Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, dây và cáp điện Việt xuất khẩu sang Lào đạt kim ngạch gần 15 triệu USD tăng hơn 300% so với cùng kì 2012.

Tăng cường xuất khẩu & đầu tư sang Lào

Lào đang được coi là điểm đầu tư và thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các thương hiệu lớn đã định hình trong nước.

Về mặt đầu tư, năm 2012, Việt Nam có tổng số 222 dự án được cấp giấy phép đầu tư với số vốn đăng ký là 3,8 triệu USD, theo thống kê của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL). Hiện Việt Nam là nước đứng 3 trong số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư sang Lào.

{keywords}

Về mặt xuất khẩu, năm 2012, Việt Nam xuất khẩu với tổng kim ngạch hơn 421 triệu USD sang Lào và nhập khoảng gần 445 triệu USD. Tổng kim ngạch thương mại ước đạt 866 triệu USD. Hàng xuất khẩu Việt Nam chiếm khoảng 15% thị trường Lào, sau Thái Lan và Trung Quốc.

“Thị trường Lào tuy không lớn nhưng rất tiềm năng bởi kinh tế Lào đã tăng trưởng 8,3% năm 2012, mức cao nhất Đông Nam Á. Công ty Cổ phần Cơ điện Trần Phú đã xuất khẩu khoảng 10 triệu USD bán thành phẩm đồng và nhôm cho các nhà sản xuất dây điện ở Lào, góp phần vào mức tăng kim ngạch thương mại song phương”, ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ điện Trần Phú cho biết.

Sắt thép hiện là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp Việt Nam sang Lào với giá trị xuất khẩu lên tới hơn 100 triệu USD vào năm 2012. Tuy vậy, dây và cáp điện lại là sản phẩm có tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất, tăng hơn 300% trong 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng đột biến này khiến nhiều doanh nghiệp cơ điện như Trần Phú khảo sát lại thị trường và quyết định mở rộng xuất khẩu thành phẩm sang Lào.

“Dây điện Trần Phú vừa được nhận giải thưởng “Thương hiệu nổi tiếng ASEAN” trao tại Lào vào giữa tháng 8 vừa rồi. Chúng tôi coi đây là sự khích lệ để nỗ lực hơn nữa trong hành trình tiến vào thị trường tiềm năng này. Trần Phú tin rằng sản phẩm dây điện được sản xuất trên dây chuyền công nghệ châu Âu của mình sẽ chinh phục được thị trường Lào, như đã chinh phục được thị trường trong nước”, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ thêm.

Tập trung vào sản phẩm có thế mạnh nhất

Khởi đầu từ một nhà máy nhỏ trên cơ sở sáp nhập hai xí nghiệp cơ khí trực thuộc sở Xây dựng Hà Nội năm 1984, Trần Phú đã mở rộng thành công ty cơ điện được cổ phần hoá với trên dưới 300 lao động và liên tục lọt vào TOP 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Cơ điện Trần Phú có bước phát triển mạnh trong hơn 20 năm qua với thương hiệu dây điện Trần Phú chiếm thị phần lớn nhất ở khu vực phía Bắc. Một trong những nguyên nhân khiến Trần Phú có thương hiệu mạnh trong hai thập kỷ qua là công ty chỉ tập trung vào lĩnh vực cơ điện chứ không đầu tư dàn trải.

Trong ngành cơ điện, Trần Phú cũng chỉ tập trung vào sản xuất dây điện, sản phẩm có vị thế mạnh nhất đã đem lại tên tuổi cho công ty. Thương hiệu mạnh vẫn giúp Trần Phú duy trì lợi nhuận và doanh thu ổn định để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu sang các thị trường khu vực, và Lào là một trọng tâm.

Nỗ lực của Trần Phú và nhiều doanh nghiệp có thương hiệu của Việt Nam khác được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương Việt Lào lên mức 2 tỉ USD vào năm 2015 và 5 tỉ USD vào năm 2020.

Ngoài ra, những yếu tố khác như quan hệ chính trị đặc biệt, khoảng cách địa lý gần gũi và hơn 50% cán bộ Lào có thể nói tiếng Việt đều tạo ra cơ hội lớn cho thương mại và đầu tư của Việt Nam tại đất nước Triệu Voi.

Quốc Tín