- Hàng loạt scandal sữa độc diễn ra trên thế giới đã đổ vào Việt Nam. Đó đều là những tên tuổi lớn và các loại sản phẩm vốn được người Việt Nam ưa chuộng.

Bại liệt, tử vong vì sữa

Ngày 4/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được tin từ Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam thông báo về việc Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand phát hiện các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ có chứa Whey Protein Concentration (Công ty Fonterra New Zealand sản xuất) bị nhiễm Clostridium Botulinum (vi khuẩn này có thể gây liệt cơ, đường hô hấp, ngộ độc) xuất khẩu sang Việt Nam, Trung Quốc, Úc và Ả rập Xêút…

Triệu chứng nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum được mô tả là buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy và sau đó là co giật, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (địa chỉ 72-74 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM) nhập sản phẩm về ngày 17/6 và 3/7. Cùng ngày, Cục này đã nhận được báo cáo của Văn phòng đại diện Abbott Laboratories S.A tại Việt Nam về việc nhập khẩu và tự nguyện thu hồi sản phẩm này.

{keywords}

Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu dừng ngay việc lưu thông và tiến hành thu hồi các sản phẩm có liên quan trên thị trường bao gồm các lô Similac GainPlus Eye-Q nói trên. Cục cũng đề nghị Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tiến hành kiểm nghiệm sản phẩm Thức ăn công thức cho trẻ 1-3 tuổi Similac GainPlus Eye-Q.

Các lô sản phẩm có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum bao gồm: 2564G54114, 2564G54115, 2564G54116, 2564G54117, 2564G54118, 2565G54118, 2565G54119, 2566G54119, 2567G54119, 2567G54120. Người tiêu dùng Việt Nam được khuyến cáo kiểm tra số lô sữa in ở đáy lon khi chọn mua hoặc sử dụng hàng. Nếu số lô trùng khớp với một trong 9 lô bị ảnh hưởng thì ngưng dùng và mang đến nơi bán hàng để đổi lại.

Cũng trong ngày 4/8, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục nhận được thông tin từ Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand thông báo chính thức về các sản phẩm Karicare do Công ty Nutricia - New Zealand sản xuất có sử dụng Whey Protein Concentrate trên có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Những sản phẩm đó bao gồm: Karicare Formula số 1 (cho trẻ 0-6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170; hạn sử dụng 17/6/2016 và 18/6/2016. Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi) với số lô D3183; hạn sử dụng 31/12/2014.

Một xét nghiệm vào tháng 3 cho thấy có vấn đề với sữa và thứ Tư vừa qua (31/7), thành phần đạm whey được xác định là dương tính với vi khuẩn gây liệt cơ hô hấp Clostridium Botulinum.

Cục An toàn thực phẩm đã rà soát toàn bộ các sản phẩm Karicare của Cty Nutricia đã công bố tại Cục An toàn thực phẩm từ đầu năm 2012 đến nay.

Kết quả rà soát cho thấy, không có sản phẩm Karicare cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nào được công bố tại Cục. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 1581/ATTP-SP ngày 4/8 yêu cầu Cty TNHH MTV Dinh Dưỡng Châu Úc, đơn vị nhập khẩu sản phẩm Karicare vào Việt Nam thống kê việc nhập khẩu các sản phẩm Karicare.

Tuy nhiên, theo khảo sát, hiện loại sữa này đang được bán tràn lan thị trường. Tại một số cửa hàng chuyên về hàng xách tay, giá mỗi hộp sữa Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 được giao bán với giá 570.000 đồng, sữa Karicare Aptamil 1 và 2 bán với giá 575.000 đồng/ hộp. Trên một số các trang web bán hàng online chuyên về sữa cũng giao bán loại sữa này khá phổ biến.

Người dân hoảng sợ và tẩy chay

Trước các thông tin sữa nhiễm độc liên tiếp đã khiến người dân vô cùng lo lắng và mất hết niềm tin vào các loại sữa nhập khẩu vốn được ưa dùng lâu nay.

