Mỗi thùng vàng nặng đến nỗi phải 2 anh thanh niên trai tráng trong vùng cùng với một chiếc đòn gánh mới khênh nổi.

Nhắc đến kho báu vua Hàm Nghi ở Minh Hóa, Quảng Bình, không một người dân nào ở xã Hóa Sơn là không biết đến câu chuyện phát lộ hàng tạ vàng dưới gốc cây cổ thụ tại vực Trẩy, thuộc khe Dương Cau. Trận lũ năm 1956, gốc cây này bật ra kéo theo một đống của cải lộ thiên. Người dân Hóa Sơn đã thu gom vàng giao nộp cho Nhà nước.

Người rừng Đinh Hồng Nhâm (Xuân Hóa, Minh Hóa) khi được hỏi đến, cứ hùi hụi tiếc nuối: “Vàng nhiều vô số kể, nhiều đến nỗi phơi hết ra cả hiên nhà, ngoài sân. Sau đó nhà nước vào thu hồi rồi dân quân đóng thành hòm khiêng nặng lắm. Bố tôi cũng là một trong những người khuân vác hồi đó. Ông bảo, giá như lúc ấy giấu vài miếng thì bây giờ con cháu nhà lầu xe hơi hết rồi”.

{keywords}

"Người rừng" Đinh Hồng Nhâm

Ông Nhâm bảo, hồi đó lũ khủng khiếp lắm, trôi nhà trôi cửa, nhưng lũ xong thì cây cối, rắn rết, kho báu... lộ thiên hết cả. Nhiều người dân nhặt được lắm, người được thanh kiếm, người nhặt được cái thẻ lệnh, người nhặt được vàng miếng...

Thậm chí, có anh đi rừng phát hiện 2 đống kim loại màu vàng nằm cách nhau khoảng một chiếc đòn gánh (người ta bảo do người gánh bị chết). Rất nhiều vàng chôn giấu bị mưa lũ xói mòn lộ ra. Anh này đào vàng về lát hiên nhà thay gạch. Hồi ấy, dân làng qua chơi cứ thấy màu vàng chóe lộ thiên, mãi sau mới biết đó là vàng.

Hồi ấy, người dân vốn thật thà, nên khi xã yêu cầu nộp lại, vì đó là vàng của nhà nước, để đóng góp xây dựng đất nước, thì ai nấy người ít người nhiều hò nhau mang lên ủy ban nộp hết cả.

Có một gia đình làm nghề đánh cá phát hiện vàng ở suối, toàn vàng lá, liền huy động cả nhà ra khuân về nộp. Nhưng có người ác ý xúc xiểm, bảo nhà ông vẫn giấu vàng, báo lên cấp trên. Xã liền gọi ông lên thẩm tra. Ông lão nổi cơn tự ái, liền thắt cổ tự tử.

Tuy nhiên, số vàng mà dân Hóa Sơn phát hiện sau cơn lũ cũng chưa ăn thua so với số vàng mà một phụ nữ tên Quý phát hiện ở gốc cây cổ thụ bên vực Trẩy. Người ta vẫn gọi đó là cây Pằn Nàng (tiếng địa phương). Cây cổ thụ đó lớn lắm, mấy người ôm không xuể, nhưng bên trong rỗng ruột.

Sau trận lũ quét, cây đổ, chị Quý ra mò cua mới phát hiện bên trong gốc cây ruỗng bụng đó là một cái hầm lớn, cơ man vàng là vàng, liền tức tốc chạy về báo tin. Dân Hóa Sơn ra xem thấy toàn vàng miếng, có chữ Tàu, dịch là: ngũ lượng, có nghĩa là 5 lạng vàng. Họ đều khẳng định, vua Hàm Nghi đã cho người giấu vàng trong hốc cây Pằn Nàng đại thụ này.

{keywords}

Con suối ven đường ở Hóa Sơn, nơi phát tích của câu chuyện tìm thấy hàng tạ vàng năm xưa

Nhân chứng sống của câu chuyện giờ chỉ còn vài người. Nghe chỉ dẫn, chúng tôi tìm vào bản tận cùng của xã Hóa Sơn, đến nhà ông Đinh Minh Đệ.

Ông Đệ năm nay 84 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Thời phát hiện ra hàng tạ vàng dưới gốc cây Pằn Nàng ấy, ông còn làm Xã đội trưởng Hóa Sơn. Hỏi về chuyện vàng, ánh mắt ông sáng quắc rồi đưa tay chỉ vào ngôi nhà tranh vách đất đơn sơ của mình: “Có mà vàng xếp đầy nhà ấy nhà báo à, hồi ấy quyền trong tay tui, tui mà lấy thì có mà hàng yến, đâu phải sống như bây giờ...”.

