- Từ 2000 – 2013, kinh tế Việt Nam trải qua những dấu mốc hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Đầu tiên là Hiệp định thương mại Việt Mỹ -BTA (7/2000), gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO (11/2006) và hiện đang tiến những bước cuối cùng để ký kết Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương - TPP. 

Chuyện cũ, chuyện mới

Việt Nam đã có lịch sử đàm phám thương mại với hàng chục nước ở Đông Âu, Liên Xô… trong những năm trước đây. Bài vở và kinh nghiệm không phải là ít nhưng đó là ‘chuyện cũ trong nhà,, còn trong môi trường hội nhập mới thì chúng ta chưa có kinh nghiệm gì đáng kể. 

Vì thế, khi bắt đầu đàm phán BTA, các nhà đàm phán Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. Muốn đàm phán với Mỹ phải hiểu Mỹ nhưng từ lâu nay chúng ta có rất ít thông tin về thương mại và kinh tế Mỹ. Vì thế, từ 9/1996, khi vòng đàm phán đầu tiên khởi động, một nhiệm vụ quan trọng của các thành viên đoàn đàm phán là sưu tầm và đọc càng nhiều tài liệu về Mỹ càng tốt. 

Theo ông Nguyễn Đình Lương – NguyênTtrưởng Đoàn đàm phán BTA Việt Nam, với BTA, chúng ta đi từ con số 0. Sau lưng đoàn đàm phán không có một nền kinh tế hùng mạnh làm điểm tựa, không có lực lượng doanh nhân hùng hậu làm chỗ dựa nên thái độ và phương pháp của người đi đàm phán lúc này cũng khác. Người ta giỏi hơn mình nhiều, nên mình phải khiêm tốn học hỏi và nghiên cứu về họ thật kỹ.   

{keywords}
Kinh tế VN còn nhiều thách thức

Ngày 13/7/2000, Hiệp định BTA được chính thức ký kết, đánh dấu việc bình thường hóa quan hệ thương mại, kinh tế Việt –Mỹ. Từ mốc hội nhập quan trọng này, chúng ta đã bắt đầu học và chơi theo luật quốc tế. Ngay sau BTA, hàng loạt bộ luật được ban hành và sửa đổi như: Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, Luật Thương mại đã được viết lại với việc xác định rõ quyền tự do kinh doanh của thương nhân… Điều mà trước đây chưa từng có. 

Chỉ  hai năm sau khi BTA được ký kết, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đó là động lực quyết định sự tăng trưởng đột biến của những ngành sản xuất, xuất khẩu như dệt may, thủy sản… nhanh chóng khẳng định vị thế xuất khẩu Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới. .

Sáu năm sau thành công của BTA, Việt Nam tiếp tục vượt qua một cửa ải quan trọng khác của đàm phán gia nhập WTO thành công. Tuy nhiên, trên thực tế, lộ trình gia nhập WTO đã được chuẩn bị cách đó hơn một thập kỷ. Năm 1995, Việt Nam chính thức gửi đơn xin gia nhập (WTO), sau đó là 11 năm đằng đẵng với trên 200 cuộc đàm phán đa phương và 28 đối tác đàm phán song phương, Việt Nam mới chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. 

Gia nhập WTO đã tạo ra một hiệu ứng kinh tế và xã hội hiếm trong nền kinh tế Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21. Ngay trong năm đầu vào WTO (năm 2007), tổng giá trị hàng xuất nhập khẩu tăng 31,3%. Sau 5 năm, tới 2012, thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 228,31 tỷ USD, gấp đôi so với 2007.

Hội nhập và phát triển ngoại thương hàng hóa của Việt Nam không chỉ thể hiện ở mức tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu, mà còn được khẳng định qua bảng xếp hạng về giao dịch thương mại hàng hóa qua các năm. Qua xếp hạng của WTO  xét theo kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, năm 2003 Việt Nam đứng tương ứng vị trí 50 và 42 trên toàn cầu. Đến năm 2012, thứ hạng xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã tăng 13 bậc, lên thứ 37, còn nhập khẩu tăng 18 bậc, xếp vị trí thứ 34.

{keywords}
Sức ép lớn khi hội nhập quốc tế

Mặc dù không về đúng hẹn vào cuối năm 2013 như dự tính ban đầu, nhưng Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán mang lại những kỳ vọng lớn cho nền kinh tế nước nhà. TPP có phạm vi rộng hơn nhiều so với WTO. Nếu như trong WTO chủ yếu  đàm phán về thị trường, một số hàng hóa và quyền sở hữu trí tuệ thì đến TPP phạm vi đã mở rộng hơn. Ngoài những lĩnh vực có trong BTA hay WTO còn rất nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, có những vấn đề Việt Nam chưa từng đàm phán bao giờ như: Mua sắm chính phủ, lao động, môi trường. 

