Lấy hết can đảm thăm trại rắn của chàng trai 9X Hoàng Minh Đức, người đầu tiên trên địa bàn TP.Lạng Sơn nuôi rắn hổ mang, rắn hổ trâu. Nghe 9X Hoàng Minh Đức kể chuyện thức đêm thức hôm nuôi đàn mãng xà cực độc không khỏi rùng mình, nhưng với anh thì hết sức bình thường. Đàn mãng xà cực độc này mỗi năm mang về cho Hoàng Minh Đức cả trăm triệu đồng...

Những ô chuồng kín mít, dãy bể tối tăm, lành lạnh và sâu hun hút xây bằng gạch có những ô cửa lưới đóng chặt. Khách thăm ai nấy đều thấy rờn rợn, rùng mình khi biết trong những khoảng tối kia là hang ổ của hàng trăm con rắn cực độc lớn nhỏ đang sinh sống, trong đó có những con hổ mang dài gần 2m.

{keywords}
Trại rắn Minh Đức được thiết kế với 2 kiểu chuồng đó là chuồng trên cao và bề (hầm) nuôi.

Chủ nhân 9X Hoàng Minh Đức vội trấn an: “Không sao đâu, chuồng trại chặt chẽ lắm, hơn nữa, rắn sợ người nên thấy có hơi người là chúng lủi sâu trong hang. Rắn chỉ tấn công khi chúng cảm thấy bị đe dọa. Chỉ cần vuốt ve chúng môt cách nhẹ nhàng thì chúng sẽ “hết điên” và trở lại hiền dịu”. Khi được hỏi rằng có bao giờ anh sợ rắn cắn không? Hoàng Minh Đức cười hiền: “Mình “ăn nằm” ở đây với chúng mà, sợ sao nuôi nổi”. Ngủ ngay cạnh khu nuôi rắn nên tối đến chàng trai trẻ có thể dễ dàng theo dõi, nghe ngóng những âm thanh, qua đó có thể phát hiện những con rắn bị bệnh.

{keywords}
Một chuồng nuôi rắn tập trung anh Đức đang nuôi khoảng 20 -30 con mãng xà cực độc.

Anh Hoàng Minh Đức kể: Cuộc đời mình phiên bạt khắp nơi. Sau những năm bươn chải bên ngoài, mình về quê làm trang trại. Nhận thấy nuôi lợn, gà khá phổ biến mà thị trường, giá cả không ổn định nên mình quyết tìm hướng đi mới hơn. Rắn là một con vật mình vốn yêu thích từ nhỏ. Qua tìm hiểu mình thấy nếu nuôi rắn thành công thì hiệu quả kinh tế rất cao. Ban đầu mình gom góp, vay mượn đầu tư hơn 10 triệu đồng làm chuồng, nuôi 120 con rắn hổ mang. Nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm cộng với nhiệt độ thất thường nên rắn chết chỉ còn khoảng 30 con. Thời điểm đó mình nản lắm, nhiều lúc muốn từ bỏ nhưng nghĩ đến công sức và vốn bỏ ra để xây dựng chuồng trại mình lại quyết nuôi lại lần nữa và may mắn được như ngày hôm nay”.

{keywords}
Anh Hoàng Minh Đức thường xuyên kiểm tra sức khỏe của đàn rắn.

Sau thất bại đầu tiên 9X xứ Lạng lao vào mày mò, tìm hiểu trên sách báo, internet và thăm một số trại rắn ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang.. Đến nay chàng trai 26 tuổi đang sở hữu hơn 180 con rắn thịt và rắn sinh sản cho thu nhập cả trăm triệu/năm. Để đảm bảo cho rắn sinh trưởng, phát triển tốt, anh Đức thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ chuồng nuôi. Trong chuồng luôn được thắp điện và bật quạt đảm bảo khô ráo để rắn không bị bệnh nấm. Nuôi rắn khá nhàn 4-5 ngày chúng mới ăn một bữa vào mùa hè còn mùa đông chúng ngủ đông. Thức ăn là cóc, ếch nhái hoặc phần cổ gà. Rắn ít bị bệnh tật, chỉ đôi khi mắc tiêu chảy hoặc bệnh phổi. “Nếu biết đặc tính và cách phòng tránh thì năng suất đạt được rất cao”,. 9X Hoàng Minh Đức chia sẻ.

Theo anh Đức, thời điểm này rắn hổ mang, hổ trâu có giá có giá dao động từ 500.000-600.000 đồng/kg rắn thịt. Ngoài ra anh Đức còn đang sở hữu nhiều bể nuôi rắn đang trong giai đoạn sinh sản và đàn rắn con. Trung bình 1 năm, tuỳ theo điều kiện chăm sóc, một cặp rắn có thể sinh sản từ 30- 40 rắn con. Thời điểm hiện tại rắn con giống có giá 80.000 đồng/con, còn trứng giá 70.000/quả. “Nhiều lúc phải từ chối khéo khách hàng vì không có trứng để giao, có lúc lại cũng muốn giữ lại để ấp nở”, trai xứ Lạng thổ lộ.

{keywords}
Một con rắn hổ mang cực độc sắp đẻ được anh Hoàng Minh Đức tách riêng ra một bể nuôi để chờ sinh sản.

Anh Đức chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang sinh sản: Chọn rắn bố mẹ đẹp, khỏe mạnh, đạt 1.5kg/con trở lên để cho chúng giao phối. Hổ mang chỉ “giao hoan” có mùa, vào tháng 3-4 và sau đó vào tháng 5 thì rắn mẹ đẻ. Mình thả 20 - 30 con rắn/chuồng theo tỷ lệ 1 đực 4 cái cho đến khi thấy bụng những con cái to ra thì bắt từng con cái ra “ở riêng” một bể chờ đẻ. Rắn hổ mang cái chỉ mang thai hơn 20 ngày là chúng đẻ, mỗi lứa 15 - 20 quả trứng, mỗi năm 1 con cái đẻ 1 lứa.

{keywords}
Anh Hoàng Minh Đức (phải) đang  hướng dẫn cách xây chuồng trại  rắn cho anh Nông Hữu Du (huyện Cao Lộc- Lạng Sơn) để anh Du học tập phát triển mô hình nuôi rắn. 

Là người đầu tiên trong vùng thử nghiệm và thành công mô hình nuôi rắn hổ mang, rắn hổ trâu, 3 năm trở lại đây trại rắn Minh Đức luôn là địa chỉ nhiều người tìm đến để hoc tập kinh nghiệm và  được anh hướng dẫn tận tình kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi rắn hổ mang, rắn hổ trâu...

(Theo Dân Việt)