Từ 5/3, Ngân hàng Nhà nước chính thức được bán vàng để can thiệp thị trường nhằm bình ổn giá vàng. Theo các chuyên gia sẽ cần một lượng lớn vàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thủ tướng cho phép bán vàng

Chiều ngày 4/3, Thủ tướng đã có Quyết định về việc Ngân hàng Nhà nước mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước. Quyết định có hiệu lực ngay sau một ngày.

Hơn một tháng sau khi dự thảo được đưa ra xin ý kiến các bên, quyết định đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên mua bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường trong nước và bổ sung dự trữ ngoại hối quốc gia.

Quyết định ký ban hành ngày 4/3 về cơ bản không khác nhiều so với dự thảo công bố cuối tháng một. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được giao dịch với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước được mở tài khoản, mua vàng, bán vàng trên tài khoản ở nước ngoài hoặc mua vàng ở nước ngoài để nhập khẩu vàng bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước hoặc bán vàng ở nước ngoài để xuất khẩu.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo an toàn dự trữ ngoại hối Nhà nước thông qua việc tuân thủ các quy định về cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước khi thực hiện mua, bán vàng miếng.


Ngân hàng Nhà nước được chủ động xây dựng phương án mua vàng miếng hoặc bán vàng miếng để can thiệp thị trường vàng trong từng thời kỳ. Cơ quan này cũng được quyền lựa chọn và quyết định cụ thể việc mua, bán vàng miếng trong từng lần giao dịch theo cách mua, bán trực tiếp hoặc thông qua đấu thầu.

Cùng với quyết định của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn việc mua bán của mình trên thị trường trong nước, dự thảo quy chế đấu thầu, ký hợp đồng gia công vàng với SJC...

Việc Ngân hàng Nhà nước tham gia mua bán thị trường vàng miếng đã được quy định tại Nghị định 24 ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, yêu cầu này trở nên bức thiết hơn trong vài tháng trở lại đây, khi giá vàng trong nước ngày càng vênh xa so với thế giới, có lúc đã lên đến 5,3 triệu đồng mỗi lượng. Tại kỳ họp tháng 11 năm ngoái, Quốc hội đã ra nghị quyết yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bình ổn thị trường, đưa giá trong nước sát với thế giới và đảm bảo quyền lợi của người nắm giữ vàng.

Chiều 4/3, Phó thống đốc Lê Minh Hưng và Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC Lê Hùng Dũng khẳng định giá vàng trong nước sẽ sớm sát với thế giới sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức tham gia thị trường và SJC gia công một lượng vàng cần thiết để phục vụ mục tiêu bình ổn giá.

Bao nhiêu tiền để bình ổn giá vàng?

Lý giải tại cuộc phỏng vấn trực tuyến về thị trường vàng, ngày 4/3, về việc giá vàng vẫn duy trì chênh lệch so với giá thế giới gần 3,8 triệu đồng mỗi lượng, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty SJC cho rằng, điều này là do chưa có sự liên thông giữa hai thị trường.

Bình thường trước đây trung bình mỗi năm nhập 3-4 tấn vàng, nếu muốn liên thông giá vàng trong nước với thế giới, bình quân một năm phải nhập 30 tấn.

Tính theo giá thị trường, mỗi tấn vàng 60 triệu USD, nhân lên 30 tấn thì phải cần 1,8 tỷ USD, tương đương 37.000 tỷ đồng Việt Nam. Nhưng có vấn đề, nếu chúng ta bơm ra thị trường số tiền này thì lạm phát sẽ vọt lên 2 con số trở lại.

Còn nếu phải nhập đủ nhu cầu với con số 40 tấn vàng thì chúng ta sẽ phải mất 2,4 tỷ USD, tương đương gần 50.000 tỷ đồng. Đây là một lượng tiền quá lớn, có thể gây ra lạm phát cao và làm cho nhiệm vụ kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn và bất khả thi.

Kèm theo đó, sẽ xuất hiện hàng loạt hệ lụy khác, như áp lực tỷ giá… đổi lại chỉ là giá trong nước sát với thế giới. Nhưng ai là người mua và ai được lợi, chắc chắn không phải là người lao động, mà chỉ toàn “đại gia”. Vậy để cứu “đại gia” chúng ta có cần thiết phải hy sinh lớn như vậy không?

“Dù chênh lệch như vậy nhưng không có giao dịch số lượng lớn. Tuy nhiên, có chênh lệch lớn là do trước đó nhiều đơn vị đã mua số lượng lớn, nay mua lại nhằm cắt lỗ chứ không thể tạo ra lợi nhuận, nên không thể có lợi nhuận vào túi ai cả mà chỉ là lãi kỹ thuật. Do vậy, thời điểm này mua được lợi nhưng bán thì sẽ chịu lỗ vì trước đó đã mua giá cao”- ông Dũng phân tích.

Về việc giá vàng chênh lệch vẫn lớn kéo theo lợi nhuận kếch xù cho nhà nhập khẩu, Phó Thống đốc NHNN, ông Lê Minh Hưng cho rằng, NHNN chưa tiến hành nhập khẩu vàng nguyên liệu.

NHNN với tư cách người mua bán cuối cùng trên thị trường chỉ tham gia thị trường khi nào có những biến động và với mục tiêu bình ổn, chứ không vì mục tiêu lợi nhuận.

Theo ông Hưng, để bình ổn thị trường, nếu thấy chênh lệch giá lớn chỉ có cách NHNN tung vàng dự trữ ra để bán nhằm điều tiết giá vàng. Còn hiện nay chủ yếu là do thị trường tự điều tiết nên mức giá phải có chênh lệch như vậy.

Thời gian tới, khi NHNN thực hiện can thiệp thị trường, đồng thời SJC gia công thì nguồn vàng lớn sẽ được bung ra thị trường và đủ lớn thì giá trong nước sẽ về sát thế giới.

“Về việc đấu thầu vàng, NHNN mới chỉ thử nghiệm trong nội bộ các Vụ, Cục chứ chưa tiến hành đấu thầu thực sự. Việc thử nghiệm này để đánh giá quy trình và cách thức vận hành cơ chế đấu thầu trước khi triển khai chính thức”- ông Hưng cho biết.

PV (Theo TP)