Trên độ cao 2.000m là cả một khu rừng già chạy dài tít tắp. Tầng tầng, lớp lớp cây thân gỗ, cây bụi, dây leo quấn quýt tạo nên thảm thực vật vô cùng đặc sắc. Giữa khu rừng đẹp như truyện cổ tích ấy là cả nghìn gốc chè cổ thụ cao tới chục mét. Theo người dân, những “cụ chè” shan tuyết này có tuổi thọ hàng trăm năm.

Pờ Xa quyết giữ kho báu

Trước hành trình chinh phục đỉnh Khang Su Văn, anh Nguyễn Văn Tám - Phó Bí thư xã Mồ Sì San (Phong Thổ, Lai Châu) chia sẻ một câu chuyện buồn: “Nơi này là rừng vàng thật đấy các anh à! Trong rừng là cả một kho thuốc nam khổng lồ, đặc biệt là có giống chè cổ thụ shan tuyết mà chẳng nơi nào có được. Chúng mọc trên đất này từ cả nghìn năm trước. Trước đây, tại cả 3 xã Mồ Sì San, Vàng Ma Chải và Pa Vây Sử, chè mọc thành rừng. Chỉ tiếc bà con khi hái đã đốn hết cả cây khiến rừng chè cổ thụ bị thu hẹp lại. Giờ chúng chỉ còn sót lại trên đường lên mốc 79 (mốc cao nhất nước Việt ở độ cao trên 2.800m thuộc bản Pờ Xa, xã Pa Vây Sử). Hơn bao giờ hết, việc bảo tồn rừng chè cổ thụ này cần phải được làm khẩn thiết”.

{keywords}
Cây chè shan thân tuyết to bằng cả người ôm.

Xã Pa Vây Sử nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển hiện lên giữa bốn bề mây núi. Từ trung tâm xã, phóng mắt về khu rừng già, đỉnh Khang Su Văn cao chót vót, nằm ẩn khuất trong mây mù. Bà con người Mông nơi đây bảo, đó là rừng thiêng, rừng cấm, không một ai được xâm hại đến rừng già đã tồn tại từ nhiều đời này.

Bản Pờ Xa nằm dưới chân núi Khang Su Văn có mấy chục nóc nhà thấp thoáng dưới mây mù, đều là đồng bào người Mông sinh sống. Bao đời nay, họ tôn trọng truyền thống và rất hiếu khách. Biết chúng tôi đến bản, ông Vàng A Dờ - Trưởng bản Pờ Xa rất tận tình khoản đãi.

Đưa đôi bàn tay chai sần và đen sạm hơ hơ bên bếp lửa, ông Dờ mở lời: “Có những năm tuyết phủ trắng đỉnh Khang Su Văn vậy mà cây cối không hề hấn gì. Chúng vẫn vươn cao và tươi tốt, lớp lớp các tầng cây bảo vệ cho nhau. Đó là điều vô cùng đặc biệt ở khu rừng già này”.

Dường như mỗi khi nói đến khu rừng thiêng trên đỉnh Khang Su Văn, ông Dờ đều tỏ lòng thành kính. Người Mông bảo vệ rừng như giữ gìn chính cuộc sống của mình vậy. Mỗi quý, bản mới mở cửa rừng một lần. Bà con chỉ được lấy những cành cây mục về làm củi và cắm một ít thảo quả, chứ không được mang thứ gì khác ra khỏi rừng. Ai mà làm sai sẽ bị phạt nặng. Chẳng thế mà ở nơi này, không bao giờ thiếu nước sinh hoạt. Những chân ruộng bậc thang ở lưng chừng trời luôn được tắm mát bằng suối nguồn.

{keywords}
Hoa chè cổ thụ. 

Trước lúc mổ gà khoản đãi đoàn leo núi, ông Dờ sai cậu con trai cất công lên tận đầu khe suối, xách một xô nước nguồn trong như mắt mèo rồi cho vào cái ấm, đặt lên bếp. Ông Dờ nhẹ nhàng lấy cái gùi treo trên bếp, phía trong có một nắm lá chè xanh biếc. “Hôm nay, tôi sẽ đãi nhà báo thứ chè hảo hạng mà ít nơi có. Lá chè này được hái trên rừng già đấy” - ông Dờ không giấu được niềm tự hào khi nói về thứ chè trứ danh chỉ đất Tây Bắc mới có.

Bên bếp lửa rực hồng, ấm nước sôi ùng ục, ông nhẹ nhàng bỏ từng lá chè vào. Không như bà con miền xuôi hãm chè tươi, chỉ đun nước sôi trong chốc lát, ông Dờ cho lá chè vào nồi nước sôi sau 30 phút mới bắc xuống. “Thứ chè này cũng giống như các loại sâm quý trên rừng, càng đun lâu càng ngon”- ông Dờ chia sẻ.

