Nhiều người thảng thốt không hiểu vì sao các thông tin cá nhân như tên, tuổi, người thân trong gia đình họ,... lại rơi vào tay những nhà cung cấp các dịch vụ?. Làm sao để chấm dứt tình trạng trên là câu hỏi vẫn còn nhiều vướng mắc.

Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi mua bán, trao đổi những thông tin riêng, hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin là vi phạm pháp luật. 

Tuy nhiên, việc bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng vẫn chưa được quy định cụ thể, chế tài xử phạt cho các hành vi vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và đẩy lùi tình trạng này. Trong khi trên thực tế mức thu lợi của những cá nhân, công ty bán dữ liệu khách hàng là rất cao. 

Cho đến nay, vẫn chưa có cá nhân hay tổ chức nào rao bán dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng bị xử lý, còn người dân vẫn đau đầu vì thường xuyên bị làm phiền bởi các tin nhắn, cuộc gọi không mong muốn. 

{keywords}
Danh sách nhiều dự án BĐS được rao bán công khai trên mạng

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chuyên gia An ninh hệ thống của Bkav, đánh giá, tình trạng mua bán thông tin cá nhân diễn ra công khai, tràn lan trên mạng gây ra nhiều nguy cơ cho người dùng. Không chỉ gọi điện, nhắn tin quảng cáo hay phát tán thư rác, kẻ xấu khi có được thông tin, có thể thực hiện các chiêu trò nhằm lấy cắp tiền từ tài khoản ngân hàng hay tống tiền, lừa đảo để trục lợi.  

Thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav cho thấy, có tới 16% lượng email lưu chuyển trong năm 2016 là email phát tán mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền. Việc thông tin cá nhân bị lộ cho phép hacker phát tán email độc hại tới người dùng là một trong những nguyên nhân khiến mã độc phát triển nở rộ năm vừa qua. 

Sau khi cơ quan an ninh truyền thông lần đầu tiên xử phạt hành chính 3 người buôn bán thông tin cá nhân trên mạng, "sản phẩm" này vẫn được rao bán công khai. Do vướng các quy định pháp lý nên không thể xử lý hình sự, sau đó chuyển hồ sơ sang cho thanh tra Sở TT&TT xử lý vi phạm hành chính.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, cho rằng: Theo quy định tại luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc các công ty liên tục điện thoại, nhắn tin tiếp thị các dịch vụ, sản phẩm trái với ý muốn của người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của họ là hành vi quấy rối bị nghiêm cấm. Người tiêu dùng có quyền khởi kiện tổ chức, cá nhân có hành vi quấy rối mình ra tòa án để buộc các đối tượng này chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân của mình trên mạng internet hay với các tổ chức, doanh nghiệp mà mình tham gia. Khi cung cấp thông tin, cần biết mình cung cấp cho ai, vào mục đích gì, thông tin có được đảm bảo an toàn không. 

Đồng thời, nên thực hiện biện pháp cài đặt phòng, chống phần mềm độc hại trên thiết bị điện tử cá nhân, thường xuyên cập nhật, thay đổi mật khẩu và sử dụng mật khẩu có tính bảo mật cao. Vì vậy, mỗi người cũng cần chú ý yêu cầu các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có hình thức bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng.

Mạnh tay xử lý

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, các chuyên gia và người dùng mong muốn các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay xử lý ngay từ chính các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các cuộc gọi rác. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng cần xem xét điều tra, khởi tố nhằm răn đe, trừng trị các đối tượng có hành vi mua bán thông tin cá nhân.

{keywords}
Sắp tới cơ quan chức năng sẽ mạnh tay xử lý các doanh nghiệp thực hiện cuộc gọi rác

Ngày 18/3/2016, Bộ TT&TT thông ban hành Chỉ thị số 11/CT-BTTTT, theo đó có thể phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Còn đối với hành vi tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông thì bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác đã được sửa đổi và bổ sung bởi Nghị định 77/2012/NĐ-CP để điều chỉnh vấn đề này. 

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2017 của Bộ TT&TT vào chiều ngày 5/4/2017, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo Cục Viễn thông phải tăng cường quản lý nhà nước trong viễn thông, tiếp tục chỉ đạo và giám sát các doanh nghiệp xử lý sim rác, sim kích hoạt sẵn và cuộc gọi rác. 

Chỉ đạo cụ thể việc xử lý các cuộc gọi rác, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Viễn thông phối hợp với các nhà mạng tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp quảng cáo, đặc biệt là các doanh nghiệp quảng cáo bất động sản, để có biện pháp xử lý, ngăn chặn các cuộc gọi rác, làm phiền người sử dụng di động.

Tới đây, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý các cuộc gọi tiếp thị, quảng cáo sản phẩm, dịch vụ mà người nhận không mong muốn.

Duy Anh