Nhu cầu tìm một nơi yên nghỉ cuối đời được quy hoạch hoàn chỉnh, phong thủy tốt và không lo…di dời đang khiến không ít dân đô thị phải “nhức đầu”. Vài tháng trở lại đây, nhu cầu tìm đất nghĩa trang tại TPHCM và vùng ven đã có dấu hiệu “sốt - nóng”…

Đỏ mắt tìm nơi “an lạc” cuối đời

Anh Lê Văn Cường (nhà ở quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết cả tháng qua, anh chạy đôn đáo khắp Bình Dương, Đồng Nai tìm mua đất để di dời phần mộ gia đình.

Sở dĩ anh Cường phải đi xa như vậy bởi giá phần đất nghĩa trang ở khu vực TPHCM không hề rẻ và rất khó kiếm. Các nghĩa trang như Đa Phước, quận 9, Thủ Đức gần như không còn một chỗ trống. Đơn cử như nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh) rộng 67 ha đã được lấp đầy.

Theo chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM, đơn vị này đang ráo riết giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 khoảng 11ha để phục vụ nhu cầu quá lớn của người dân. Hiện nghĩa trang này chỉ dám nhận khoảng 120 mộ phần/tháng, so với nhu cầu hàng nghìn mộ cần được chôn..

Chị Thu Hòa, phường 15, quận Tân Phú thì lo ngại không biết phải di dời phần mộ của gia đình đi đâu.

Chị Hòa đã đi tham khảo nhiều nơi đề rời mộ phần gia đình, nhưng cái giá đất không hề rẻ tại các nghĩa trang ở quận ven TPHCM khiến chị lắc đầu: phần mộ diện tích 1,2 x 2,2 m2 tại nghĩa trang Đa Phước thấp nhất là 31 triệu đồng và cao nhất lên đến 100 triệu đồng, nhưng chỉ những người có giấy báo tử hoặc giấy phép mai táng mới được mua…

Tại khu vực quận 9, giá đất dành cho người chết cũng bị đẩy lên cao (chủ yếu là do đầu cơ); một phần mộ diện tích 1,6 x 2,8 m2 giá không thấp hơn 80 triệu đồng và ở quận Thủ Đức cũng khoảng 70 triệu đồng.

Người Sài Gòn về tỉnh “săn” đất nghĩa trang

Tình trạng đắt đỏ, khó kiếm đất nghĩa trang khiến nhiều người TP tìm về các tỉnh ven TPHCM tìm đất lo “hậu sự” cho người thân.

Anh Bình (quận 1, TPHCM) cho biết thông qua giới thiệu của một người bạn, anh tìm mua được 2 mộ phần tại nghĩa trang công viên Bình Dương, giá từ chỉ từ 12-22 triệu đồng (diện tích mộ phần 5,63m2). Giá rẻ, không quá xa TPHCM (dưới 50km) hiện khu công viên nghĩa trang rộng 190ha này đang được khách hàng từ TPHCM quan tâm. Theo quy hoạch, diện tích đất địa táng dành cho tỉnh Bình Dương khoảng 60%, còn lại dành cho TPHCM và các tỉnh lân cận.

Tòa bảo tháp 9 tầng độc đáo trong tổng thể dự án nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng.
Một dự án nghĩa trang - công viên khác cũng đang rất hút khách từ TPHCM là dự án An Viên Vĩnh Hằng, tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Điểm nổi bất của các dự án công viên - nghĩa trang là quy hoạch theo mô hình nghĩa trang hiện đại: mang dáng dấp của một công viên thực thụ, quy mô 116,24 ha (giai đoạn 1) với khoảng 60.000 chỗ an táng và 300,000 chỗ lưu tro cốt. Số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 247 tỷ đồng do Liên Hiệp HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) toàn quyền quản lý và xây dựng.

Nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng được bố trí phong thủy tốt nhất trong các nghĩa trang - công viên hiện nay.
Công viên nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng được xem là một trong những vị trí có phong thủy tốt nhất Việt Nam, nằm dọc theo dòng chảy sông Đồng Nai, bên trong là dãi đất liền, đồi núi tự nhiên. Ngoài ra dự án này còn có các thiết kế và xây dựng độc đáo như: bảo tháp 9 tầng, tượng Phật cao 35m, cùng nhiều công trình kiến trúc dọc bờ sông như: chùa chiền, nhà nguyện, tượng của những vị anh hùng, người có công với Tổ Quốc, khu nghĩ dưỡng, khu vui chơi ăn uống...

Điểm khác biệt của dự án này là các mộ phần đều được cấp “sổ đỏ” và khách hàng có thể tự do chuyển nhượng...

Theo một đại diện của Donacoop, mỗi ngày có hàng chục khách hàng quan tâm tới dự án, xin tư vấn. Hiện có khoảng 500 khách hàng “xếp hàng” chờ được được mua đất mộ phần. Tuy nhiên, tới ngày 2/7 tới đây Donacoop mới chính thức công bố thông tin dự án và dự kiến khoảng tháng 11 mới bán hàng, đưa vào sự dụng dự án “đặc biệt” này.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm ở khu vực tam giác TP. HCM -Bình Dương - Đồng Nai có khoảng hơn 60.000 người chết, với diện tích đất cần để làm nơi yên nghỉ khoảng 90 ha.

Trong quy hoạch vùng TPHCM đến 2020 và tầm nhìn đến 2050, Chính phủ định hướng xây dựng các nghĩa trang tập trung theo dạng công viên với quy mô từ 200 - 300 ha khu vực xung quanh TPHCM. Dự kiến đến năm 2020, nhu cầu cho quỹ đất nghĩa trang ở các khu vực TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai lên đến hơn 900 ha.

  • Châu Giang