Ông Đệ cũng như người dân Hóa Sơn đều có quan niệm những đồ châu báu đấy là của vua của quan, dân không được lấy, kiểu gì cũng dễ gặp tai họa vào cả gia đình. Cho nên, tất cả số vàng thu gom được trong đợt lũ và ở gốc cây cổ thụ ấy, ông huy động dân quân khênh lên huyện hết. Theo ông, đợt ấy gom được hơn 10 thùng vàng, mà mỗi thùng phải 2 anh thanh niên trai tráng trong vùng cùng với một chiếc đòn gánh mới khênh nổi.

{keywords}

Ông Đinh Minh Đệ, nguyên Xã đội trưởng Hóa Sơn những năm 1956

Ông Đệ bảo, sau chuyến đầu tiên thu hồi được hơn 10 thùng vàng nộp cho nhà nước, người ta lại đi đào xới tiếp xung quanh gốc cây cổ thụ ấy và lại thu được kha khá nữa. Lần này toàn là dây xích, to kiểu như chiếc đũa, dài lắm.

Có anh thanh niên tên Tâm nhảy xuống suối mò được 2 nắm to tướng, ông Đệ thấy vậy bảo mang cho mình đeo chơi, rồi quấn đầy quanh người. Ngay lúc đó, bỗng một cơn giông, rồi sấm chớp đùng đùng nổi lên, ông cùng mọi người chạy tán loạn đi tìm chỗ ẩn nấp, mấy cái dây vàng rơi đâu hết cả, quay lại tìm cũng không thấy.

Sau chuyến gánh vàng lên huyện, ông Đệ cùng dân quân được thưởng nóng một khẩu súng trường Mỹ, một con lợn tạ, cùng đồ ăn thức uống, cả xã tổ chức ăn uống linh đình. Đến gần nửa đêm, ông ật ưỡng đi 1 mình về nhà. Qua con suối chỗ gần gốc cây Pằn Nàng cổ thụ, bỗng nghe như có tiếng đào sột soạt trong tán rừng trước mặt.

{keywords}

Con đường ở xã Hóa Sơn mà năm xưa vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng đã đi qua và lưu trú ở đây

Ông Đệ vốn cảnh giác, tỉnh hết cả rượu, liền chĩa súng vào bụi rậm quát lớn: “Ai! Nếu không ra trình diện tao bắn chết”. Liền sau đó, nghe tiếng la oai oái bảo người nhà, rồi 2 thanh niên cùng thôn lò dò mò ra bên ngoài, xách theo 2 tay nải, khúm núm xin ông đừng bắn. Ông Đệ kiểm tra thì thấy trong 2 tay nải ấy chứa đầy vàng miếng.

Hôm sau lên ủy ban xã, suy nghĩ rằng vàng trong dân chúng đã nộp lên hết, nhưng vàng của vua Hàm Nghi chắc chắn vẫn còn trôi nổi ở vùng đất Hóa Sơn chưa thể tìm thấy, ông Đệ liền đề xuất lên huyện cho phát động mọi người đi đào bới, ai phát hiện ra sẽ được thưởng nóng 1 ngày 5 lạng gạo, phát hiện nhiều thì được thêm thịt lợn.

Được huyện đồng ý, dân Hóa Sơn hăm hở tỏa đi các hướng, leo lên các ngọn núi, cánh rừng tìm kiếm suốt cả tuần lễ. Vàng thì có thu về, nhưng chỉ được khá ít. Tìm được vàng, mọi người đều đổi gạo, vì thời điểm đó muốn bán vàng cũng chả ai dám mua. Có lẽ, trận lũ lớn năm 1956 đã cuốn trôi cả.

“Có một điều kỳ lạ mà không ai giải thích nổi, ở chỗ gốc cây Pằn Nàng bên bờ vực Trẩy ấy, đúng 1 tháng sau khi phát hiện ra hàng tạ vàng của vua Hàm Nghi và vàng đã được lấy đi hết, thì bỗng lại mưa rào suốt cả tuần lễ, rồi một ngọn sét giáng thẳng xuống thân cây ấy, khiến cây cháy đen thui. Về sau dân Hóa Sơn không ai nhận ra được những dấu tích cũ nữa”, ông Đinh Minh Đệ cho biết.

(Theo VTC)