Điều lạ là, một cân gạo giá 12.000 đồng nhưng 1 lít rượu bán ra cũng chỉ 12.000-15.000, vậy lãi ở đâu ra? Thế nên mới có tình trạng rượu pha cồn công nghiệp, rượu giả. Vì thế, có thể tới đây, tất cả cửa hàng cơm, quán nước, muốn bán rượu phải có giấy phép.

Rượu giả gây chết người hàng loạt

Những vụ chết người vì ngộ độc rượu liên quan đến rượu giả liên tiếp gần đây đã dấy lên nỗi ám ảnh cho nhiều người. Theo các chuyên gia, nếu không có biện pháp quản chặt những loại rượu “độc” này, hậu quả sẽ ngày càng trầm trọng.

Giữa tháng 2/2017, dư luận bàng hoàng khi 7 người ở Lai Châu cùng hàng chục người khác phải đi cấp cứu vì uống rượu pha cồn công nghiệp (methanol). Kết quả kiểm nghiệm của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, rượu mà các nạn nhân uống có cồn công nghiệp ở mức rất cao, có loại gấp tới 5.000 lần tiêu chuẩn cho phép.

{keywords}
Rượu pha cồn công nghiệp là thủ phạm khiến nhiều người mất mạng. Ảnh minh họa

Khi xã hội còn chưa hết sửng sốt, thì một vụ ngộ độc rượu khác ngay giữa lòng Hà Nội cách đây 10 ngày khiến 9 sinh viên suýt mất mạng. Từ 26/2 đến 14/3, Hà Nội ghi nhận 25 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol, 19 người đã xuất viện, 3 người tử vong.

Chia sẻ tại tọa đàm “Ngộ độc rượu methanol - Thực trạng và Giải pháp” của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát ngày 23/3, nhiều ý kiến cho rằng, rượu truyền thống, rượu nấu thủ công không hẳn là thủ phạm gây ngộ độc rượu. Nguyên nhân chính là những người sản xuất thiếu đạo đức đã làm rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ngộ độc methanol trước đây ít, nhưng gần đây ngày càng nhiều, đặc biệt trước Tết 2016.

Bác sĩ Nguyên cho hay 34 ca đến cấp cứu thì 9 ca tử vong, trong đó 5 ca bị tổn thương não.

“Các nạn nhân đều uống quá nhiều, toàn lạm dụng, nghiện rượu. Hầu hết rượu không có nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, bác sĩ Nguyên nói. Các vụ ngộ độc rượu tập thể ngày càng tăng, tập trung vào công nhân, sinh viên.

Nói về vấn nạn rượu kém chất lượng, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương, chia sẻ vì lợi nhuận, vì sự thiếu hiểu biết của người dân nên nhiều người đã làm rượu giả.

“Có nơi 1 lít rượu bán 12.000-15.000 đồng/lít, thực sự rẻ hơn nước lọc. 1 cân gạo nấu giỏi thì được 0,9-1 lít. Trong khi đó 1 cân gạo giá đã 12.000 rồi. Nếu cộng thêm tiền than, củi, công xá, lại tính phần lãi nữa mà bán 12.000/lít thì không thể nói là 100% nấu rượu từ gạo”, ông Nguyễn Phú Cường khẳng định nơi làm rượu đã pha cồn công nghiệp để tạo ra rượu.

{keywords}
Các bệnh nhân phải cấp cứu vì ngộ độc rượu.

Hàng cơm, hàng nước bán rượu cũng phải có giấy phép?

Xác định được “thủ phạm” gây ngộ độc rượu hàng loạt, các chuyên gia cho rằng cần phải có cách quản lý cồn công nghiệp cho thật chặt chẽ.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), đề xuất một giải pháp là yêu cầu người làm cồn công nghiệp phải pha màu vào để người ta biết đó là cồn công nghiệp, không được pha, uống.

Với công tác quản lý rượu nói chung, ông Phan Chí Dũng cho biết: Ở các nước châu Âu, sản xuất bán buôn rượu không cần giấy phép. Nhưng bán lẻ rượu thì cần. Ở ta thì bán buôn phân phối kiểm soát chặt chẽ còn bán lẻ không cần giấy phép.

Ông Dũng cho hay vấn đề này cần phải được sửa theo hướng: tất cả cửa hàng cơm, nước muốn bán rượu phải có giấy phép. Vấn đề là thủ tục cấp phép cần cực đơn giản.

“Tất cả các nơi bán rượu, dưới mọi hình thức, đều phải xin giấy phép”, ông Phan Chí Dũng gợi ý.

Tại tọa đàm, đại diện Công ty rượu bia nước giải khát Aroma cho rằng: Từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94 về sản xuất và kinh doanh rượu trong đó có quy định rõ toàn bộ rượu sản xuất và tiêu thụ trong nước phải được dán tem và đăng ký về chất lượng, gồm cả rượu do các làng nghề, HTX, các tổ chức và cá nhân sản xuất.

Tuy nhiên, trong 5 năm vừa qua, thực tế là chỉ một phần rất nhỏ các đơn vị sản xuất chấp hành quy định này.

Thực tế, theo thống kê của Hiệp hội Rượu bia Nước giải khát, 80% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế. Hậu quả, Nhà nước thất thu một khoản tiền thuế rất lớn. Nguy hiểm hơn, điều này đồng nghĩa với việc 80% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không được kiểm soát về mặt chất lượng.

Hệ luỵ xã hội nghiêm trọng của việc này không chỉ là những ca ngộ độc cấp tính nghiêm trọng xảy ra liên tục gần đây mà còn để lại những hậu quả lâu dài về giống nòi, trí tuệ và sức khoẻ của người dân Việt Nam.

Vì thế, nhà sản xuất Vodka Men khẩn thiết mong các cơ quan quản lý nhà nước cùng vào cuộc chấn chỉnh lại việc quản lý, siết chặt việc thực hiện các quy định của Nhà nước về sản xuất và kinh doanh rượu, tăng chế tài xử phạt với các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về chất lượng. Và quan trọng nhất, việc quản lý nghiêm ngặt này phải được duy trì trong một thời gian dài chứ không phải chỉ là phong trào.

Như vậy, các ý kiến đều thống nhất một quan điểm, rượu truyền thống không hẳn có lỗi, lỗi là ở những người sản xuất thiếu đạo đức, vì lợi nhuận đã làm rượu từ cồn công nghiệp, gây hại cho người dùng. Điều quan trọng, người dân cũng phải thay đổi quan niệm về cách uống rượu. Nếu lạm dụng, uống tràn lan, không phân biệt rượu nào thì sẽ gây nhiều tai họa.

Lương Bằng