những hộp nhựa lớn đựng khoảng 500 viên thì những viên dưỡng tóc còn được chia nhỏ thành từng gói bằng túi nilon. Theo chủ shop, chia nhỏ để bán cho khách cho tiện. Trong những túi nilon chỉ có túi chống ẩm, không có hướng dẫn sử dụng hay bất kỳ một thông tin nào về sản phẩm.

Khi PV thắc mắc về nguồn gốc cũng như hướng dẫn sử dụng, chủ shop cho hay: “Cái này dễ dùng, có gì phức tạp đâu mà cần phải có hướng dẫn. Chỉ cần xoa đều lên tóc lúc tóc khô 70% sau khi gội là có được mái tóc đẹp”. Tuy nhiên, khi nói về chất lượng viên dưỡng tóc, chủ shop cũng cho hay, hiện nay trên thị trường cũng xuất hiện viên dưỡng tóc Serum của Trung Quốc. Mẫu mã giống y chang viên dưỡng tóc của Thái Lan, nếu không rành, nhiều chị em có thể nhầm lẫn.

“Viên của Trung Quốc nhỏ hơn, màu cũng nhợt hơn của Thái, hàng Trung Quốc to tròn và cứng chứ không mềm như hàng chuẩn. Em mua hàng của chị thì yên tâm về chất lượng. Nếu có mối phân phối giới thiệu, khi mua hàng chị sẽ giảm giá cho”, chị này nói.

{keywords}

Không nhãn mác, những túi nilon đựng viên dưỡng tóc được chia nhỏ để bán cho NTD

Cẩn thận khi dùng

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa hoá đại học Khoa học tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội, các loại dầu gội đầu, dầu dưỡng tóc thường bao gồm các thành phần như chất hoạt động bề mặt (thường gọi là chất tạo bọt, chất tẩy rửa, chất tạo huyền phù…), muối ăn, muối amoni clorua, chất tạo màu, tạo mùi và các phụ gia tạo ẩm, mượt, dưỡng tóc. Tất cả các thành phần có trong dầu gội đầu “chính hiệu” đều là những chất đã được phép sử dụng, ít hoặc hầu như không độc đối với người. Tuy nhiên, trong trường hợp sản phẩm không theo các tiêu chuẩn thì không thể biết điều gì sẽ xảy ra cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên theo ông Côn, mặc dù nhiều chất trong dầu gội, dầu dưỡng tóc là chất đã được cho phép sử dụng trong mỹ phẩm, không gây ung thư và được làm từ dầu dừa, dầu cọ… và tổng hợp nhân tạo. Tuy nhiên, nếu người dùng tiếp xúc thời gian dài, quá nhiều có thể gây mụn ngứa, dị ứng, thậm chí lở môi, miệng.

“Hiện nay, các hãng dầu gội đầu đều quảng cáo là làm mượt tóc và chống rụng tóc. Tuy nhiên, bản chất của sợi tóc là protein sừng hoá, chất sừng đã chết thì không thể hấp thụ được gì. Việc tóc mượt, đẹp phụ thuộc nhiều vào chế độ dinh dưỡng. Việc dùng dầu gội chỉ làm sạch tóc và da đầu. Không nên gội đầu quá nhiều lần trong một tuần, vì trên bề mặt lớp da của cơ thể nói chung và da đầu nói riêng luôn luôn có lớp nhờn (mỡ + protein + nước) tiết ra để giữ ẩm và bảo vệ da. Nếu gội đầu nhiều lần, lớp dầu này mất đi thì da đầu dễ bị tổn thương. Người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn (có nguồn gốc, nhãn mác… cụ thể), không dùng hàng trôi nổi” – ông Côn khuyến cáo.

(Theo Viet Q)