Ngày 12/6, các chủ hộ nuôi cá tầm, cá hồi trên địa bàn huyện Sa Pa (Lào Cai) thông tin, thời gian qua xảy ra liên tiếp hiện tượng cá chết bất thường, nghi bị đầu độc.

Cụ thể, ông Phàn Dào Quẩy, thôn Nậm Cang 1, xã Nậm Cang cho biết, chỉ sau một đêm (7/6), hai trong bốn bể nuôi cá tầm, cá hồi của gia đình bị chết sạch không còn một con.

Lúc 5h sáng, ông Quẩy dậy kiểm tra thì đã thấy cá chết trắng. Số lượng cá chết khoảng 9.000 con, tổng thiệt hại khoảng 4 tấn.

{keywords}

Tiêu hủy cá hồi bị chết bất thường ở Sa Pa


Theo ông Quẩy, bể cá bị chết được gia đình nuôi từ giữa năm 2016. Đến nay, trọng lượng cá tầm có con lên tới 4kg, cá hồi khoảng 0,8 kg/con. Theo ước tính của ông Quẩy, số tiền đầu tư mua con giống, thức ăn lên đến vài trăm triệu đồng. Nếu cá không bị chết, đến tháng 11 tới, gia đình ông Quẩy sẽ xuất bán, mang về nguồn thu nhập khoảng 800 triệu đồng.

Được biết, gia đình ông Quẩy có 4 bể nuôi cá cùng dùng chung một nguồn nước, nhưng chỉ có 2 bể cá to sắp xuất bán bị chết, 2 ao còn lại nuôi cá nhỏ nằm ngay cạnh thì không hề hấn gì.

Theo ông Quẩy, nguyên nhân khiến cá bị chết có thể do bị đầu độc nhưng kiểm tra bể cá hoàn toàn không phát hiện sự bất thường.

{keywords}

Cá tầm bị chết trắng tại bể cá nhà ông Phàn Dào Quẩy

Ông Nguyễn Thái Bình, chủ hộ nuôi cá sát nhà ông Quẩy cho biết, trước đó 10 ngày trước, do người dân phun thuốc trừ cỏ trên nương, chảy xuống nguồn nước cũng làm chết 4 tạ cá hồi của gia đình.

Không những vậy, cùng thời điểm đó, tại trại cá của ông Bình tại thôn Can Hồ B, xã Bản Khoang cũng chết 8 tấn cá hồi một cách bất thường, trọng lượng 2 - 3 kg/con, loại nhỏ 2 - 3 lạng/con.

“Ngay sau đó, tôi đã báo UBND xã, công an xã để ghi nhận sự việc thôi. Còn lượng cá chết, gia đình đã cho tiêu hủy, ngâm làm phân tưới hoa hồng. Thiệt hại cho gia đình khoảng 1,3 tỷ đồng”, ông Bình cho biết.

{keywords}

Ông Quẩy bên bể cá trống trơn của gia đình

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá nước lạnh Sa Pa chết bất thường. Vào tháng 10/2016, nhiều vụ việc tương tự xảy ra rải rác ở nhiều xã của Sa Pa, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho người nuôi.

Tuy nhiên, cho tới nay, nguyên nhân vụ việc gần như bị quên lãng trong sự bất lực của các cơ quan chức năng huyện Sa Pa. Người chăn nuôi chỉ biết ngậm ngùi, tìm cách khôi phục sản xuất với khoản nợ ngân hàng ngày một tăng.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)