5 năm qua, Hà Nội đã xây dựng được 23 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm (11 chuỗi thịt, 8 chuỗi gia cầm, 1 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi sữa bò tươi và 2 chuỗi tổng hợp), giúp người dân phát triển chăn nuôi ổn định, thu nhập bền vững.

Tăng giá trị gấp 1,5 lần

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố hiện có trên 24 ngàn con trâu, gần 138 ngàn con bò, trên 1,6 triệu con lợn, gần 30 triệu con gà.

Từ 2012 đến nay, thành phố đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo nhu cầu đặc thù từng địa bàn, từng xa, vùng trọng điểm, nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư ứng dụng công nghệ cao gắn với quy hoạch chăn nuôi.

Ông Tạ Văn Tường, GĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết: Đến nay, Hà Nội phát triển được 23 chuỗi (11 chuỗi thịt, 8 chuỗi gia cầm, 1 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi sữa bò tươi và 2 chuỗi tổng hợp).

{keywords}

Các chuỗi này thu hút gần 3.000 hộ và gần 100 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia. Hàng ngày, chuỗi đã cung cấp cho thị trường khoảng 25,4 tấn thịt lợn, 0,35 tấn thịt bò, 13,3 tấn thịt gia cầm, gần 300.000 quả trứng gia cầm và 78 tấn sữa.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong “Hội thảo Giải pháp phát triển chăn nuôi ổn định, hiệu quả và bền vững” do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức: Việc thực hiện chuỗi liên kết các tác nhân từ sản xuất con giống, nguyên liệu đầu vào, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất, kiểm soát, nâng cao chất lượng, tăng thêm lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Một ví dụ điển hình được đưa ra là mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ tại trang trại Bảo Châu, huyện Sóc Sơn. Ở thời điểm giá thịt lợn hơi xuống đáy 15.000 đồng/kg, giá xuất chuồng tại trang trại này vẫn ổn định ở mức 41.000 đồng/kg. Thậm chí có thời điểm phải từ chối nhiều đơn hàng.

{keywords}

Để thúc đẩy hình thành chăn nuôi theo chuỗi, những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Ví dụ, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc gia cầm, thành phố hỗ trợ 50% phí giết mổ năm đầu tiên, 40% năm thứ hai, 30% năm thứ ba và hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ, hệ thống xử lý môi trường.

Các cơ quan chức năng địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho người dân để chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang khép kín, từ việc lựa chọn con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc, không sử dụng kháng sinh quá liều, dẫn tới tồn dư hoóc môn trong sản phẩm trứng.

Thành phố đứng ra làm khâu trung gian để doanh nghiệp và nông dân ký kết hợp đồng kinh tế, có điều kiện ràng buộc, bảo đảm quyền lợi giữa hai bên.

Định hướng chăn nuôi công nghệ cao

Một trong những định hướng quan trọng của ngành chăn nuôi Hà Nội, đó là phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu đến năm 2020 hình thành các khu, trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Qua đó góp phần tăng năng suất và giá trị từ 1,5 - 1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống hiện nay.

Trong lần đi thực địa tại Ba Vì, Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững và sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, cần thiết phải chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Đây là hướng đi mới đã được khẳng định hiệu quả và thành công tại Hà Nội. Bên cạnh đó, chăn nuôi ứng dụng khoa học công nghệ là hết sức quan trọng.

PGS, TS Nguyễn Văn Đức, Trưởng ban Khoa học- Công nghệ, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, người đã dầy công nghiên cứu tình hình chăn nuôi của TP Hà Nội cho rằng, thực tế các trang trại chăn nuôi trên địa bàn TP mới chỉ ứng dụng công nghệ cao một tỷ lệ nhỏ.

Đối với chăn nuôi bò sữa chỉ có 78% sử dụng hệ thống chống nóng; 85% trại sử dụng máy vắt sữa; 40% trang trại lợn và 35% sử dụng hệ thống chuồng ín, làm mát. Theo lý giải của ông Đức, có thể là do chi phí đầu tư để ứng dụng CNC phải cần đến nguồn vốn lớn, trình độ nguồn nhân lực phải cao, am hiểu được kỹ thuật công nghệ cao.

Mặt khác, các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng: Trong chuỗi liên kết, khâu tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng nhưng vẫn còn yếu kém.

Bởi vậy, các chuyên gia kiến nghị thành phố cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân… đầu tư phát triển chăn nuôi công nghệ cao. Đồng thời, khuyến khích phát triển hệ thống cửa hàng tiện tích, kết hợp với bán hàng qua mạng để sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao đến tay nhiều người tiêu dùng hơn.

Diệu Minh - Thùy Vân