“Gắn mác” là người giàu sang, vợ chồng thương lái mua lúa (lái lúa) ở tỉnh Sóc Trăng đã mượn gần 10 tỷ đồng của người dân rồi “biến mất” khỏi địa phương. Vụ việc khiến cả vùng quê nghèo này phải rúng động.

Nghe “lái lúa” nói đang kinh doanh lúa gạo với người nước ngoài, lãi to nhưng không đủ vốn, gia đình bà Châu Yến Nga (làm ruộng, ngụ ở ấp Tân Lộc, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đã vay họ hàng, đem đất đi thế chấp ngân hàng cho mượn. Tuy nhiên, sau khi mượn xong, “lái lúa” này đã rời khỏi địa phương khiến cho gia đình bà Nga lâm vào cảnh khốn cùng.

{keywords}

Người dân ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng thông tin về vụ việc.

“Bà Nguyễn Thanh Thảo (thị trấn Long Phú, huyện Long Phú) chuyên thu mua lúa rồi bán lại (lái lúa) quen biết với tôi do bạn bè giới thiệu. Tháng 12.2014, tin tưởng bà Thảo, tôi không ngại đi hỏi khắp nơi để cho mượn 2 tỷ đồng. Một tháng sau đó, bà Thảo đã trả 1 tỷ nhưng sau đó vài tháng, lại tiếp tục mượn thêm 900 triệu đồng” – bà Nga thông tin.

Cũng theo bà Nga, do hết hạn cho mượn mà không thấy bà Thảo trả, bà đã đi đòi nhưng bên mượn cho rằng bị vỡ nợ. Lúc này, phía bên gia đình bà Thảo chấp nhận giao gạo và chiếc xe máy cho bà Nga để trừ bớt một phần nợ rồi sau đó lén “biến mất” khỏi địa phương. Bà Nga bức xúc: “Họ mượn nhưng thật ra là lừa đảo, nếu trừ đi phần gạo và chiếc xe máy trên, họ còn thiếu của tôi hơn 1,68 tỷ đồng, chưa tính lãi”.

Trước đây, gia đình bà Nga luôn phấn đấu làm ăn và trở nên khấm khá. Sau khi xảy ra tình trạng trên, gia đình bà đã lâm vào cảnh lao đao bởi không có tiền để trả cho hàng xóm và ngân hàng (vay để cho bà Thảo mượn lại). Theo giấy xác nhận của phía ngân hàng địa phương, bà Nga đã thế chấp chấp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác do bà làm chủ sở hữu và 6 giấy chứng nhận tương tự do các con làm chủ sở hữu. Hiện những thửa ruộng đã đến ngày phải gieo sạ nhưng bà không có tiền mua lúa giống.

{keywords}

Bà Liên bức xúc vì mình bị “lái lúa” lừa, lấy đi 1,6 tỷ đồng

Không riêng gì bà Nga, bà Quách Thị Kim Liên (ấp Tân Lập, xã Long Phú, huyện Long Phú) cũng là nạn nhân của gia đình bà Thảo. Bà Liên cho biết, gia đình bà trước đây có bán lúa cho bà Thảo nhiều lần nên quen biết nhau. Vì vậy, khi bà Thảo đề nghị cho mượn tiền, bà không ngần ngại đi vay ngân hàng rồi cho mượn. Không ngờ, bà Thảo đã không thực hiện việc trả nợ như những gì đã hứa.

Bà Liên nói: “Bà Thảo thiếu tôi tổng cộng là 1,6 tỷ đồng. Lúc đầu để cho tôi tin, bà Thảo giới thiệu làm ăn lớn, có nhiều đất, bên chồng có nhà to, đi xe hơi đẹp, ăn mặc như dân có tiền,... Tuy nhiên, khi mượn tiền xong thì nói vỡ nợ. Những tài sản đem khoe trước theo tôi tìm hiểu thật chất là…nguỵ tạo!?”.

Sau vụ việc xảy ra, gia đình bà Liên đã lâm vào cảnh khó khăn, đứa con đang đi học đại học phải nghỉ vì không có tiền đóng học phí. Vụ lúa nào thu hoạch xong, gia đình bà cũng phải cầm số tiền ít ỏi đi đóng lãi ngân hàng (tiền vay là 1 tỷ đồng), trả nợ dần cho các cô, chú - những người đã cho mượn trước đó.

Bà Liên cho rằng, do bà Thảo “gắn mác” người giàu, khó khăn tạm thời nên mới gom tiền cho mượn. Do việc mượn và cho mượn tế nhị nên bà Liên không nói ai nhưng không ngờ “lái lúa” này cũng đi mượn của những hộ dân khác với số tiền thật không thể tưởng tượng được. Khi bà Thảo rời khỏi địa phương, cả vùng này như rúng động.

“Theo tôi biết, từ cuối năm 2014 đến cuối năm 2015, ngoài gia đình tôi và bà Nga, bà Thảo còn mượn của 3 hộ dân khác trong cùng huyện Long Phú nhưng chưa thực hiện việc trả nợ. Tổng số tiền mượn của 5 gia đình là khoảng 10 tỷ đồng. Bây giờ, chúng tôi không tài nào liên hệ được với bà Thảo để đòi tiền” – bà Liên bức xúc nói.

Theo phóng viên tìm hiểu, 3 hộ gia đình khác mà bà Liên nói gồm có: ông Trương Văn Ba (tên thường gọi là Hai Chiến, cho mượn 3,4 tỷ đồng tiền mặt và gần 540 triệu đồng tiền lúa), bà Lưu Ngọc Xuân (cho mượn trên 2 tỷ đồng) và ông Trần Văn Dũng (cho mượn 500 triệu đồng).

Sau khi vợ chồng bà Thảo rời khỏi địa phương (cuối năm 2015), nhiều hộ dân đã làm đơn tố giác gửi đi các cơ quan chức năng hoặc trực tiếp liên hệ đến một số lãnh đạo huyện nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, vợ chồng “lái lúa” vẫn lặn mất tăm sau khi “ôm” số tiền khủng trên. Do cuộc sống của những hộ dân từng đem tiền cho vợ chồng bà Thảo mượn rơi vào bế tắc, vụ việc có khả năng “chìm xuồng” nên đã phản ánh lên cơ quan báo chí.

(Theo Dân Việt)