Một khác biệt căn bản là khi đàm phán WTO, Việt Nam ở vị thế nước xin gia nhập, Vì vậy, các thành viên WTO có quyền yêu cầu chúng ta mở cửa thị trường đến khi nào đối tác đồng ý thì mới cho vào WTO; trong khi chúng ta không có quyền đòi hỏi họ mở cửa thị trường cho mình. Nhưng TPP, nếu muốn Việt Nam mở cửa thị trường, thì các nước cũng phải mở cửa thị trường cho Việt Nam

Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, nếu đàm phán TTP thành công sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam. 

Ví dụ, với dệt may, mức thuế bình quân của Mỹ hiện nay là trên 17% nếu như mức thuế này về 0% sẽ tạo ra lực đẩy rất lớn cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Hay da giày, có những mặt hàng thuế suất bình quân của Mỹ lên tới 32% nếu 0% sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho sản xuất trong nước. Rất nhiều mặt hàng khác cũng đang đứng trướ những cơ hội rất lớn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trước ngưỡng cửa TPP, Việt Nam lại đang gặp “nút thắt cổ chai” khó gỡ như: hệ thống ngân hàng, trình độ lao động… Cơ hội mở ra rất lớn nhưng nó có trở thành một cú hích thực sự đối với nền kinh tế hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Những điều chưa nói

Với kinh nghiệm cuộc đàm phán Hiệp định thương mại lớn đầu tiên của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA, ông Nguyễn Đình Lương nhấn mạnh: “Nguyên tắc số một để  mọi cuộc đàm phán có thể thu được thành công là phải hiểu được đối tác và hiểu được luật chơi”.

Trong khi đó, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại - Lãnh đạo của Đoàn đàm phán gia nhập WTO Việt Nam thì một trong những bài học lớn nhất từ đàm phán WTO chính là sự chuẩn bị kỹ càng và nghiêm túc từ trong nước. 

"Hội nhập thành công hay không chính là từ những thay đổi từ bên trong mình. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu kỹ càng các đối tác cũng như luật chơi của WTO đã góp phần giúp cho đàm phán thành công’, ông Tự nhấn mạnh. 

{keywords}
Hội nhập để phát triển

Điều ít được nói đền là hầu hết các nhà đàm phán đều rất “kỵ” với câu chuyện thời gian, thời hạn trong đàm phán. Được biết, trong quá trình đàm phán WTO, đã có nhiều sức ép đưa ra mục tiêu Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2005. Khi nói về điều này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cùng nhiều thành viên đàm phán khác cho là không phù hợp. Vì thế, trong các văn bản sau đó, chúng ta chỉ đặt ra mục tiêu Việt Nam "nỗ lực gia nhập WTO sớm". Chính điều này đã mang lại cho đoàn đàm phán một tâm lý thoải mái để chuẩn bị và chủ động để đàm phán hơn là gắn mình vào một mục tiêu đã được định sẵn. 

Trong một cuộc trao đổi nhìn lại 7 năm gia nhập WTO, ông Trương Đình Tuyển đã “bật mí”: trong nhiều năm trời, ông Tuyển và đoàn đàm phán đã có hàng trăm phiên họp, thảo luận khác nhau với WTO và các đối tác. Từ đó càng thấm thía những khó khăn, thử thách mà Việt Nam phải đối mặt, nhất là việc Việt Nam sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi so với các quốc gia đã vào WTO từ trước 1995.

Có lần, ông Tuyển đã hỏi thẳng ngài Pascal Lamy - Tổng giám đốc của WTO rằng: Có phải các quốc gia vào sau đang bị phân biệt đối xử không?. Câu trả lời là: "Đúng vậy, nhưng đó là cuộc sống!". Hiểu được điều này, các nhà đàm phán Việt Nam không có cách nào khác là ngồi vào bàn đàm phán, giải quyết từng vấn đề cụ thể có lợi nhất thay vì gắn mình với một thời hạn gia nhập WTO định sẵn!. 

Còn Trưởng đoàn đàm phán TPP hiện nay, Thứ trưởng bộ Công thương Trần Quốc Khánh thì nhắn đến một câu kinh điển của giới đàm phán chuyên nghiệp: “Thời hạn cuối cùng luôn là kẻ thù của những nhà đàm phán”

Khi cuộc đàm phán TPP vẫn còn tiếp diễn, nhìn lại quá trình đàm phán WTO, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, về cơ bản các mục tiêu đàm phán WTO đã đạt được. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng một số nội dung vẫn có có thể làm tốt hơn nữa nếu chủ động hơn nữa. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Lương chia sẻ, sau hơn một thập kỷ thực hiện BTA, có rất nhiều  doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tranh thủ được cơ hội, hòa nhập với biển lớn để tự nâng mình lên nhưng đã có không ít người khi ra biển lớn rồi thì lại bơi không được, chìm luôn. Tuy nhiên, đó là điều dễ hiểu và tự nhiên như cuộc sống. Vậy thôi.

Tâm Thời