Mặc dù là tháng giáp Tết Nguyên đán song, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 chỉ tăng 0,69% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp nhất 10 năm trở lại đây, ngoại trừ năm 2009.

Sáng nay, 24/1, Tổng Cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 năm nay chỉ đứng sau chỉ số giá tháng 1/2009 (0,32%). Kể từ năm 2004, CPI tháng đầu năm thường tăng cao trên 1%. Chẳng hạn như CPI tháng 1/2010 tăng 1,36%, CPI tháng 1/2011 tăng 1,74%; CPI tháng 1/2012 tăng 1,0% và cùng kỳ năm 2013 tăng 1,25%.
{keywords}

Nhu cầu mua sắm Tết năm nay giảm mạnh (ảnh minh họa: Phạm Huyền)

Thông thường, theo quy luật nhiều năm, đây là thời điểm nhu cầu mua sắm hàng hóa, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán thường tăng cao nên giá cả thường nhích lên. Tuy nhiên, với tốc độ CPI khiêm tốn trên, có thể thấy sức mua thị trường vẫn đang ở mức rất thấp.

Ngoài ra, CPI thấp còn có nguyên nhân do nhiều địa phương triển khai các chương trình bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên Đán.

Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng 1,22%. Lý giải cho tốc độ tăng cao này là do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng ngày 18/12/2013 với mức tăng 2,38% đã đóng góp vào mức tăng CPI chung cả nước khoảng 0,86%.

Kế đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,02%. Các nhóm khác như may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,89%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,83%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,39%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,17%; giáo dục tăng 0,01%.

Nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong CPI là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhẹ, chỉ ở mức 0,77%, trong đó lương thực tăng 1,33%; thực phẩm tăng 0,75%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,32%.

So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 năm nay của các trung tâm kinh tế lớn cũng tăng thấp như Hà nội tăng 0,7%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,4%; Thái Nguyên tăng 0,43%; Hải Phòng tăng 0,67%; Thừa Thiên Huế tăng 0,92%; Đà Nẵng tăng 0,74%; Khánh Hòa tăng 0,86%.

Chỉ số giá vàng tháng 1/2014 giảm 1,82% so với tháng trước và giảm 25,74% so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 1/2014 giảm 0,06% so với tháng trước; tăng 1,03% so với cùng kỳ năm 2013.

Phạm Huyền