Từ một vùng chuyên canh rau thơm, từ một làng chuyên trồng húng Láng cung cấp cho khắp đất Kinh kỳ nay chỉ còn 4 người bám trụ. Tất cả đã vào tuổi thất thập lai cổ lai hy. Đất trồng húng Láng cũng chỉ còn vẻn vẹn mấy chục mét vuông.

Húng Láng đang đến ngày tàn?

Hơn 4h sáng, khi Hà Nội vẫn còn im lìm trong giấc ngủ say với con mưa đầu hè, ngay cạnh bên trái chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội), ba bốn người nông dân đã tay dao, tay lạt lụi cụi hái rau. Những bó húng chỉ chừng 10 tới 20 cây con đã thành một bó nhanh chóng xếp lại trên bờ ruộng. Những bó rau không xanh ngát như cải, không dài rộng như bí, không đều đặn như rau muống nhưng vết cắt làm nhựa cây thơm tỏa cả một vùng.

Nhiều người dân quanh khu vực đã từng trầm trồ: khi nông dân cả khu cắt húng để tiểu thương mua buôn bán vào các nhà hàng, cho cư dân nội thành thì ai đến gần "chao ôi là thơm". Nó không ngào ngạt như húng bạc hà nhưng mà thơm lâu, dịu, dễ chịu phải biết.

4h sáng là thời điểm đầu tiên người nông dân ra ruộng hái húng để bán tại chợ Láng buổi sáng. 8h, họ ra ruộng lần hai để làm cỏ, chăm cây, vun bón cho vườn rau gia đình.

Bà Định (phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) là một trong số hiếm hoi những người còn ruộng tại khu chùa Láng, tất bật ra ruộng rau ở cạnh chùa. Cặm cụi dọn cỏ cho luống rau húng, bà Định kể: "Đến tôi là đời thứ 4 trong gia đình theo nghề trồng húng. Trước đây, khi người ta chưa quy hoạch đất để xây nhà, ruộng đất còn nhiều, riêng gia đình tôi có 10 luống húng. Bây giờ, nhà 10 tầng kia mọc lên thì chỉ còn miếng này, với 2 luống ở mảnh đất phía trong kia nữa là hết".

Ruộng rau húng Láng duy nhất còn lại chỉ rống mấy chục mét vuông.

Luống rau húng của bà Định được trồng lại từ tháng 8/2011, đến nay đã gần 1 năm nhưng rau vẫn lên xanh mượt. Gần ruộng rau nhà bà, 2 luống rau húng nhà bà Sói cũng đang đến độ thu hoạch. Dù đang ở độ căng tràn nhất nhưng húng làng Láng vẫn không mập như các nơi khác, loại khác mà nó vốn có thân nhỏ, lá mỏng ít răng cưa. Mặt lá màu xanh thẫm, cuống và gân lá màu tím.

"Nghề trồng húng ở đây đang mai một dần. Hiện cả khu cũng chỉ còn 4 nhà trồng húng. Nhà nhiều thì có 5, 7 luống, nhà ít thì chỉ có 2 luống. Người trồng húng hầu như đều đã cao tuổi: như bà Tất trồng nhiều nhất thì đã hơn 80 tuổi, tôi năm nay 72 tuổi... Bà Sói, bà Kiệm cũng đã ngoài 50, 60 tuổi. Cao tuổi rồi nhưng mình không trồng thì có lẽ rau húng Láng cũng mất thôi. Tôi sống bằng nghề trồng rau, nhưng đến đời con tôi thì cũng đã chuyển sang nghề khác vì đất nông nghiệp bây giờ bị thu hẹp, còn có bao nhiêu đâu".

Rau húng có thể trồng quanh năm, và không phải mất công chăm bón nhiều. Sau mỗi đợt hái, chỉ cần tưới chút nước giải là húng lên đều, xanh non. Đặc biệt, húng không ưa đạm hay phân bón. Những loại phân lân vô cơ dễ làm húng bị ủng, thối.

Theo bà Định, cứ 10 ngày có thể thu hoạch 1 lứa húng. Một luống húng 2m có thể thu được 200 - 300 mớ. Giá bán húng tận ruộng là 500 đồng/mớ. Tính ra trồng húng kinh tế hơn các loại rau khác như muống, đay, mồng tơi...