Chị Võ Hồng Châu ( Ngõ 290, Kim Mã, Hà Nội) cho biết, sữa Úc được rất nhiều bà mẹ tin dùng. “Tôi rất bất ngờ và cảm thấy lo ngại bởi từ trước tới nay toàn cho con sử dụng loại sữa này. Giờ nghe cảnh báo sữa không đạt chuẩn về an toàn sản phẩm, thật sự rất bối rối và lo lắng cho sức khỏe của con”, chị Châu cho biết.

Chia sẽ trên một diễn đàn chăm sóc trẻ em, nhiều bà mẹ cho biết họ đã sử dụng sữa của hãng này từ lâu và nay hết sức hoang mang trước thông tin nhiễm độc. Một bà mẹ viết: “Mình hay sử dụng loại sữa này của Abbott, loại lon 1,8 kg, không biết có ảnh hưởng gì không. Tuy nhiên, khi gọi đến đường dây nóng của hãng sữa này ở Việt Nam thì không nhận được câu trả lời nào.

Cũng trong tâm trạng lo sợ, suốt đêm hôm 4/8 rất nhiều bà mẹ đã ‘đốt’ điện thoại gọi cho nhau để thông báo tin động trời này và chia sẻ lo lắng. Tuy nhiên, họ không biết làm gì hơn ngoài việc mang đổ đi tất cả những loại sữa nào có tên Similac và dính đến Abbott. Nhưng như thế cũng chưa thể yên tâm khi con mình đã uống các loại sữa của hãng này nhiều ngày tháng qua.

Chị Lý Thị Quỳnh Mai ở Cầu Giấy - Hà Nội cho hay chị đang định đổi loại sữa này cho con nhưng thấy sự cố này xảy ra nên chị tẩy chay luôn. Nhưng vấn đề hiện nay là không biết chọn loại sữa nào để uống vì hết loại sữa này đến loại sữa khác công bố nhiễm độc. Nếu chọn các loại sữa bột trong nước sản xuất cũng không yên tâm vì các nhà sản xuất này cũng nhập khẩu bột từ nước ngoài. Và chính các hãng sữa trong nước cũng đã không ít lần dính scandal như nhiễm melamin, cố tình ghi sai nguồn gốc...

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, nhiều siêu thị và nhà phân phối cho biêt, dù trên kệ hàng chưa có loại sản phẩm này nhưng cách tốt nhất là họ vẫn cho dừng nhập và tạm dừng bán. Một đại lý hàng tiêu dùng bán nhiều loại sữa trên đường Kim Giang - Hà Nội, từ 4/8, các loại sữa Similac đều bị khách hàng tẩy chay. Không còn cách nào khác, chủ hàng cũng đành phại hạ xuống tạm cất vào trong cho đến khi có thông báo chính thức.

Đại diện Fivimart cho biết, hệ thống này đã dừng bán loại sản phẩm này ngay lập tức. Đồng thời cho kiểm tra và thu hồi những sản phẩm có bán trên kệ của siêu thị ngay cả khi nhà cung cấp chưa có thông báo nào.

Trung Quốc cảnh báo sữa Dumex có thể gây ngộ độc

Tổng cục Kiểm tra, giám sát chất lượng và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) đã đăng tải trên website chính tên 4 nhà nhập khẩu có khả năng đã mua phải nguyên liệu nhiễm độc của nhà sản xuất Fonterra của New Zealand, trong đó có hãng Dumex...

Bốn công ty trên gồm 2 hãng sản xuất nước giải khát lớn nhất Trung Quốc là Công ty thực phẩm Wahaha, Wahaha Import&Export và Tập đoàn thực phẩm trẻ em Dumex, Shanghai Tangjiu Group được cho là đã nhập khẩu nguyên liệu bị nhiễm độc của công ty sữa lớn nhất New Zealand và lớn thứ 4 thế giới.

Bốn công ty trên đang rà soát lại các lô hàng có khả năng nhiễm khuẩn theo cảnh báo của Fonterra.

(Nguồn China Daily)

PV