Nước chè shan tuyết mà ông Dờ rót ra từng bát mời khách không chuyển màu. Bát chè xanh bốc hơi nghi ngút như xua tan giá lạnh nơi biên viễn. Mùi hương thơm mát tỏa ra như gom góp cả các loài hoa rừng hòa quyện trong bát chè. Ai trong đoàn cũng háo hức thưởng thức thứ nước của trời, của thần rừng ban tặng. Nhấp ngụm chè giữa nơi sơn cước mà lòng lâng lâng thật khó tả. Chè shan tuyết thơm nhè nhẹ, hương thơm như một thứ rượu vang hảo hạng cứ ngấm dần, đánh thức mọi giác quan của con người. Nói như lương y Phạm Văn Thanh - người đã dành cả đời đi khám phá núi rừng Tây Bắc: “Đời người mấy ai được may mắn thưởng thức thứ chè của trời đất ban tặng này”.

Những người sành chè ở Hà Nội, mỗi khi muốn thưởng thức hết hương vị độc đáo của chè shan tuyết ở đây đã kì công xách theo can nước từ chính khe suối chảy từ đỉnh Khang Su Văn về để pha chè, chứ dùng nước máy pha chè Shan Tuyết thì không đạt yêu cầu.

Trước lúc rời nhà trưởng bản hiếu khách, ông Dờ còn bảo, người Mông nơi này còn thì khu rừng này còn. Bà con đã thề giữ cho được kho báu quý giá này. Rừng còn là bà con có thuốc chữa cái bệnh, có nước sinh hoạt và còn chè shan tuyết để thưởng thức. Ai không giữ được lời thề đó không phải là con em người Mông nơi đây.

Báu vật của đời

Chúng tôi háo hức lên đường chinh phục đỉnh Khang Su Văn cao vút giữa bốn tầng mây. Từ bản Pờ Xa, đoàn chúng tôi rẽ rừng mà đi. Con đường mòn xuyên núi, băng qua suối nguồn tràn ngập hoa rừng. Mỗi lá cây, ngọn cỏ nơi đây như được tắm trong mây mù. Lớp lớp các loài cây thân gỗ được khoác lên mình bộ áo rêu phong xanh mướt. Đám cây dây leo to bằng một người ôm vươn “cánh tay” khổng lồ móc nối cả khu rừng. Dưới chân là lớp thảm thực vật vô cùng phong phú. Lương y Phạm Văn Thanh bảo: “Bao năm lang bạt đất Tây Bắc, đây là khu rừng nguyên sinh đầu tiên mà tôi nhìn thấy. Bàn tay con người chưa đụng đến nơi này. Mỗi loài thực vật ở độ cao 2.000m này là một bài thuốc quý”.

Càng lên cao, khu rừng càng trở nên âm u, rồi nắng cũng lẩn mất vì tầng tầng các lớp cây ken dày. Lối mòn nhỏ xuyên qua khu rừng già mỗi lúc một dốc hơn, đoàn chúng tôi vừa đi vừa phải dùng tay vén lớp cây bụi và dây leo chằng chịt. Đến lưng chừng đỉnh núi, cả đoàn như vỡ òa khi dưới tấm thảm thực vật phủ đầy hoa chè - thứ hoa có màu trắng tinh khôi, tỏa hương thơm ngát. Quanh những thân cây cổ thụ xù xì, rêu phong phủ kín, hoa trà xuất hiện dày hơn. Chúng tôi phải ngẩng mỏi cổ mới nhìn thấy hết chiều dài của những thân cây chè đang mọc xen giữa những lớp cây cổ thụ cao vài chục mét.

Cây chè cổ thụ ở đây thân to, mọc lên như những cột chống trời. Càng lên cao, mật độ chè cổ thụ xuất hiện càng nhiều. Chúng tôi ước tính khu rừng này có cả nghìn cây chè như thế. “Chúng như báu vật, không dễ gì bắt gặp” - lương y Phạm Văn Thanh quả quyết.

Búp chè cổ thụ shan tuyết mọc lên từ trên đỉnh núi Khang Su Văn này sau khi thu hái sẽ được ngựa thồ về bản và đưa ngay vào sao tẩm. Mỗi khi bà con trong bản hái chè về sao, cả bản đều thơm ngát mùi chè. Bà con người Mông, người Dao ở vùng có chè shan tuyết vẫn sao tẩm chè hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.

Những cánh chè shan tuyết to và cong như lưỡi câu, bên ngoài phủ một lớp tuyết trắng đục, óng ánh tự nó đã thơm ngan ngát, ngửi một lần là muốn hít hà mãi cho đã. Thứ chè trứ danh uống vào cả đời không lo bị bệnh ngoài da và bệnh đường ruột. Bà con người Mông còn coi chè shan tuyết là một vị thuốc. Họ chia sẻ, nếu bị mẩn ngứa chỗ nào chỉ cần lấy một nhúm bã chè shan tuyết xát vào là khỏi ngay.

(Theo Dân Việt)