Chút chất Kinh kì sót lại

Húng Láng thơm, nhiều người mê đắm, muốn đem về nhà ươm giống để muốn nhâm nhi chén rượu với bạn, có cỗ lòng là có húng nhưng chuyện đó không hề đơn giản. Húng Láng có những đòi hỏi riêng, mà nhiều người cho rằng "kiêu như con gái đất Kinh kỳ".

"Húng Láng vốn nổi tiếng thơm, ngon, được nhiều người ưa chuộng. Vị thơm của húng Láng không nồng như húng bạc hà, húng dũi. Nó thơm mát, dịu nhẹ, khi ăn vào miệng mới có thể cảm nhận thấy. Tuy nhiên, phải trồng trên đất của làng Láng xưa thì rau mới có được vị thơm, ngon đặc trưng. Năm ngoái có người ở Mỹ Đình đánh hẳn xe con lên đây mua giống rau húng của tôi về trồng. Rau lên xanh tốt nhưng ông ấy nói húng không có được cái vị thơm, ngon đặc trưng của húng Láng nữa", bà Định chia sẻ.

Người trồng rau làng Đăm (Tây Tựu - Từ Liêm) cũng không ít lần lên xin húng Láng về nhân giống nhưng chưa thể lai được thứ rau quý này. Húng Láng mang ra khỏi làng Láng là không còn mùi thơm dễ chịu nữa. Thầy trò trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đã từng đến nghiên cứu để lý giải điều này.

Theo bà Sói, một trong 4 người tận tâm với cây húng Láng, đất trồng húng được đánh luống, đánh dõng, khi trồng cũng phải có cách riêng của nó chứ không chỉ cắm ngọn húng xuống đất là xong. Mầm húng phải đặt cong dưới đất thì cây mới có độ bám và mọc lên được. Mà cũng phải đợi đến tháng 10, 11 âm lịch chờ cây lên mầm thì mới hái mà ươm luống. Nước tưới cho rau húng phải là nước tiểu pha thật loãng. Những ngày nắng tháng 6 như đổ lửa nhưng muốn có húng ngon, người làng Láng vã mồ hôi mà tưới nước. Húng Láng cũng "khó tính", chỉ cần có vài cây cỏ mọc xung quanh là chúng không chịu lên.

Theo nhiều chuyên gia, từ thời Lý vào thế kỷ XI, Láng là một trong 61 phường của kinh thành Thăng Long, chuyên canh các loại rau gia vị và rau thơm trong đó rau húng là tốt và ngon hơn cả. Húng Láng trở thành rau tiến vua và là niềm tự hào của người dân. Thậm chí, địa danh làng Láng và sản vật húng Láng còn đi vào ca dao, tục ngữ. Tuy nhiên hiện nay, húng Láng hầu như không còn bởi làng Láng đã lên phường từ lâu và những mảnh đất trồng húng Láng, hiện giờ có giá hàng trăm triệu đồng/m2. Nhiều người đã tiếc thương đời húng, nhưng liệu có cách nào gìn giữ khi đô thị hóa đang là vũ bão?.

Đề án Bảo tồn Húng Láng

Húng Láng lá nhỏ ít răng cưa, mọc lan thành khóm, không mọc thành bụi to như húng dũi. Mặt lá mầu xanh thẫm, cuống và gân lá màu tím. Thân cây đanh lẳn, tròn, màu tím sẫm, không có lông. Lá có mùi thơm dịu hơn các loại húng quế, húng chó, húng dũi... Húng có hoa nhưng không có hạt. Người trồng húng phải chọn ngắt những thân cây bánh tẻ trồng xuống đất ẩm. Sau vài ngày, húng sẽ đâm rễ và phát triển. Hương vị đặc biệt của húng Láng không còn nữa khi đem trồng vùng đất khác.

Mới đây, UBND TP.Hà Nội đồng ý về nguyên tắc theo đề nghị của Sở NNPTNT về việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển húng Láng - loài cây bản địa, cổ truyền, nguồn gene đặc hữu, quý hiếm của đất kinh kỳ Thăng Long - có giá trị về khoa học, kinh tế và văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Hải Định