Tín hiệu giảm lãi suất huy động đã được ngân hàng đầu tiên phát đi, nhiều ngân hàng khác đã hạ lãi suất cho vay để cố đẩy vốn vào khu vực sản xuất, kể cả vốn dài hạn.

Đồng loạt giảm lãi suất

Từ ngày 06/05/2013, đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động, kỳ hạn 1 tháng là 6%/năm, 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm. Tại các kỳ hạn 6-9 tháng, trần lãi suất huy động áp dụng là 7%/năm, giảm 0,5%/năm so với lần điều chỉnh trước đó. Như vậy, với hai lần điều chỉnh, lãi suất huy động thấp nhất của Vietcombank thấp hơn mức trần quy định của NHNN mức kỷ lục là 1,5%/năm.

Vietcombank cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn còn khoảng 10,5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn thấp nhất cũng chỉ còn khoảng 11,6%/năm. Thậm chí, lãi suất ưu đãi tại ngân hàng này chỉ còn là 7,5%/năm.

VPBank cũng triển khai chương trình cho vay ưu đãi lãi suất 6%/năm trong 6 tháng đầu, áp dụng cho khoản vay có thời gian cam kết tối thiểu trên 24 tháng. Cho vay mua nhà đất, xây dựng sửa chữa nhà, mua ô tô với mức lãi suất 9,99%/năm.

{keywords}

Trong khi đó, dù chưa giảm lãi suất huy động nhưng hiều ngân hàng đã cso chương trình giảm lãi suất cho vay. Cuối tháng 4, BIDV đã cho vay khách hàng là cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh khi vay tại BIDV, mức lãi suất hấp dẫn 9%/năm trong 03 tháng đầu tiên. Đối với khách mua nhà áp dụng lãi suất 10%.

OceanBank vẫn đang triển khai gói sản phẩm cho vay ngắn hạn lãi suất chỉ chỉ 6,8%/năm cho một số lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. ABBANK có gói hỗ trợ 500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 9,9%/ năm. Sacombank cũng có gói tín dụng lên tới 4.200 tỷ đồng ưu đãi cho vay dành cho khách hàng cá nhân 2013 với lãi suất chỉ 9%/năm. Đối tượng cho vay của gói tín dụng này tương đối rộng từ cho vay phát triển nông thôn, mua - xây - sửa chữa bất động sản tới cho vay cán bộ nhân viên và sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Thông báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 4 tháng đầu năm, vốn khả dụng bằng VND của các TCTD khá ổn định, dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc và nhu cầu thanh toán, nhu cầu vay vốn của các NHTM qua nghiệp vụ thị trường mở không lớn.

Huy động vốn tăng trở lại kể từ cuối tháng 1/2013 và tăng cao so với cùng kỳ của năm 2011 và 2012. Tính đến ngày 23/4/2013, huy động vốn tăng 5,34% so với cuối năm 2012, cao hơn gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012 và gấp hơn 6 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, tính đến ngày 23/4/2013, tín dụng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2012, cao hơn mức giảm 0,2% của 4 tháng đầu năm 2012.

Mức tăng này dù có cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu. Nguyên nhân chính là do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ở mức thấp, một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ và chưa có nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nên nhu cầu tín dụng hạn chế và tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, các nhân tố tác động chủ yếu là vấn đề hàng tồn kho của doanh nghiệp, khả năng tiêu thụ sản phẩm, vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Viecombank, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định và vẫn được duy trì tốt trong thời gian khá dài, trong khi đó tín dụng vẫn hết sức trì trệ. Do vậy, việc tiếp tục giảm lãi suất huy động là phù nhằm tiếp tục tạo cơ sở hạ lãi suất cho vay.

Canh tranh cho vay

Theo ông Thanh, khó khăn lớn nhất của các ngân hàng hiện nay là doanh số giải ngân cũng như chất lượng tín dụng quá thấp. Tuy nhiên, thực tế khó khăn nằm ở chỗ không phải ngân hàng không muốn cho vay mà do rủi ro quá lớn khi chất lượng kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay quá thấp.

Để cải thiện vấn đề này, hạ lãi suất huy động sẽ là mũi tên trúng 2 đích khi vừa kích thích các thành phần kinh tế và người dân tiêu dùng nhiều hơn, qua đó giải quyết vấn đề hàng tồn kho, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp; đồng thời lãi suất huy động giảm là trực tiếp góp phần giảm chi phí huy động, tạo tiền đề để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp.

Ông Thanh cho rằng, trần lãi suất huy động dưới một tháng cần được xem xét giảm để tạo điều kiện cho các ngân hàng hạ chi phí vốn qua đó có cơ sở tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay.

Trong các dự báo mới đây đều cho rằng, khả năng giảm lãi suất sẽ còn tiếp tục. Trong bản báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 4/2013, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCGQ) dự báo lãi suất cho vay có thể giảm thêm 2 - 3% trong thời gian tới. Standard Chartered nhận định, đang có cơ hội để cắt giảm tiếp lãi suất huy động về mức 7%/năm, kéo lãi suất cho vay xuống quanh mức 10%/năm.

{keywords}

Trong tình hình vốn khả dụng dồi dào, lãi suất tiếp tục xu hướng giảm tuy nhiên, muốn đẩy mạnh cho vay lúc này rất khó và cuộc cạnh tranh tìm kiếm khách hàng tốt ngày càng gay gắt. Các ngân hàng đang tìm mọi cách để đẩy mạnh cho vay khi tình hình cho vay khá ảm đạm, dù lãi suất giảm bởi DN không có nhu cầu. Hiện nay, số DN có sức khỏe tốt và dự án khả thi không nhiều. Để tìm kiếm được khách hàng tiềm năng trao vốn trong bối cảnh hiện nay tương đối khó.

Trong hoàn cảnh này, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, khó có thể đẩy mạnh dư nợ tín dụng trong bối cảnh hiện nay khi sức mua của thị trường giảm mạnh. Các DN chỉ vay vốn cầm chừng, chưa có ý định đầu tư mới cho việc sản xuất - kinh doanh. Lãi suất giảm chưa hẳn đã thu hút được khách hàng vay vốn, nếu nền kinh tế còn tiếp tục khó khăn vì thế các ngân hàng phải cạnh tranh nhau để cho ay.

Theo chuyên gia từ Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chắc chắn lãi suất cho vay sẽ còn giảm. Vì áp lực cho vay của các ngân hàng gia tăng khi thanh khoản dồi dào hơn trước, nhưng thị trường không dễ cho vay ra nên cạnh tranh trong việc tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay đang ngày một nóng.

Ngọc Sơn